Đề án kỳ thi “2 trong 1”: Nước đã đến chân
Các Website khác - 12/01/2009

 2010 - mốc thời gian được Bộ GD-ĐT chọn để bắt đầu tổ chức kỳ thi “hai trong một” - đã cận kề nhưng những thông tin liên quan đến việc chuẩn bị vẫn trong vòng bí mật. Trong khi đó, các trường ĐH, CĐ, THPT và hàng triệu thí sinh lại đang phập phồng chuẩn bị những phương án riêng cho mình.

Nếu sử dụng thêm kết quả học tập để sơ tuyển, các trường sẽ chọn được những thí sinh có năng lực thật sự và giảm áp lực thi cử. Trong ảnh: thí sinh đợi gọi tên vào phòng thi tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM trong kỳ thi tuyển sinh năm 2008 - Ảnh: H.Thuật

Ngay trong phương hướng năm học 2008-2009, Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia vào năm 2010. Kết quả của kỳ thi này được sử dụng vừa để xét công nhận tốt nghiệp, vừa làm căn cứ xét tuyển vào ĐH, CĐ. Và để chuẩn bị, trong năm học 2008-2009 Bộ GD-ĐT sẽ ban hành khung chính sách cho việc xét tuyển vào ĐH, CĐ. Các trường căn cứ khung chính sách để tuyên bố tiêu chí và các điều kiện xét tuyển vào trường. Tuy vậy, đến thời điểm này câu trả lời có tổ chức kỳ thi như vậy hay không và tổ chức vào thời điểm nào các trường vẫn chưa nhận được.

Ba khung xét tuyển

Việc sử dụng thêm kết quả học tập làm tiêu chí xét tuyển không chỉ đảm bảo khả năng tuyển chọn được những thí sinh có năng lực mà còn giúp giảm áp lực cho các trường ĐH.

TS Nguyễn Kim Hồng tính toán: “Trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2008, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có hơn 25.000 thí sinh đăng ký dự thi. Số thí sinh đến dự thi khoảng 20.000 người trong khi chỉ có 3.100 thí sinh trúng tuyển, tương đương 15%. Nếu tiến hành sơ tuyển, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chỉ cần tổ chức thi cho 3.500 - 6.000 thí sinh. Như vậy số thí sinh dự thi đã giảm 70-80%.

Chính vì vậy, thông tin về bản dự thảo khung chính sách xét tuyển vào ĐH, CĐ và TCCN từ kết quả thi THPT quốc gia phải đến với những người quan tâm qua nhiều kênh không chính thức. Theo thông tin ban đầu, sẽ có ba khung cụ thể để các trường làm căn cứ xây dựng các tiêu chí cũng như điều kiện tuyển sinh vào các ngành đào tạo của trường mình. Đối với đa số ngành, các trường sẽ sử dụng kết quả của thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển.

Trong những năm đầu, kỳ thi THPT quốc gia này sẽ gồm tám môn: văn, ngoại ngữ, toán, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử và địa lý. Số môn thí sinh phải thi để được công nhận tốt nghiệp là sáu môn gồm ba môn bắt buộc: văn, toán, ngoại ngữ; một môn do Bộ GD-ĐT quy định hằng năm và hai môn tự chọn.

Trong đó, các trường ĐH, CĐ sẽ lấy kết quả của ba môn văn hóa và các trường TCCN sẽ lấy kết quả của hai môn, gồm ít nhất một trong các môn: toán, văn, ngoại ngữ. Riêng những ngành năng khiếu, bên cạnh xét tuyển dựa trên kết quả thi các môn văn hóa, trường sẽ tổ chức thi thêm môn năng khiếu liên quan đến chuyên ngành đó. Việc tổ chức thêm một kỳ thi bổ sung tại trường chỉ áp dụng với các ngành có yêu cầu đặc biệt như: sư phạm, ngoại ngữ, báo chí, đối ngoại, chương trình tiên tiến… Những ngành có tổ chức thi thêm một môn nào đó sẽ do trường đề xuất với Bộ GD-ĐT.

Cán bộ phụ trách tuyển sinh của một trường ĐH tại TP.HCM cho biết trong buổi lấy ý kiến, đa số trường đều đồng tình với ba khung xét tuyển mà Bộ GD-ĐT đưa ra. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về cách xử lý kết quả và giải quyết những tình huống phát sinh liên quan. Một cán bộ khác yêu cầu không nêu tên đề nghị Bộ GD-ĐT nên sớm công bố chủ trương này, vì nó liên quan trực tiếp đến hàng triệu học sinh. Nếu không được biết kịp thời, các em sẽ không có kế hoạch học tập phù hợp chuẩn bị cho kỳ thi.

Băn khoăn kết quả phổ thông

Không chỉ lo lắng về thời hạn áp dụng, các trường vẫn rất nghi ngại về sự khách quan, trung thực của kết quả kỳ thi THPT. Vì thế, nhiều cán bộ tuyển sinh tuy đồng tình với chủ trương bỏ kỳ thi tuyển sinh, nhưng vẫn nghiêng về phương án bổ sung các yếu tố khác để xét tuyển.

TS Nguyễn Kim Hồng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng tuyển sinh không nên chỉ dựa trên kết quả của một kỳ thi. Theo ông, các trường ĐH căn cứ trên hồ sơ xét tuyển để sơ tuyển những thí sinh đáp ứng yêu cầu tuyển sinh của trường. Hồ sơ xét tuyển ở đây không chỉ kết quả thi THPT mà còn có cả học bạ. Chỉ những ứng viên đáp ứng được yêu cầu về hồ sơ của các trường ĐH mới được gọi phỏng vấn hoặc tham dự kỳ thi của trường.

Đồng tình với quan điểm này, TS Lê Khắc Cường, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM), kết luận: “Không có hình thức tuyển sinh nào là hoàn hảo. Áp dụng hình thức nào, trong quá trình thực hiện chắc chắn vẫn phải điều chỉnh cho phù hợp”. Tuy nhiên, theo ông, xét tuyển ĐH căn cứ vào kết quả học tập và thi tốt nghiệp bậc THPT là hợp lý vì vừa phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của VN hiện nay vừa tăng tính liên thông, liên tục giữa các bậc học trong quá trình giáo dục.

TS Vũ Thị Phương Anh, giám đốc Trung tâm Khảo thí và kiểm định chất lượng  đào tạo ĐHQG TP.HCM, nhấn mạnh thêm: “Các kỳ thi lớn dù có tổ chức nghiêm túc đến đâu và dù có tổ chức bao nhiêu kỳ thi đi nữa, cũng chỉ đánh giá phần nào kiến thức và năng lực của một học sinh. Hơn nữa, đó chủ yếu là những kiến thức sách vở và năng lực hàn lâm. Chưa kể việc quá nhấn mạnh vào một kỳ thi có thể là nguyên nhân gây ra tiêu cực trong thi cử.” Thậm chí có người còn muốn dùng đến kết quả từ bậc THPT một cách chi tiết hơn. Một cán bộ đang làm việc tại ĐHQG TP.HCM cho rằng bên cạnh dùng điểm thi THPT để xét tuyển, các trường ĐH nên xét duyệt thêm điểm ba môn thi cuối năm của các lớp 10, 11, 12. Lý do chỉ xét điểm của bài thi cuối năm học là để tránh tiêu cực về điểm số do bệnh thành tích trong suốt thời gian học.

Theo Tuoi Tre Online