![]() |
Học sinh căng thẳng vì phải học ngày học đêm. Ảnh: A.T |
Tại nhiều trường tiểu học, dù đã có chỉ đạo không được giao bài tập về nhà cho học sinh nhưng giáo viên vẫn ngấm ngầm làm việc này. Các bậc phụ huynh thì lúc nào cũng lo trẻ quên kiến thức, không theo kịp bạn bè mà tự giao bài và tạo áp lực cho con.
Hiện nay, ở các thành phố, một số bậc cha mẹ học sinh tiểu học đã tiến hành một cuộc “chạy đua không tuyên bố" là bắt con theo đủ các lớp học: thuê gia sư về nhà bồi dưỡng, theo học các lớp học nâng cao. Đối với những em học bán trú thì buổi tối bố mẹ giao thêm bài tập, hoặc cho con đi học thêm đến 9h tối.
Ép con học giỏi
Vừa ăn xong bữa cơm tối, bé Diệp đã vội vàng lên bàn học lôi tất cả sách vở trong ngày ra cho mẹ kiểm tra. Tối nào Diệp cũng phải làm xong 3 bài toán và một bài tập viết, theo đúng yêu cầu của mẹ mới được nghỉ. Nhìn đứa cháu 7 tuổi miệt mài ngồi bên bàn học, bà nội Diệp không khỏi bức xúc: "Nó đi học bán trú cả ngày rồi, về nhà chỉ được chơi một lát rồi ăn cơm, xong là ngồi vào bàn học suốt cả tối, tội nghiệp con bé". Tuy nhiên, chị Nga mẹ Diệp lại cho rằng con học bán trú nên cô không giao bài về nhà, như vậy là không đủ, bé sẽ không được luyện tập thường xuyên. Hơn nữa phải trực tiếp thấy con luyện chữ, làm bài tập tốt, chị Nga mới yên tâm về sức học của con.
Không chỉ giao bài tập cho con làm thêm mỗi tối mà hằng tuần chị Hoa (khu tập thể Phòng Không) dành 3 buổi tối cho cậu con trai lớp một đi học thêm ở nhà cô. Hai giờ học ở nhà cô, Tuấn đượcluyện viết chữ sao cho thật đẹp và làm mấy bài tập toán, Vậy là ngoài trừ chủ nhật, còn thì thời gian biểu của Tuấn chỉ toàn học và học. Phần giải trí của em cho mỗi ngày chỉ là 30 phút xem hoạt hình sau bữa ăn.
Chị Hoa cho biết, lúc đầu chị cũng chỉ tự giao bài về nhà cho con trai. Nhưng sau thấy mấy phụ huynh khác đăng ký cho con học thêm ở nhà cô, sợ con mình kém bạn, không theo kịp những học sinh được bồi dưỡng kỹ càng nên chị cũng xin cho con đi học.
Bố mẹ thay cô giao bài tập cho con là chuyện khá phổ biến ở những lớp tiểu học. Phần lớn phụ huynh cho rằng đây là bậc học cơ bản, luỵên chữ, luyện kỹ năng cho con nên cần phải luyện tập. Đặt mọi kỳ vọng vào con nên phụ huynh nào cũng trông chờ đứa con mình xuất sắc, thành đạt mà vô tình gây áp lực cho chính đứa con bé bỏng của mình. Nhiều bậc phụ huynh còn quát mắng, dè bỉu khi con em mình bị điểm xấu, so bì với bạn bè. Kết quả là các em nhỏ phải tăng cường độ học tập, miệt mài ngày đêm, không có thời gian vui chơi, giải trí.
Giáo viên cũng góp phần tăng tải
Mặc dù Bộ GD&ĐT đã có văn bản quy định các trường tiểu học bán trú không được giao bài tập về nhà, song nhiều trường vẫn không thực hiện. Thày cô giáo thì muốn học trò mình tiến bộ thật nhanh, có điểm số cao hơn các lớp khác nên giao bài tập cho học trò làm nhiều lần. Một số giáo viên thì viện lý do là giờ học trên lớp không đủ. Tuy nhiên theo ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Hà Nội, giáo viên đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảm tải. Cùng một bài học, cùng một nội dung nếu giáo viên biết cách tổ chức họat động, dẫn dắt học sinh sẽ hứng thú học, tiếp thu bài dễ dàng hơn. Nếu giáo viên không đổi mới phương pháp giảng dạy sẽ làm cho tiết học nặng nề. Thí dụ, có bài toán giáo viên chỉ cần nói 2 câu HS đã hiểu, nhưng nếu họ nói dài dòng 5-7 câu sẽ khiến HS chẳng hiểu gì. Thế nên trình độ hạn chế ở đây không chỉ là nói đến phạm vi kiến thức mà còn nói về khả năng sư phạm. Và thực tế đã chứng minh chính giáo viên cũng góp phần quan trọng vào việc tăng tải hay giảm tải.
Giáo viên có quyền chủ động giảng dạy. Trong tiết học kéo dài 35 phút, họ có thể thiết kế giảng dạy lượng kiến thức phù hợp với thời gian này. Nếu bài quá dài, quá phức tạp, có quyền chuyển một phần sang tiết hướng dẫn học - là tiết học để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng trong tiết học chính.
Trịnh Vũ
▪ Sinh viên xin được thi trượt (21/12/2005)
▪ Không có lý do gì để chần chừ (21/12/2005)
▪ Bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ, lợi cho ai? (21/12/2005)
▪ Thư viết cho em mùa thi (21/12/2005)
▪ TP.HCM: học sinh tiểu học thi kể chuyện đạo đức (21/12/2005)
▪ Phân ban: Thầy trò đang ngồi trên lửa! (19/12/2005)
▪ Nhiều trường tiểu học vẫn dạy buổi thứ hai như cũ (20/12/2005)
▪ Kinh nghiệm "kiếm" học bổng toàn phần cả phổ thông lẫn ĐH (20/12/2005)
▪ Phấn đấu mỗi học viên có một nghề (18/12/2005)
▪ "Kéo" trường ĐH đẳng cấp quốc tế: Quả đắng của Singapore (18/12/2005)