Larry Summers: Nạn nhân của những mâu thuẫn Harvard?
Các Website khác - 30/03/2006

Sự kiện Chủ tịch Harvard Larry Summers buộc phải từ chức là dịp để báo chỉ và giới trí thức “mổ xẻ” một loạt bất cập bên trong của ngôi trường vốn được coi là xuất sắc, mẫu mực nhất thế giới - ĐH Harvard. Không ít các vấn đề trong số này cũng là vấn đề chung của các trường ĐH đẳng cấp cao và lâu đời khác ở Mỹ.

Phần 1: Cuộc chiến không cân sức giữa khối Tự nhiên và Xã hội 

Summers: "Chúng tôi đang rất quan tâm và chú trọng đến việc phát triển nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các ứng dụng của nghiên cứu khoa học trong đó có khoa học đời sống"

Nhận xét về việc từ chức của ông Summers, trưởng khoa Xã hội học của trường ĐH Harvard, ông Robert J. Sampson, nói: “Đây không chỉ là vấn đề liên quan đến Larry.  Đây là vấn đề liên quan đến những bất cập căn bản trong công tác quản lý của ĐH Harvard.  Có rất nhiều yếu tố khác cần phải đem ra bàn cãi.” 

Bất cập đầu tiên, cũng là lý do trực tiếp đẩy Summers vào thế đường cùng, là mối bất hoà giữa các khối Khoa học tự nhiên (KHTN) và Khoa học xã hội (KHXH&NV) cùng thuộc ĐH Harvard.  

Chưa bao giờ sự thiếu bình đẳng giữa các bộ môn và các trường thuộc hai nhóm này lại lớn như hiện tại.  Lý do chính là vì tầm quan trọng của khoa học công nghệ trong thời đại mới đã khiến các trường chuyên về những môn này có được những đặc ân về nguồn tài trợ và sự quan tâm mà khối KHXH&NV không thể nào có được.   

Ở Harvard cũng như các trường ĐH danh tiếng khác của Mỹ với bề dày lịch sử nhất định, các môn KHXH&NV như lịch sử, triết học, nghệ thuật, văn học… vốn được coi là trọng tâm. 

Tuy thế, trong 10 năm qua,  các giáo sư KHXH&NV luôn ở trong trạng thái bất mãn vì các đồng nghiệp của họ ở các ngành KHTN được hưởng lương cao hơn, có nhiều quyền tuyển thêm nhân sự và thu hút các SV xuất sắc hơn. Nhờ thế, các SV tốt nghiệp cũng có nghề nghiệp tốt hơn. Trong mỗi trường thành viên, đã hình thành 2 tầng lớp với độ chênh lệch về nguồn lực và thế lực mà phe KHXH&NV ngày càng cảm thấy ở vị thế thấp kém và thiếu sự quan tâm từ phía nhà trường so với phe KHTN.   

Cung cách quản lý với sự phân quyền ở mức cao ở các trường như Harvard càng làm tăng thêm bất mãn cho khối KHXH&NV. Trong khi các trường "con" trước kia có thể trông chờ vào sự “bao cấp” của trường mẹ thì ngày nay, ở cả các trường giàu có nhất, các khoa ngành vẫn phải tự tìm hỗ trợ tài chính cho mình.

Như vậy rõ ràng khối KHTN được hưởng nhiều nguồn tài trợ của các cơ quan chính phủ liên bang, các quỹ, SV đã tốt nghiệp, và các nhà hảo tâm khác. Điều này dẫn tới một hệ thống quản lý phân quyền và thiếu thống nhất ở các trường như ĐH Harvard, trong đó các khoa có nguồn tài chính riêng hoạt động như một thực thể riêng biệt.

Vì vậy, mặc dù một trường như Harvard không thể phàn nàn là mình nghèo, thì thực tế, một số khoa như khoa Giáo dục và Thần học chỉ có ngân sách bằng một phần rất nhỏ của các khoa khác cùng thuộc hệ thống Harvard. Về phía nhà trường, số tiền đầu tư vào các nghiên cứu khoa học lên tới 626 triệu USD mỗi năm, bằng gần ¼ ngân sách.

Trước tình hình đó, việc Larry Summers có một chút thiên vị với khối KHTN đã gây ra hậu quả trầm trọng. Vị hiệu trưởng thông minh nhưng lại bị tiếng là thiếu khéo léo chính trị này đã có tham vọng lớn khi nhậm chức là chú trọng đầu tư vào các khoa, ngành KHTN, coi đây là mũi nhọn trong chiến lược phát triển của ĐH Harvard.

Tuy nhiên, chiến lược này đã không làm hài lòng một số khoa, đặc biệt là khoa Nghệ thuật và Khoa học. Không thể nói một câu nói của Summers về khả năng tự nhiên của phụ nữ trong lĩnh vực KHTN là nguyên do chính mà ông bị công kích dẫn đến từ chức.  Đây chỉ là “giọt nước làm tràn li” để khối KHXH&NV, mà cụ thể là khoa Nghệ thuật và Khoa học của Harvard, có cớ thể hiện rõ sự bất mãn trước vị chủ tịch đang bỏ rơi họ trong cuộc đua không cân sức với khối KHTN bằng cách bỏ phiếu bất tín nhiệm ông.   

Sai lầm chính của Larry Summers là ông đã không nắm bắt tốt những động thái của mâu thuẫn sâu sắc giữa 2 khối để có được cách đối xử và giải quyết khéo léo.  

Theo Warren Bennis, GS quản trị kinh doanh của trường ĐH Nam California và chủ tịch  Trung tâm nghiên cứu Quản lý công của khoa Nghệ thuật và Khoa học, “Một bên là khối KHTN với đầy ưu thế, có dồi dào các loại hỗ trợ tài chính và một lực lượng SV lớn, một bên là khối KHXH&NV thiếu tất cả các nguồn lực này.  Mặc dù có sự phân hoá rõ rệt thật, nhưng những mâu thuẫn gay gắt ở toàn trường Harvard có lẽ đã không xảy ra nếu người hiệu trưởng có thể khéo léo gây dựng sự đồng thuận giữa các bên cũng như thiết lập một hệ thống quản lý minh bạch và dân chủ hơn”. 

  • Khánh Ngọc (Tổng hợp) 

Xem phần 2: Harvard: Thiếu dân chủ trong tuyển dụng và ra quyết định