Đề thi nâng cao có khó hơn cơ bản ?
Các Website khác - 10/12/2008

 

Nếu bỏ thi CĐ, độ phức tạp của đề thi ĐH năm nay sẽ tăng lên nhiều để phân loại được thí sinh, bao nhiêu điểm sẽ đủ sàn vào ĐH, bao nhiêu đủ sàn CĐ


Thí sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT năm 2008 tại Hội đồng thi Marie Curie - TPHCM. Ảnh: N. Hữu

Theo Bộ GD-ĐT, năm học 2008-2009, người học lớp 12 THPT gồm 5 nhóm đối tượng (học sinh ban khoa học tự nhiên, ban khoa học xã hội, ban cơ bản, học sinh trường THPT kỹ thuật, học viên giáo dục thường xuyên) và thí sinh (TS) thi tự do gồm 3 đối tượng (TS đã học chương trình THPT không phân ban, TS đã học chương trình THPT phân ban thí điểm và TS đã học chương trình bổ túc THPT). Chính vì thế, để đề thi có thể đáp ứng tất cả đối tượng TS, TS tự do sẽ phải thi cùng đề thi như TS đang học lớp 12.

Thi tốt nghiệp: Thí sinh tự do lo bổ sung kiến thức

Đối với các môn toán, vật lý, hóa học, sinh học, ngữ văn, lịch sử, địa lý, đề thi mỗi môn gồm 2 phần: phần chung (cho tất cả TS, ra theo nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao) và phần riêng (cho TS học theo từng chương trình), nội dung đề thi bám sát chương trình sách giáo khoa (SGK) mới. Riêng đối với môn ngoại ngữ, đề thi chỉ có phần chung dành cho tất cả TS ra theo nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao, không có phần riêng.

Điều này cũng có nghĩa để có thể làm bài tốt và tốt nghiệp được, TS tự do sẽ phải tự xác định được những phần kiến thức thiếu hụt so với SGK mới để chủ động cập nhật, bổ sung kiến thức. Theo một lãnh đạo của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT, TS tự do có thể đến các trường THPT để xin được tổ chức ôn tập, bổ sung kiến thức thay vì đến các trung tâm luyện thi để học thêm. Thực tế cho thấy, dù thi theo chương trình cũ hay mới thì TS cũng phải nắm chắc những kiến thức cơ bản.

Tuy nhiên, việc đăng ký theo học ở các trường THPT không hề dễ dàng. Bà Phạm Thị Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo, Hà Nội, cho biết theo quy định, trường chỉ nhận những TS có hộ khẩu ở Hà Nội, trượt tốt nghiệp THPT các năm trước. Tuy nhiên, trường chỉ có thể lên kế hoạch ôn tập cho các em sau thời điểm Bộ GD-ĐT công bố chính thức các môn thi tốt nghiệp THPT 2009 nếu những TS này đăng ký ôn tập và thi tại địa điểm của trường. Theo ghi nhận của phóng viên Báo NLĐ, thời điểm này đã có không ít TS tự do đăng ký theo học ở các lò luyện thi Hà Nội.

Thi ĐH: Có thiệt thòi cho học sinh chương trình nâng cao?

Ở kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2009, đề thi các môn toán, vật lý, hóa học, sinh học, ngữ văn, lịch sử, địa lý cũng gồm 2 phần: phần chung (cho tất cả TS, ra theo nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn và nâng cao) và phần riêng (ra theo chương trình chuẩn hoặc chương trình nâng cao). TS chỉ được chọn một phần riêng thích hợp để làm bài. Nếu TS làm cả hai phần riêng thì phần riêng đó không được chấm điểm.

Cách ra đề này của bộ đã khiến nhiều TS học chương trình nâng cao lo lắng, liệu các em có bị thiệt thòi so với TS học chương trình cơ bản? Bởi thực tế nhiều năm qua cho thấy đề thi cơ bản luôn dễ hơn đề thi chương trình nâng cao. Trả lời câu hỏi này, tiến sĩ Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT, khẳng định nguyên tắc ra đề thi của bộ là công bằng, chính xác, chương trình nâng cao hơn không có nghĩa là đề thi khó hơn.

Nếu nói về độ khó, ở phần chung đều có những câu khó, câu trung bình, câu dễ để phân loại TS. Ông Nghĩa cho biết thêm, chính vì lường trước những lo lắng của TS mà bộ đã quy định TS có thể chọn một trong hai phần riêng để làm bài. Nếu TS học chương trình nâng cao thấy không làm được phần riêng này thì có thể chọn phần riêng khác, miễn là không làm cả hai phần vì như vậy sẽ vi phạm quy chế.

Hơn 70% trường CĐ đồng ý xét tuyển

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT đến ngày 8-12, hơn 70% các trường CĐ đồng tình với việc bỏ thi tuyển sinh và thay vào đó là lấy kết quả thi ĐH để xét tuyển. Chủ trương bỏ kỳ thi CĐ được Bộ GD-ĐT đưa ra nhằm giảm áp lực thi cử cho TS cũng như giảm chi phí cho việc thi cử, hạn chế tiêu cực.

Tuy nhiên, cũng có nhiều trường tỏ ra băn khoăn khi cho rằng việc bắt những TS chỉ đăng ký thi CĐ phải làm đề thi ĐH sẽ ảnh hưởng đến kết quả thi của các em. Ngoài ra, các trường CĐ cũng lo ngại với cách tổ chức xét tuyển, tỉ lệ thí sinh ảo vào trường sẽ gây khó khăn và kéo dài thời gian tuyển sinh cho các trường CĐ. Bộ GD-ĐT sẽ thảo luận lần cuối về quyết định này tại hội nghị tuyển sinh ĐH, CĐ dự kiến tổ chức vào ngày 3-1-2009.

Dù chưa có quyết định cuối cùng nhưng phương án bỏ kỳ thi CĐ đã được bộ tính đến. Và nếu kỳ thi CĐ không còn (TS muốn vào trường CĐ phải thi nhờ một trường ĐH nào đó) thì độ phức tạp của đề thi ĐH năm nay sẽ tăng lên nhiều. Theo phân tích của một chuyên viên Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, lúc đó, đề thi ĐH sẽ phải rất khoa học để phân loại được TS, bao nhiêu điểm sẽ đủ sàn vào ĐH, bao nhiêu đủ sàn vào CĐ.

Yến Anh