Thành lập ĐH đẳng cấp quốc tế: Gấp rút từ bây giờ
Các Website khác - 01/03/2006

SV Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) thực hành trong phòng thí nghiệm

Ngày 24-2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định chính thức hình thành Tổ Công tác xây dựng Đề án thành lập trường ĐH đẳng cấp quốc tế.

Ông Trần Xuân Giá, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Trưởng Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Hội đồng quốc gia về giáo dục được cử làm tổ trưởng.

Chúng tôi đã phỏng vấn ông Trần Xuân Giá

Đầu tàu cho hệ thống GDĐH

* Đề nghị ông giới thiệu đôi nét về tổ công tác đặc biệt này?

- Ông TRẦN XUÂN GIÁ: Trước hết, tên “đẳng cấp quốc tế” chỉ là tạm dùng, sau này sẽ chuẩn xác lại. Tổ công tác của chúng tôi gồm 16 thành viên và nhóm thư ký gồm 6 thành viên.

Tổ có nhiệm vụ: xây dựng Đề án thành lập trường ĐH đẳng cấp quốc tế của VN trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hợp tác với các tổ chức và các cá nhân trong và ngoài nước để xây dựng đề án và đề xuất các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện sau khi được phê duyệt; theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai thực hiện đề án; nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ các chủ trương, chính sách và giải pháp quan trọng để đẩy mạnh việc xây dựng các chuyên ngành mũi nhọn đẳng cấp quốc tế trong các trường ĐH khác nhằm nâng dần trình độ giáo dục đại học (GDĐH) VN lên tầm tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Trong quá trình hoạt động, tổ trưởng tổ công tác có thể mời thêm các nhà khoa học GD, quản lý trong và ngoài nước tham gia trực tiếp vào công việc của tổ.

* Trước đây, trong một số cuộc họp, ông có nói về việc tổ chức trường ĐH đẳng cấp quốc tế phải gồm 2 chức năng: là nơi đào tạo nhân tài và là hình mẫu cho các ĐH khác vươn theo. Với vị trí lãnh đạo tổ công tác, ông sẽ tiếp tục quan điểm trên?

- Bây giờ ở cương vị phụ trách tổ công tác, cần phải biết lắng nghe, ghi nhận ý kiến của mọi giới, xin cho tôi được thận trọng hơn trong những phát biểu của mình. Tôi không muốn có sự áp đặt ý kiến của mình lên trên mọi ý kiến khác.

* Thưa ông, hai ĐH quốc gia (QG) TP.HCM và Hà Nội cũng được xem là “đầu tàu” cho hệ thống GDĐH, vậy “đầu tàu” nào quan trọng hơn?

- Hai ĐHQG chính là niềm hy vọng của mọi giới trong việc làm “đầu tàu” để kéo con tàu ĐH, song không hiểu vì lẽ nào đó, nhiều năm qua chuyển biến rất chậm. Và tôi nghĩ, để kéo một con tàu chạy nhanh hơn, đòi hỏi càng nhiều sức mạnh càng tốt.

Giảng viên, tài chính: nền tảng phát triển của ĐH - sẽ giải quyết ra sao?

* Thưa ông, cũng trong bối cảnh lực lượng giảng viên vừa thiếu vừa yếu, tài chính lại eo hẹp, ĐH đẳng cấp quốc tế sẽ được xây dựng dựa trên nền tảng nào?

- Vốn xuất thân cũng từ nhà giáo ĐH nên tôi hiểu vai trò rất quyết định của người thầy. Song theo quan niệm của tôi, nếu đòi hỏi mỗi trường, mỗi khoa, mỗi bộ môn phải có đủ thầy và đồng bộ về chất lượng thì quả thật hơi... ảo tưởng. Bởi ngay tại các nước tiên tiến như Anh, Pháp, Mỹ, đội ngũ thầy giáo chất lượng cao cũng được luân chuyển với nhau để thường xuyên cập nhật tri thức mới. Do đó, GV nhân tài là nhân tài chung, họ phải được sử dụng rộng rãi và tốt nhất.

Ngay ở nước ta và ngay bây giờ nếu biết tập hợp sẽ có lực lượng tốt. Còn giải pháp cụ thể tập hợp GV cho trường ĐH đẳng cấp quốc tế là vấn đề cực kỳ quan trọng, song nói ngay bây giờ còn hơi sớm. Còn về vấn đề tài chính, chúng tôi đang trong giai đoạn tìm nguồn. Tất nhiên, một ĐH muốn tồn tại cần tập hợp được nhiều nguồn tài chính: từ Chính phủ, viện trợ, vay vốn, từ chính người học đến nguồn tiền khá quan trọng là “ bán chất xám” thông qua các công trình nghiên cứu khoa học của chính trường này.

* Hiện nay, trong giáo giới đang có sự tranh luận: xây dựng ĐH đẳng cấp quốc tế trên cơ sở ĐH có sẵn hay xây dựng hẳn một ĐH mới. Còn ý kiến của ông?

- Cá nhân tôi cho rằng phải xây dựng trường mới. Kinh nghiệm thực tế đã cho thấy cải tạo một trường cũ khó lắm. Sức ì hiện rất mạnh. Bước đi chậm chạp của 2 ĐHQG là một ví dụ. Tuy vậy, đây là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, chúng tôi sẽ lắng nghe và sẽ đưa ra ý kiến cuối cùng để Chính phủ quyết định.

* Ông dự trù bao lâu nữa chúng ta sẽ có một ĐH đẳng cấp quốc tế?

- Để cho ra đời loại trường này cần một thời gian không ngắn. Song, phải hết sức gấp rút làm ngay từ bây giờ.

* Cuối cùng, một câu hỏi hơi tế nhị, mong ông thông cảm, vì chúng tôi nhận được khá nhiều câu hỏi băn khoăn: Tại sao phụ trách tổ công tác không là các nhà quản lý GD mà lại là ông, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, người “dính” rất ít đến GD?

- Vâng, khá tế nhị. Song, tôi xin trả lời: Trong nước ta và chắc chắn trong hệ thống GDĐH, trong Bộ GD-ĐT có nhiều người có kinh nghiệm tổ chức, quản lý GD cao gấp nhiều lần tôi. Điều đó đúng.

Song, khi Thủ tướng Chính phủ tín nhiệm tôi, có lẽ ông cần ở tôi không phải là kinh nghiệm tổ chức giảng dạy, đào tạo, mà có thể do tôi có ít nhiều kinh nghiệm trong khả năng tập hợp lực lượng và tổ chức ra đời nhiều dự án. Tôi tin trí tuệ của chúng ta không xoàng, vấn đề là chúng ta phải tập hợp được những người tài.

Theo Sài Gòn Giải Phóng