Đề án chưa bám sát thực tiễn
Các Website khác - 21/05/2008

Thời gian qua, “ Đề án tổng thể về đổi mới công tác thi và tuyển sinh” từ cục khảo thí và kiểm định chất lượng Bộ Giáo dục và Đào tạo được dư luận đặc biệt quan tâm.

Ảnh: baothanhhoa.com.vn

Đã có nhiều ý kiến từ các nhà giáo, nhà quản lý giáo dục về đề án, trong đó không ít ý kiến phản đối gay gắt.

Là một giáo viên công tác gần 30 năm trong nghề, đã từng tham gia dạy học sinh yếu, học sinh giỏi, tham gia làm công tác quản lý, tôi xin tham gia ý kiến dưới góc độ dự báo các hạn chế, bất cập xảy ra khi đề án được triển khai thực hiện.

Một là, một trong những mục tiêu của Đề án là nhắm đến việc tiết kiệm thời gian, sức lực của thí sinh, gia đình của thí sinh và xã hội nhưng xét tổng thể thì mục tiêu này khó đạt được như ý muốn.

Nếu tổ chức thi tuyển sinh đại học tại địa phương, do tính chất quan trọng của kỳ thi, trong những ngày thi phụ huynh học sinh sẽ bỏ công ăn việc làm tập trung quanh trường thi chờ đợi, động viên con em làm bài, có khi một người đi thi mà cả nhà có mặt đầy đủ ở trường thi.

Một số công chức nhà nước tranh thủ xin nghỉ phép hoặc bớt xén giờ làm việc để đưa đón con em đến trường thi. Việc một số lượng lớn người tập trung tại trường thi buộc chi phí bảo vệ sẽ tăng lên.

Hiện tượng này nếu thi tập trung theo tinh thần ba chung thì cũng có nhưng xét trong phạm vi cả nước, chắc chắn số lượng phụ huynh học sinh tập trung tại trường thi sẽ ít hơn và ít ảnh hưởng đến công việc của phụ huynh học sinh hơn. Có thể dự đoán những ngày thi hôm đó sẽ có tác động đến sinh hoạt bình thường của tất cả các tỉnh thành trên cả nước.

Ngoài ra, việc các trường đại học, cao đẳng tổ chức thi các môn chuyên biệt phù hợp với đặc điểm tuyển sinh của trường mình cũng sẽ đưa học sinh về các thành phố lớn dự thi như cũ, cũng xem như phải thi hai lần.Việc học sinh trượt tốt nghiệp ở các năm trước dồn lại, học sinh đăng ký thi lại để lấy điểm tuyển sinh sẽ làm cho qui mô của kỳ thi tăng lên, chi phí cũng không nhỏ.

Hai là, việc sáp nhập hai kỳ thi gây thiệt thòi cho học sinh. Học sinh năng lực còn hạn chế (học sinh này không có ý học lệch) khó có thể lấy điểm môn này bù cho điểm môn kia vì bản thân mỗi đề thi đã chứa một tỷ lệ nhất định dành cho tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Ví dụ: một số học sinh học khá môn Toán, với đề thi tốt nghiệp phổ thông môn Toán  năm 2007 học sinh đó có thể đạt từ 8 đến 9 điểm (đề thi tốt nghiệp môn toán năm ngoái học sinh giỏi toán chỉ làm trong 90 phút là xong, đề thi tốt nghiệp ra tương đối dễ), em học yếu môn Anh văn nên thi Anh văn chỉ đạt từ 3 điểm trở xuống, các môn thi khác em đạt 5 điểm.

Học sinh này có thể đậu tốt nghiệp.Với cách sáp nhập hai kỳ thi như đề án, nguy cơ em này không đậu tốt nghiệp rất cao. Lý do là  vì có mục tiêu tuyển sinh đại học, đề thi phải có độ phân hóa mạnh, em rất khó đạt điểm thi Toán từ 8 đến 9 điểm. Do mục tiêu của hai kỳ thi khác nhau, chúng ta không nên yêu cầu cao đối với học sinh chỉ có nhu cầu thi đậu tốt nghiệp. 

Ba là, việc sáp nhập hai kỳ thi buộc học sinh phải làm việc nhiều, gây áp lực căng thẳng, không phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, không đảm bảo nguyên tắc vừa sức trong giáo dục, dẫn đến tình trạng học sinh khá giỏi phải gia tăng học lệch.

Học sinh thi tốt nghiệp phổ thông xong nghỉ ngơi một thời gian rồi thi tiếp tuyển sinh đại học, cao đẳng sẽ phù hợp với tâm lý và sức khỏe của các em hơn. Tránh trường hợp học dồn ép, gây căng thẳng dẫn đến hội chứng trầm cảm trong học sinh.

Bốn  là, việc sáp nhập hai kỳ thi gây áp lực công việc nặng nề cho cán bộ, giáo viên bậc Trung học, cho các Sở GD&ĐT trong khi công tác tổ chức coi thi, chấm thi tuyển sinh đại học, cao đẳng phải giao cho các trường đại học, cao đẳng thì hợp lý hơn, đảm bảo tính chuyên môn hóa hơn.

Hiện nay các Sở GD&ĐT đang tập trung chỉ đạo việc dạy và học, một nhiệm vụ trọng tâm của ngành nhằm chống hiện tượng học sinh ngồi nhầm lớp và nâng cao chất lượng giáo dục. Nay Bộ GD&ĐT lại giao trọng trách tổ chức coi chấm thi tuyển sinh đại học, cao đẳng cho các sở, một công việc đòi hỏi tốn kém nhiều thời gian, sức lực và rất nhạy cảm.

Trên cơ sở các phân tích trên, tôi xin đề xuất một phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh đại học, cao đẳng như sau:

+ Về thi tốt nghiệp trung học phổ thông:

Tiến hành thi như hiện nay một cách nghiêm túc theo tinh thần hai không. Về sau, thay cho giảng viên các trường đại học, cao đẳng, nên điều động cán bộ chuyên viên Sở, tổ trưởng chuyên môn các trường của hai tỉnh ngoài đến thanh tra thi ở một tỉnh như cách coi thi học sinh giỏi quốc gia, trưởng đoàn là lãnh đạo của một Sở GD&ĐT nào đó, chú ý thanh tra kỹ khâu coi chấm thi, bố trí một thanh tra trên 8 phòng thi.

+ Về thi tuyển sinh đại học, cao đẳng:

Vẫn tiến hành thi theo hình thức ba chung như hiện nay, trong đó các môn Ngữ văn, Toán thi tự luận, các môn còn lại thi trắc nghiệm. Xin nhấn mạnh lại một lần nữa môn Toán thi tự luận sẽ hạn chế được sự may rủi, góp phần đánh giá đúng trình độ học sinh hơn.

Để đạt được mục tiêu tiết kiệm, nhà trường hướng dẫn học sinh nắm nội dung, phương pháp làm hồ sơ tuyển sinh trước khi thi tốt nghiệp nhưng chỉ tiến hành nhận đơn thi tuyển sinh đại học, cao đẳng sau khi đã có kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Theo cách làm đó, các đơn vị tổ chức thi sẽ chủ động trong việc bố trí số phòng thi, không có số thí sinh ảo. Ngoài ra, trên cơ sở tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc, một số trường đại học, cao đẳng có thể xin phép Bộ GD&ĐT lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT, kết quả xếp loại học lực hạnh kiểm trong học bạ cấp THPT để xét tuyển sinh mà không cần phải tổ chức thi tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Thái Tăng Nghĩa
ĐHSP Toán, CN Quản lý Giáo dục