Hậu quả của “văn hoá học”
Các Website khác - 25/11/2008

 

Có tên là “Tìm hiểu nhận thức và thái độ của học sinh, sinh viên về định hướng tương lai”, nhưng đề tài nghiên cứu do trung tâm Đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục (thuộc viện Nghiên cứu giáo dục của trường đại học Sư phạm TP.HCM) thực hiện cho thấy nhiều điều đáng suy nghĩ về nền giáo dục nước nhà

Học sinh tìm hiểu thông tin về trường đại học tại một ngày hội thông tin tuyển sinh tổ chức vào tháng 4.2008. Nhiều học sinh, sinh viên có mong muốn học tập nhưng lại thiếu định hướng về nghề nghiệp. Ảnh: Lê Hồng Thái

Đề tài được thực hiện với kết quả khảo sát hơn 2.000 học sinh sinh viên (HSSV) của các trường đại học, cao đẳng và trung học phổ thông ở Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP.HCM, vừa được công bố hôm 21.11.

Thiếu lý tưởng sống

Có đến 75,4% HSSV được hỏi cho biết sẽ tiếp tục học lên nữa. Tỷ lệ “muốn học lên cao” ở học sinh THPT là 81,8%, và chỉ có 9% học sinh muốn vào trường nghề sau khi tốt nghiệp THPT. Còn đối với sinh viên, có 69,6% cho biết muốn học tiếp để trở thành thạc sĩ, tiến sĩ. Tuy nhiên, đây không phải là những con số đáng mừng thể hiện ý chí của HSSV. Theo TS Nguyễn Kim Dung, viện phó viện Nghiên cứu giáo dục, những con số trên cho thấy hậu quả của “văn hoá học”, khi mà HSSV được gia đình, xã hội đặt quá nhiều kỳ vọng và áp đặt tương lai cho họ trong khi các kỹ năng, lý tưởng sống thì hoàn toàn thiếu vắng.

Xét về động cơ học tập, kết quả nghiên cứu cho thấy, phần lớn những người được hỏi đều có động cơ học tập đúng đắn. Có 95% HSSV học với mong muốn có được việc làm tốt, 94% học để hiểu biết rộng, và 81,5% học để tự khẳng định mình. Nhưng TS Nguyễn Kim Dung cho rằng, xét về động cơ học tập có tính hướng đến tương lai thì “học để hiểu biết” có thể dễ dàng được chấp nhận, nhưng nếu xét về động cơ học tập có tính hướng nghiệp thì “học để hiểu biết” là một động cơ khá... mơ hồ. Một khi cả HSSV lẫn các đối tượng khác cho rằng hiểu biết là động cơ học tập quan trọng thì hiện tượng quá tải, quá thiên về lý thuyết trong nền giáo dục Việt Nam cũng là điều dễ hiểu.

“Thực trạng này đã hằn sâu trong nếp nghĩ và khó thay đổi trong tư duy xã hội. Trong khi, xu hướng của chương trình giáo dục hiện đại trên thế giới từ lâu coi trọng kỹ năng, năng lực thực tiễn hơn là kiến thức”, bà Kim Dung phát biểu.

Mà vẫn mơ hồ

Cứ trong sáu HSSV tham gia khảo sát thì có một người cho biết “rất mơ hồ về tương lai”, chiếm tỷ lệ 15,8%. Một tỷ lệ đáng lo ngại khác là có 10,8% HSSV tham gia khảo sát đã cho rằng thành công hay thất bại trong tương lai là tuỳ vào… số phận. Qua những con số này có thể thấy một bộ phận không nhỏ HSSV đang thiếu định hướng với tương lai. Đó là lý do vì sao có đến 63,5% HSSV tham gia khảo sát cho biết muốn có chuyên gia hướng nghiệp tư vấn định kỳ; và 60,6% muốn có phòng tư vấn ngay trong trường. Hiện tại, khi chưa có sự giúp đỡ chuyên nghiệp cho việc lựa chọn hướng đi hay chọn nghề từ phía nhà trường, trách nhiệm này chủ yếu đặt lên vai phụ huynh và bản thân học sinh.

Trong khi HSSV đang lúng túng trong việc định hướng nghề nghiệp và tương lai, việc giảng dạy các môn khoa học lại đang đi theo lối mòn là nhồi nhét kiến thức, coi nhẹ những nội dung khác như kỹ năng sống, xử lý tình huống, hoạt động hướng nghiệp. Bà Lê Thị Thu Hà, hiệu phó trường THPT Phan Chu Trinh (TP Đà Nẵng), cho biết trước khi thay đổi chương trình – sách giáo khoa thì hướng nghiệp có 3 tiết/tháng, năm nay chỉ còn 1 tiết/tháng. Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), việc quy định học sinh mỗi năm phải học quân sự một tuần là lãng phí. Lẽ ra chỉ cần quy định học quân sự ở lớp 12, đối với học sinh lớp 10 và 11 thời gian đó nên dành cho các kỹ năng khác quan trọng hơn. Quan điểm của các hiệu trưởng cũng là mong muốn của nhiều HSSV. Trong khảo sát trên, có đến hơn 77% HSSV cho rằng nhà trường cần tổ chức các khoá học về kỹ năng sống; 81,6% yêu cầu được đi tham quan thực tế.

Nhóm tác giả đề tài nghiên cứu cho rằng, những thực tế trên đang đòi hỏi nhà trường phải đa dạng hoá chương trình giảng dạy, mở khả năng cho người học tự chọn lựa chương trình, tài liệu học tập và cả hình thức học tập với mục tiêu đa dạng không chỉ mang lại lợi ích cho chính người học mà còn thúc đẩy sự phát triển của hệ thống giáo dục.

Như Thuần
Theo SGTT.com.vn