Jordan Kelly, nhà nghiên cứu giáo dục người Mỹ đã có bài viết so sánh về trường một giới tính và trường chung cho cả nam, nữ bậc phổ thông ở các nước phương Tây.
![]() |
Số lượng HS trong một lớp tại các trường đơn giới tính không thay đổi là mấy |
Trước đây tại phương Tây, các bậc phụ huynh ít nghĩ đến môi trường của nơi mà con cái họ đang được dạy dỗ. Ngày nay thì ngược lại.
Họ cho rằng, một ngôi trường phù hợp sẽ có ảnh hưởng tích cực đến kết quả học tập, cuộc sống cộng đồng cũng như cách thức xử sự về mặt tình cảm của chúng trong tương lai. So với trước kia, trẻ em cũng được quan tâm và tham gia nhiều hơn vào quyết định nơi nào sẽ là ngôi trường mà chúng sẽ nhập học.
Nhiều người cho rằng, trong hầu hết các trường hợp, những đứa trẻ của các gia đình giàu có sẽ đến học ở những trường tư một giới tính, còn những đứa trẻ khác thì hoặc là học ở các trường công hoặc là ở những trường dòng.
Hiện nay, khi có nhiều nơi chọn lựa thì các trường một giới tính thường được lựa chọn nhiều hơn. Theo nhiều nghiên cứu, tính năng động trong cộng đồng đã có sự khác nhau giữa những lớp gồm toàn HS cùng giới và những lớp gồm cả hai giới. Hãy nhớ rằng luôn tồn tại những mặt tích cực và tiêu cực đối với mỗi giới tại từng loại trường học. Để đánh giá đâu là ngôi trường phù hợp nhất cho trẻ, những mặt tích cực và tiêu cực của môi trường một giới tính và đa giới tính cần phải được xem xét đánh giá kỹ lưỡng.
Chọn trường một giới tính, vì sao?
![]() |
Học sinh trường nữ sinh trong buổi lễ nhận bằng tốt nghiệp |
Trong một số trường hợp, các bậc phụ huynh quyết định gửi con cái họ vào những trường một giới tính. Lý do đầu tiên là vì ở loại trường này, số lượng HS trong một lớp khá thấp. Các số liệu trong một khoảng thời gian dài cho thấy số lượng HS trong một lớp tại các trường đơn giới tính không thay đổi là mấy.
Cụ thể là vào năm 1931, số lượng HS trong một lớp là 12 người thì năm 1958 con số này là 15 và năm 1991 là 13. Sĩ số thấp tạo thuận lợi cho cả thầy và trò trong việc tìm hiểu lẫn nhau. Thầy cô giáo có thể dễ dàng quan tâm đến từng HS thay vì những nhóm HS như tại các lớp có đông học sinh. Thậm chí, giáo viên còn có thể lập ra giao trình riêng cho mỗi HS. Nhiều ông bố bà mẹ quyết định chọn môi trường học tập của trường một giới tính vì họ nghĩ rằng loại hình trường này sẽ đáp ứng được nhu cầu về giáo dục chất lượng cao.
Một nghiên cứu cấp quốc tế đã cho thấy những cậu bé, cô bé sẽ đạt kết quả học tập tốt nhất khi chúng được dạy tách biệt ở lứa tuổi thiếu niên. Những ghi nhận trên toàn thế giới cũng chứng minh một điều rằng những nữ sinh tại các trường đơn giới tính có khả năng tiến bộ nhanh hơn đối với các bài kiểm tra đọc hiểu và kiểm tra đầu vào về các môn khoa học. Một nữ sinh cấp 3 tại một trường một giới tính có khả năng vượt trội hơn hẳn trong các lĩnh vực như đọc, viết và nghiên cứu so với một nữ sinh tại một trường chung cho cả hai giới. Đây là những lĩnh vực mà những bé gái thường phải nỗ lực nhiều nhất khi còn nhỏ.
Trong loại bài thi PSAT (một dạng thi gồm có thi đọc hiểu, viết và Toán) điểm của nam giới trung bình thường cao hơn 130 điểm so với điểm của nữ giới. Nhiều nhà khoa học trên thế giới cho rằng một phần nguyên nhân có thể là vì não bộ của nam và nữ khác nhau về số lượng nơron thần kinh và cách thức tổ chức của các nơron thần kinh đó v....v....
Và vì thế, các tỉ lệ phát triển của não bộ của các bé trai và bé gái khác nhau. Do đó, giáo trình giảng dạy của loại hình trường một giới tính được thiết kế phù hợp với tốc độ phát triển của não bộ nói riêng và thể chất nói chung cho từng giới. HS học tại các trường thuộc loại trường một giới tính thường có kết quả học cao hơn so với các HS cùng giới học tại các trường chung.
Ngay cả khi những HS này đã tốt nghiệp và tiếp tục theo học tại những trường CĐ và ĐH mà ở đó có cả hai giới và rồi đi làm, giá trị của chương trình giáo dục tốt và phù hợp ở các trường một giới tính vẫn tiếp tục hỗ trợ các em trong cuộc sống.
Một nghiên cứu năm 2000 với 4274 cựu HS ở các trường nữ nhằm tìm hiểu xem “có phải môi trường học tập của trường một giới tính đã giúp họ rất nhiều trong cuộc sống và sự nghiệp?”. Tất cả những người được hỏi đều cho biết họ đã được trường trang bị một vốn kiến thức chắc chắn cũng như những kinh nghiệm thực tế cần thiết. Trường đã giúp họ luôn có được sự tự tin cùng với những kỹ năng lãnh đạo tốt - những thứ mà họ sẽ cần sau này trong công việc của mình.
Ưu thế vượt trội của trường chung giới
![]() |
Trường chung giới giúp các em trở nên tự tin hơn và cởi mở hơn trong những mối quan hệ sau này. |
Tuy nhiên, loại hình trường một giới tính cũng có nhược điểm. Đó là những trường được nhà nước đầu tư thường có cơ sở vật chất tốt hơn và có nhiều chương trình hoạt động ngoại khoá hơn các trường phụ thuộc phần lớn vào học phí, các khoản ủng hộ đóng góp như ở các trường một giới tính nơi màHS phải đóng rất nhiều tiền cho các khoá học.
Hơn thế nữa, đối với những gia đình có con đang theo học tại những trường được chính phủ trợ cấp thì cho rằng sẽ rẻ hơn nếu cho con trai và con gái của họ học cùng một trường thay vì học ở hai trường khác nhau.
Loại hình trường chung cho cả hai giới cũng có những lợi thế riêng của nó.
Điều đầu tiên phải nói đến là nhiều đứa trẻ thích học ở những lớp có đông bạn học. Những lớp này cho chúng một môi trường cạnh tranh quyết liệt hơn. Qua đó, tạo cho chúng sự phấn khích để học tập chăm chỉ hơn. Mặc dù lời nhận định này trái ngược với lợi thế của loại hình trường một giới tính đã nêu ở trên, nhưng về thực chất đây là một lời minh chứng rõ ràng rằng trường chung hay trường một giới tính, lớp đông HS là tốt hay là lớp ít HS là tốt, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào từng quan điểm của từng HS và các bậc phụ huynh.
Thứ hai là phần lớn những đứa trẻ vẫn theo lối truyền thống là nhập học tại những trường chung cho cả nam và nữ. Bởi vì, nhiều người tin rằng việc các bé trai và bé gái học chung cùng nhau mang tính tự nhiên nhiều hơn. Khi lũ trẻ học cùng nhau chúng sẽ được chuẩn bị cho cuộc sống sau này khi mà chúng phải làm việc với người khác giới. Đồng thời, các em sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi đứng cạnh một người khác giới.
Môi trường giáo dục chung tạo cho trẻ khả năng hoà nhập với những người không cùng giới tính một cách tự do thoải mái. Sự hoà nhập này và việc học chung cùng một lớp hàng ngày dần dần hình thành những tình bạn, điều giúp các em trở nên tự tin hơn và cởi mở hơn trong những mối quan hệ sau này.
Định kiến
![]() |
HS tại trường nữ sinh đang tham gia thí nghiệm |
Một số người tin rằng một đứa trẻ học ở trường một giới tính sẽ tránh xa khỏi những định kiến về giới tính, thứ rất dễ thấy ở môi trường học tập đa giới. Đây được coi là mặt tiêu cực của môi trường giáo dục đa giới.
Một số định kiến này được áp đặt lên những học sinh bởi xã hội hoặc bởi những yếu tố khác như bạn học hoặc chính bản thân chúng.
William Pollack đưa ra một lời nhận xét trong một cuốn sách của ông rằng: “trong các trường nữ, có thể dễ dàng thấy một số cô bé là những nhà thơ, một số là các vận động viên thể thao, số khác lại là những sử gia, nhà điêu khắc và nhà toán học. Những định kiến về vài trò phù hợp của mỗi giới đơn giản là không thể tồn tại được ở đây...”. Bằng cách xoá bỏ đi những định kiến xã hội này, các HS có thể tự do học những môn mình yêu thích mà không phải lo nghĩ gì về việc người đời đánh giá thế nào về họ.
Tóm lại, mỗi môi trường học tập đều có những thế mạnh cũng như điểm yếu riêng. Đâu là môi trường tôt nhất, phù hợp nhất cho một HS điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào chính học sinh đó. Điều quan trọng là hãy luôn nhớ rằng cả hai môi trường học tập trên, chưa có một môi trường nào được chứng minh là tốt nhất cho mọi đứa trẻ. Đây là lý do tại sao chủ đề về trường chung cho cả hai giới và trường riêng cho một giới sẽ vẫn còn tiếp tục là một chủ đề gây tranh cãi.
Hoắc Nguyên Giáp (theo Students)
▪ Đưa người qua mênh mông (30/12/2005)
▪ Thời khoá biểu "dạy sô" (30/12/2005)
▪ Chương trình giáo dục phổ thông sẽ có “chuẩn” (30/12/2005)
▪ Học tiếng Anh với "Tăng tốc" (29/12/2005)
▪ Tổng thống Bush chúc mừng hội nghị của NCS Việt Nam (29/12/2005)
▪ Trên 4.100 học sinh nhận học bổng Nguyễn Thái Bình (28/12/2005)
▪ Cầu truyền hình trực tiếp California-Hà Nội- TPHCM về giáo dục ĐH (29/12/2005)
▪ Hàng ngàn giáo viên chưa được nhận lương mới (29/12/2005)
▪ Giao lưu và tập huấn công tác khoa giáo khu vực phía nam (27/12/2005)
▪ Malaysia mạnh tay xử lý HS vô kỷ luật (27/12/2005)