"Xin đi làm nghiên cứu sinh tại Đức, chuyên ngành tiếng Đức, sẽ học bằng tiếng Đức, viết luận án bằng tiếng Đức - thế nhưng phải thi chứng chỉ tiếng Anh", bạn đọc Lê Hoài Ân (Giảng viên Tiếng Đức, Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Tây, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội), góp thêm một câu chuyện mà theo bạn, là chưa hợp lý, cho diễn đàn "du học bằng ngân sách Nhà nước".
Tìm hiểu thông tin tại triển lãm du học Đức |
Tháng 5/2005, tôi có tham dự kỳ thi đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. Trường hợp của tôi là xin đi làm nghiên cứu sinh tại Đức.
Kết quả thi của tôi như sau: Điểm chuyên ngành: Đối chiếu ngôn ngữ được 8,5 điểm, Đề cương nghiên cứu được 9,0 điểm. Theo quy định của Bộ thì tôi phải thi tiếng Anh, trình độ TOEFL do Bộ tổ chức. Tại kỳ thi này, tôi chỉ đạt 383 điểm. Như vậy, ngoại ngữ của tôi đã không đạt và như thế, tôi không đủ điều kiện để đi làm nghiên cứu sinh tại Đức.
Quy định này của Bộ tôi thấy không hợp lý.
Xin đi làm nghiên cứu sinh tại Đức, chuyên ngành là tiếng Đức, ở Đức cũng sẽ học bằng tiếng Đức và viết luận án bằng tiếng Đức - thế mà Bộ lại bắt tôi phải tham gia kỳ thi TOEFL như những người đi Anh, đi Mỹ và đi một số quốc gia nói tiếng Anh vậy; trong khi những người đi Pháp, đi Trung Quốc, đi Nga không phải làm như tôi.
Tại sao lại có quy định như vậy? Bộ đề ra kỳ thi kiểm tra ngoại ngữ chỉ với mục đích là xác định xem những người xin học bổng có đủ trình độ ngoại ngữ để hoàn thành được chương trình nghiên cứu tại nước họ xin đến học tập hay không.
Tôi là giáo viên tiếng Đức, chuyên ngành của tôi là tiếng Đức, xin đi làm về Đức ngữ học tại Đức, ngôn ngữ học tập của tôi là tiếng Đức, viết Luận án và bảo vệ luận án bằng tiếng Đức mà lại bắt tôi phải thi TOEFL thì làm sao tôi có cơ hội được?
Những đồng nghiệp của tôi cũng không có hoặc rất ít cơ hội để "kiếm" được một học bổng của "nhà nước" để sang Đức nghiên cứu sinh. Tại sao những người đi Pháp, đi Trung Quốc và đi Nga không phải làm như chúng tôi, và nếu tôi không nhầm, thì tiếng Đức cũng được Bộ công nhận là một trong năm thứ tiếng thông dụng trên thế giới (tiếng Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga, Đức).
Trường ĐH Ngoại ngữ cũng đã có công văn gửi Bộ xem xét lại trường hợp của tôi, nhưng Bộ vẫn giữ nguyên quan điểm, có nghĩa là những người đi Đức làm nghiên cứu bằng tiếng Đức, viết Luận án bằng tiếng Đức vẫn phải thi tiếng Anh TOEFL như đi Anh, đi Mỹ.
Điều đó tôi thấy thật là buồn cười: Trên Bộ toàn là những nhà chuyên môn giỏi, rất nhiều người có học hàm, học vị cao mà lại không mạnh dạn thay đổi một quyết định không hợp lý để tạo cơ hội cho cán bộ khoa học đi học tập ở nước ngoài.
Tôi không hy vọng là tôi được Bộ xét để đi học, nhưng tôi vẫn muốn mạnh dạn nêu lên quan điểm, ý kiến của mình từ chính trường hợp của tôi để hy vọng sẽ có những thay đổi, để những người chuyên ngành tiếng Đức có cơ hội được nhà nước cấp học bổng đi học ở Đức.
Ý kiến của bạn:
▪ 'Không nên cứng nhắc theo thư mời nhập học" (24/09/2005)
▪ Cần Thơ: Đưa 150 cán bộ ra nước ngoài học (24/09/2005)
▪ Phạm vi kiến thức thi trắc nghiệm môn Ngoại ngữ tương đương như thi tự luận (23/09/2005)
▪ Thành lập Trường CĐ Điện lực TP.HCM (23/09/2005)
▪ Rớt, đậu và đường đời (24/09/2005)
▪ Ước mong (24/09/2005)
▪ 80.000 USD hỗ trợ thiết bị công nghệ cao cho trường ĐH (23/09/2005)
▪ Mua bảo hiểm để được ưu tiên tuyển sinh? (24/09/2005)
▪ “Khoán 10” cho các nhà khoa học (24/09/2005)
▪ Tráo bài thi tại Học viện Ngân hàng (23/09/2005)