Giáo dục: khủng hoảng "trồng dưa gặt đậu"?
Các Website khác - 01/03/2006

Báo cáo nghiên cứu của Bộ giáo dục Trung Quốc có viết : Tư tưởng và kiến giải của học sinh Trung Quốc hiện nay có tầm nhìn hạn hẹp nhất thế giới, một số sinh viên của những trường Đại học có tiếng cho dù có học cũng sẽ trở thành những "nguồn tư liệu" không được dùng đến.

Nhà Kinh tế chính trị học Long An Chí nói: "Tuy đã trải qua hơn 20 năm cải cách giáo dục nhưng nghiên cứu khoa học giáo dục của Trung Quốc vẫn còn kém hơn các nước phát triển khác. Thất bại trong chế độ giáo dục tạo nên nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân tài có tư duy, vấn nạn trong học thuật không hệ thống và gia tăng tội phạm thanh thiếu niên".

Trước mắt, sự thiếu hụt những phiên dịch viên của Trung Quốc đã là 90%.

Người của Cục Ngoại văn quốc gia còn cho biết, sự yếu kém về năng lực phiên dịch đã trở thành vấn đề cấp bách đối với sự phát triển kinh tế và giao lưu đối ngoại của Trung Quốc hiện nay. Đối với họ, ở một quốc gia mà ngay đến cả ngành Trung Y cũng phải thi bằng ngoại ngữ, thì việc thiết hụt người phiên dịch quả là đáng ngạc nhiên!

Điều này bắt nguồn từ chế độ giáo dục.

Khi nói phụ huynh Trung Quốc là những bậc cha mẹ "mong con thành tài" nhất thế giới thì hầu như không ai phản đối. Cũng như khi cho rằng học sinh Trung Quốc, đặc biệt học sinh tiểu học, trung học là những đứa trẻ học hành chăm chỉ nhất thế giới, cũng không ai phản đối. Mặt khác, bởi chế độ đãi ngộ giáo viên tuỳ thuộc vào điểm số của học sinh cho nên giáo viên Trung Quốc cũng là những người quan tâm nhất đến thành tích của học sinh.

Vậy thì tại sao nền giáo dục Trung Quốc lại lâm vào khủng hoảng "trồng dưa gặt đậu"?

Có hai nguyên nhân chủ yếu:

Chế độ thi cử không hợp lý. Nội dung và phương thức thi không thoả đáng đã khiến cho nhiều học sinh phải học đối phó bằng những "chiến thuật". Và sau khoảng thời gian dài vất vả nhồi nhét, học sinh tố chất giỏi thì ngày càng mệt mỏi, học sinh có năng lực yếu thì tinh thần hoàn toàn suy sụp. Do áp lực học tập đã đè nặng, chúng vì quá kiệt sức mà dần mất đi lý tưởng, do đó, tầm nhìn trở nên hạn hẹp là việc ắt phải xảy ra.

Sự dung túng và chấp nhận ngầm việc loạn thu phí trong giáo dục. Cũng vì sự dung túng đó mà mục tiêu tổ chức của nhiều trường học cũng thay đổi một cách lệch lạc. Nhân viên phụ trách phòng công tác học sinh của một trường Trung học trọng điểm tiết lộ : hiện nay, khi quyết định chiêu sinh - đặc biệt là đối với những em có điểm số thấp - việc đầu tiên nghĩ đến không phải là sau này sẽ đào tạo em đó như thế nào, mà là em đó nên đóng cho trường số tiền "học phí chọn lọc" ra sao.

Tình trạng loạn thu phí học đường kéo dài khiến cho "hơi đồng tiền" phát tán rộng rãi khắp trường học, che khuất đi những lý tưởng đẹp đẽ vốn có của giáo dục. Đào tạo người như thế nào đã không còn là điều quan trọng nữa, "thu tiền" mới chính là cốt lõi.

Giống như lời ông Long An Chí đã nói, nhiều người chỉ chú trọng đến giá trị cống hiến của giáo dục đối với quốc gia, mà không chú ý đến giá trị việc bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.

Với những nhân tố phản diện trên, tuy rằng truyền thống giáo dục "mong con thành tài" của các bậc gia trưởng Trung Quốc thật đáng quý, nhưng lại không giúp gì được cho tình trạng "hạn hẹp" trong tư tưởng của học sinh hiện nay.

  • Thể Hà (Nguồn: Tuổi Trẻ/ Xinhuanet.com)