Mổ xẻ chuyện "HSG giỏi phổ thông cũng lưu ban ĐH"
Các Website khác - 05/12/2005

(VietNamNet) - "Các trường ĐH hiện nay đánh giá SV chủ yếu dựa vào kỳ thi kết thúc môn học với xu hướng chỉ kiểm tra năng lực nhận thức bậc thấp (biết, hiểu) thông qua trí nhớ, chưa khơi gợi được khả năng chủ động, sáng tạo của SV, chưa đánh giá đầy đủ các năng lực và phẩm chất của các em cũng như không phân loại cụ thể mục tiêu của từng môn học, mục tiêu đào tạo của các chương trình học".

Soạn: AM 639531 gửi đến 996 để nhận ảnh này
TS Mai Ngọc Luông

TS Mai Ngọc Luông - Giám đốc TT giáo dục phổ thông (Viện nghiên cứu giáo dục) đã từng nghiên cứu đề tài về học sinh giỏi và tuyển thẳng vào các trường ĐH mở đầu cuộc trao đổi nhân sự kiện "HSG giỏi phổ thông cũng lưu ban ĐH". TS Luông cho hay:

Do cách đánh giá như trên, kết quả học tập của SV được đánh giá chủ quan, không chính xác. Và như thế, không đánh giá đúng mức độ nhận thức, kỹ năng, năng lực tư duy mà môn học đặt ra đối với các em.

Cho đến nay, việc kiểm tra, đánh giá chỉ đơn thuần là để đánh giá thông qua trí nhớ, thiếu hẳn việc đánh giá quá trình học tập trên lớp, quá trình tham gia các buổi thảo luận, đánh giá sự hiểu biết của SV thông qua việc đọc sách, tư liệu tham khảo, đánh giá sự tìm tòi và sáng tạo với nhiều phương pháp như viết, vấn đáp, trắc nghiệm khách quan, bài tập thực hành, tiểu luận, tọa đàm, thuyết trình…

- Ông nhìn nhận gì trước kết quả khảo sát ở các trường ĐH, CĐ cho thấy, kết quả học của HS giỏi phổ thông sa sút so với kết quả học phổ thông, có cả HS kém, bỏ học, lưu ban?

Đã có thành tích HS giỏi ở bậc phổ thông thì vào ĐH phải tiếp tục được kết quả tốt ở bậc ĐH. Nếu không đạt, phải đặt ra 2 vấn đề: chương trình ĐH có liên thông với phổ thông không? Nếu không, thì kết quả ở bậc THPT bị đánh giá sai hay chương trình ở ĐH làm mất đi cơ hội, khả năng, năng lực học của HS phổ thông?

- Liệu, HS giỏi lên ĐH không giỏi tiếp có phải do sức học của HS hay là do những điều kiện khác tác động vào?

Có nhiều nguyên nhân chưa phân tích được đâu là chính, nhưng rõ ràng có độ chênh nội dung chương trình phổ thông và ĐH. Khi thi tuyển 3 môn hoặc tuyển thẳng dựa vào một số môn nào đó không đáp ứng được yêu cầu. Chính vì vậy các chương trình ở ĐH đòi hỏi năng lực khác so với phổ thông.

Ở phổ thông có hiện tượng học thuộc bài, học nhồi nhét. Đến khi đề ra có tính trí tuệ, tổng hợp phân tích thì nhiều em không trả lời được. Như thế, việc dạy ở phổ thông là cái dạy đáp ứng lối mòn, đáp ứng kỳ thi cuối cấp.

Trong khi đó, phương pháp học tập ở trường ĐH lại khác. Ở trường phổ thông, HS được giáo viên kèm cặp, theo dõi, nhắc nhở thường xuyên thì ở ĐH, SV phải tự học là chính, phải tự giác đi nghe giảng bài, tự giác đi thư viện; tự giác ôn bài… SV mới rời nhà trường phổ thông không thích ứng với những thay đổi đó, việc học sẽ yếu dần.

Khối lượng bài vở ở trường ĐH cũng nhiều, đòi hỏi SV phải có năng lực tiếp thu và xử lý thông tin kịp thời, phát huy tính nhạy và lối tư duy thông minh. SV nào không đáp ứng được sẽ không theo kịp.

Cách đánh giá học tập cũng thay đổi: ở trường phổ thông, sau một hoặc một số bài là có bài kiểm tra, nghĩa là sử dụng chủ yếu trí nhớ ngắn hạn. Còn ở ĐH thường kiểm tra sau khi SV đã thu nạp một số lượng kiến thức , vì thế đòi hỏi SV không chỉ sử dụng trí nhớ dài hạn mà còn phải sử dụng khả năng tổng hợp và phân tích vấn đề.

Điều kiện sống và sinh họat có thay đổi đáng kể, nhất là đối với những SV ngoại tỉnh. Nhịp độ sống nhộn nhịp ngoài xã hội cũng ảnh hưởng đến SV. Một số SV không có thái độ nghiêm túc sẽ dễ sa đà trở nên lười học, bỏ học dẫn đến bị hổng về kiến thức.

Cả phổ thông và ĐH có vấn đề, vậy theo ông giải pháp nào để giải quyết?

Những kỳ thi hiện nay theo tôi không đo lường được kết quả học tập, chỉ đánh giá đúng được khoảng 60% năng lực thực sự. Như vậy, số được tuyển "nhầm" vào ĐH lên 40%, gạt một số em thực sự có khả năng suy nghĩ, thay vào đó là những em học sáo mòn.

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới có thi tuyển sinh ĐH đều tổ chức thi chung cho cả nước và đề thi chủ yếu theo kiểu trắc nghiệm khách quan. Chỉ ở nước ta tổ chức thi tuyển sinh trên số lượng lớn mà lại dùng phương pháp kiểm tra, đánh giá rất lạc hậu.

Để đạt được mục tiêu đào tạo ĐH đối với người học, các khả năng chuyên môn, năng khiếu, hứng thú nghề nghiệp, tinh thần sáng tạo, khả năng tự học, khả năng sáng tạo, sử dụng và vận dụng kiến thức, người HS, trước khi thi vào một môi trường ĐH, cần tự nhận được khả năng, hứng thú của mình. Trường ĐH mong đợi các thí sinh trúng tuyển có một số khả năng, tiềm năng thích hợp với ngành nghề mà trường đào tạo.

Như thế, trong công tác tuyển sinh ĐH, không phải chỉ là sự lựa chọn của Hội đồng tuyển sinh mà còn là sự lựa chọn của người học và trường học. Cho đến nay, công tác tuyển sinh chưa đạt được mục đích chính là nâng cao chất lượng đầu vào của các trường ĐH. Để có chất lượng đầu vào này, cần có sự lựa chọn đúng ở cả 2 phía: HS lựa chọn đúng ngành nghề và trường ĐH lựa chọn đúng đối tượng.

-Theo ông, có nên tiếp tục để điểm thưởng cho HS giỏi phổ thông?

Đã là HS giỏi thì không cần dựa vào cái gì, chỉ dựa vào sức mình. Vì vậy, không nên có ưu ái cho bất cứ ai. Muốn ưu ái, công bằng cho giáo dục, muốn có HS giỏi đã phải đầu tư ở trung học vào học trường chuyên, thầy giáo tốt, cơ sở tốt…

Nếu không bỏ, chúng ta tiếp tục đào tạo ra những người không có thực tài nhưng vẫn chiếm lĩnh ở nhiều cơ quan nhà nước, số lượng nhiều nhưng chất lượng lại… thấp.

-Xin cảm ơn ông!

  • Cam Lu (Thực hiện)

Ý kiến của bạn: