Hợp tác vì sự đổi mới và phát triển giáo dục
Các Website khác - 31/12/2005

(VietNamNet) - Hỗ trợ biên soạn, thẩm định SGK và giáo trình; Tư vấn xây dựng cơ chế về việc đào tạo, bồi dưỡng nhân tài; Góp ý triển khai Đề án Đổi mới Giáo dục Đại học và vấn đề xây dựng ĐH đẳng cấp quốc tế... là nội dung bản "Thoả thuận hợp tác" giữa Bộ GD-ĐT và Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, giai đoạn 2005-2010.

Soạn: AM 665603 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Viện sỹ Vũ Tuyên Hoàng và GS Nguyễn Minh Hiển ký kết "Thoả thuận hợp tác"
Tham dự Lễ ký kết có Giáo sư, Viện sỹ Vũ Tuyên Hoàng, chủ tịch Hội LH các hội KH-KT, GS, TS Nguyễn Minh Hiển, Bộ trưởng; GS, TSKH Trần Văn Nhung, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT và lãnh đạo các ban và văn phòng của Hội, các Vụ, Viện và văn phòng của Bộ.

Lễ ký kết lần này sẽ xây dựng kế hoạch hợp tác cụ thể hàng năm. Trong năm 2006, sẽ triển khai một số công việc cụ thể về thẩm định SGK, giáo trình và phối hợp triển khai một số nội dung của Đề án Đổi mới Giáo dục Đại học Việt Nam.

Đây là lần ký kết hợp tác thứ 2 giữa hai bên. Ngày 10/5/1999, Hội và Bộ đã ký kết bản "Thoả thuận hợp tác" giai đoạn 1999-2005 nhằm phát huy sức mạnh của 2 bên. Sau 5 năm triển khai, 2 bên đã bước đầu đạt được một số kết quả nhất định.

Liên hiệp hội và các hội thành viên đã tổ chức góp ý cho các dự thảo và luật và các chính sách liên quan đến giáo dục, đào tạo: Chiến lược GD 2001-2010; Luật GD sửa đổi, bổ sung; Đề án Kết hợp đào tạo với nghiên cứu KH giữa các trường ĐH và Viện; Đề án Xây dựng chương trình và SGK bổ sung mới...

Hội cũng đã phối hợp với Bộ tổ chức các cuộc thi khuyến khích phong trào sáng tạo KH-CN như hội thi "Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật", cuộc thi "Tuổi trẻ với tự động hoá", giải thưởng "Sáng tạo KH-CN Việt Nam" (giải VIFOTEC trước đây), giải thưởng "Sinh viên nghiên cứu khoa học", các kỳ thi thường niên như Olympic Toán, Hoá, Lý, Tin toàn quốc và giải thưởng Loa thành cho các đồ án tốt nghiệp xuất sắc của SV khối ngành Xây dựng và Kiến trúc.

VietNamNet đã tranh thủ ghi nhận các ý kiến bên lề Lễ ký kết:

Soạn: AM 665553 gửi đến 996 để nhận ảnh này
GS, Viện sỹ Vũ Tuyên Hoàng.

GS, Viện sỹ Vũ Tuyên Hoàng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật:

Bộ, thay mặt nhà nước quản lý hơn 20 triệu học sinh, sinh viên. Hội tập hợp một đội ngũ gần 2 triệu nhà khoa học. Việc ký kết hợp tác là hoạt động rất cần thiết: Tập hợp và phát huy tiềm năng to lớn của các nhà khoa học, cán bộ khoa học kỹ thuật để giúp đỡ tư vấn, hỗ trợ cho các mục tiêu của sự nghiệp giáo dục, đào tạo.

Trong 5 năm giai đoạn đầu triển khai hợp tác, hai bên đã cùng soạn được một số giáo trình cho bậc tiểu học và trung học, nhưng chưa làm được nhiều. Hội và Bộ cũng đã cùng nhau có nhiều ý kiến trong việc Sửa đổi Luật Giáo dục, và một số hoạt động giúp đỡ trẻ em nghèo và tăng cường những vấn đề về việc đào tạo HSG, như các lớp cử nhân tài năng, kỹ sư tài năng.

Nói chung, sự hợp tác trong giai đoạn vừa qua chưa thật hoàn thiện, mặc dù có rất nhiều cố gắng. Một điều phấn khởi là hai bên có tinh thần đoàn kết rất tốt. Chúng tôi hi vọng giai đoạn tới sẽ làm được nhiều việc hơn.

Soạn: AM 665555 gửi đến 996 để nhận ảnh này
GS, TSKH Trần Văn Nhung.

GS, TSKH Trần Văn Nhung, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT:

Liên hiệp Hội là nơi hội tụ, là tổ chức của tập thể tất cả các nhà khoa học trong nước. Đây là một đội ngũ chất xám vô cùng quan trọng, hùng hậu về lực lượng và mạnh mẽ về chất lượng và chuyên môn. Được những nhà khoa học trong rất nhiều lĩnh vực như vậy tư vấn cho giáo dục, nhất là giáo dục đại học thì sẽ rất hữu ích.

Ký kết của 5 năm, sẽ mở rộng phạm vi hợp tác của 2 bên, không chỉ ở cấp trung ương mà mong hợp tác sẽ lan toả xuống các địa phương.

Sau khi văn bản được ký kết, Bộ sẽ có công văn gửi các Sở GD-ĐT và các trường ĐH... đề nghị phối hợp với các tổ chức của Liên hiệp Hội. Trong 5 năm tới, hợp tác sẽ đi vào chiều sâu hơn. Mong muốn Liên hiệp Hội giúp đỡ, phản biện, tư vấn cho ngành GD-DT Việt Nam, làm sao để hệ thống chương trình và SGK từ phổ thông đến ĐH vừa cơ bản, hiện đại mà phải có tính Việt Nam.

Thứ hai, đề án Đổi mới Giáo dục ĐH Việt Nam được mở rộng về quy mô, nhưng tăng cường về chất lượng, để ĐH của chúng ta có bằng cấp giá trị tương đương với các nước trong khu vực và trên thế giới, có tính liên thông. Chúng tôi cũng sẽ hợp tác với Hội để nghiên cứu về vấn đề đào tạo và sử dụng tài năng. Đây là những vấn đề cấp bách và rất cần làm trong giáo dục hiện tại.

  • Trung Kiên