Theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, sắp tới sẽ triển khai kiểm định chất lượng ở mỗi sở GD-ĐT khoảng 2,5% số trường, trong tổng số gần 28.000 trường tiểu học, THCS và THPT.
![]() |
Khó có “chuẩn” giáo dục chất lượng chung khi mà điều kiện sống, học tập của học sinh ở các vùng miền còn quá cách biệt. Trong ảnh: học sinh nông thôn vùng sâu ĐBSCL đến trường - Ảnh: Đ.ĐẠI |
Tuy nhiên đến nay quy định về quy trình, chu trình đánh giá và hướng dẫn thực hiện vẫn còn trong giai đoạn dự thảo, còn tiêu chí đánh giá có nhiều ý kiến cho rằng chưa sát thực tế.
Chưa phải cách để kiếm tìm chất lượng
Các bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường phổ thông đã được trưng cầu ý kiến trước khi ban hành, nhưng theo đại diện nhiều cơ sở giáo dục, nhiều tiêu chí nhằm đảm bảo chất lượng bền vững còn ít, chưa rõ ràng, trong khi đó có những tiêu chí khó thực hiện và rất dễ khiến các cơ sở tiếp tục sa vào “bệnh thành tích” khi đặt ra những ngưỡng về “tỉ lệ học sinh tốt nghiệp”, “tỉ lệ học sinh khá, giỏi”, trình độ giáo viên (bằng cấp)...
Ông Phạm Văn Hùng, giám đốc Sở GD-ĐT Thừa Thiên - Huế, nhận xét: nên bổ sung những tiêu chí phản ánh được nỗ lực của các trường trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục, thay vào chỗ chỉ thể hiện bằng những con số.
Một số ý kiến cho rằng không nên đặt ra tiêu chuẩn “trường có tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT ít nhất 70%”, mà chỉ nên quy định “tỉ lệ đỗ tốt nghiệp trên mức tỉ lệ bình quân tốt nghiệp của cả nước” và thêm vào đó là những tiêu chí nhằm nâng dần chất lượng giáo dục học sinh lớp 12 qua các năm. Cách này khả thi hơn và sẽ gỡ cho các trường phải cố gắng đạt chuẩn bằng việc tổ chức thi không thực chất.
Tương tự, nhiều ý kiến từ các cơ sở giáo dục cho rằng những tiêu chí như tỉ lệ học sinh khá, giỏi đạt 25%, loại yếu, kém không quá 20%, lưu ban không quá 5% (đối với bậc THPT), 60% HS khá, giỏi, lưu ban không quá 10% (đối với tiểu học)... trên thực tế sẽ không phải là những tiêu chí phản ánh đúng chất lượng và nỗ lực tiến tới chất lượng của các trường phổ thông.
Theo ông Nguyễn Văn Hải, trưởng phòng khảo thí và kiểm định chất lượng Sở GD-ĐT Đồng Nai, quan trọng phải là những tiêu chí quy định về hoạt động chuyên môn như biện pháp kiểm tra, đánh giá thực hiện nội dung chương trình, sinh hoạt chuyên môn, đánh giá cải tiến phương pháp dạy học hay quy định nhiệm vụ của hiệu trưởng: “có biện pháp chỉ đạo, kiểm tra đánh giá hoạt động giáo dục trên lớp, hiệu quả giáo dục...”, vì nếu thực hiện tốt được những quy định trên mới là yếu tố đảm bảo chất lượng bền vững.
Nên hay không chia nhóm tiêu chí theo vùng miền?
Ông Nguyễn Văn Khoa, phó trưởng Phòng giáo dục huyện Đồng Văn, Hà Giang, cho biết: sự chênh lệch quá lớn giữa giáo dục ở các vùng miền khác nhau trên cả nước khiến việc phấn đấu theo một chuẩn chung khó khả thi và không phù hợp. Ví dụ với trường vùng khó khăn, việc huy động tốt học sinh đến trường và đảm bảo tỉ lệ học sinh đạt yêu cầu ở mức 60-70% đã có thể công nhận trường đạt chất lượng.
Bởi với học sinh vùng khó, một trường có đến 15-20 điểm trường, nhiệm vụ của người thầy giáo không chỉ gói gọn vào các hoạt động ở trường mà phải hòa nhập với dân, vận động học sinh đi học thì rất cần được đánh giá theo một chuẩn phù hợp hơn.
Bà Lâm Thị Sang, trưởng phòng khảo thí và kiểm định chất lượng Sở GD-ĐT tỉnh Bạc Liêu, cũng cho rằng xây dựng tiêu chí kiểm định chất lượng trường phổ thông cần căn cứ theo khu vực, không nên đặt ra một chuẩn chung như hiện nay. Vì như vậy sẽ có rất nhiều điểm phù hợp với thành phố nhưng bất cập với vùng nông thôn, vùng khó khăn và ngược lại.
Bà Lâm Thị Sang dẫn chứng: nếu ở thành phố tiêu chí “dưới 1% học sinh bỏ học” có thể dễ dàng đạt được thì ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, việc này quá khó. Tiêu chí đề ra không sát hoặc vượt quá khả năng thực hiện của cơ sở giáo dục sẽ dễ khiến các cơ sở phải phấn đấu để có con số không thực chất.
TRỊNH VĨNH HÀ
▪ Bí kíp đỗ đại học khối A cho bạn! (09/12/2008)
▪ Nữ sinh gốc Việt nhận học bổng 200.000 USD (09/12/2008)
▪ Săn SV giỏi qua kỳ thực tập (08/12/2008)
▪ Sinh viên Việt Nam sử dụng tiếng Anh rất kém (08/12/2008)
▪ Cái cần không sửa, sửa cái không cần! (08/12/2008)
▪ Nghe và Nói tiếng Anh: Chỉ trong 3 tuần là "trôi" (06/12/2008)
▪ Ba nghịch lý của giáo dục (06/12/2008)
▪ Rầm rập đi "nhét" chữ (06/12/2008)
▪ Thi học kỳ: Bộ chỉ đạo mâu thuẫn, trường tự quyết! (05/12/2008)
▪ Văn bản “đá” nhau, học sinh chịu thiệt (05/12/2008)