Quản lý nhà trọ sinh viên: Ngoài tầm với!
Các Website khác - 01/11/2008

 

Một góc phòng ký túc xá ĐH Sư phạm Hà Nội - Ảnh: Bắc Việt
Sau khi bộ trưởng Bộ GD-ĐT công bố tại cuộc họp báo định kỳ tháng mười sẽ triển khai xây dựng dự thảo quy chế quản lý nhà trọ sinh viên (SV),  Cục Cơ sở vật chất và thiết bị trường học - đồ chơi trẻ em, Vụ Công tác HS-SV thuộc Bộ GD-ĐT đã được giao nghiên cứu để xây dựng dự thảo này.

Nhưng lãnh đạo cả hai đơn vị này đều cho rằng quản lý nhà trọ SV là việc nằm ngoài tầm với của ngành GD-ĐT. Ông Trần Duy Tạo, cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và thiết bị trường học - đồ chơi trẻ em, Bộ GD-ĐT, cho biết căng thẳng nhất về chỗ ở KTX SV là ở TP.HCM và Hà Nội, nơi tập trung nhiều trường ĐH, CĐ. Tại Hà Nội, có những trường ĐH  chỉ có trên dưới 10% số SV chính quy được ở KTX. Ngoài hai khu KTX của ĐHQG Hà Nội đủ chỗ cho trên 40% SV ở, các khu KTX khác chỉ đáp ứng 15-20% nhu cầu của SV.

Đại học: rộng ít nhất 20ha

Đề án quy hoạch đất cho trường học đang được Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Xây dựng triển khai. Theo đó, tiêu chuẩn một trường ĐH phải có diện tích tối thiểu là 20 ha, trong đó có một phần diện tích cho nhà ở SV. Nếu vấn đề này không thực hiện được thì cho dù có tiền cũng không thể tăng diện tích nhà ở cho SV trong bối cảnh nhiều trường ĐH, CĐ vẫn tập trung ở các trung tâm thành phố.

Đề cập đến vấn đề quản lý SV ngoài KTX, ông Dương Văn Bá, phó vụ trưởng Vụ Công tác HS-SV - Bộ GD-ĐT, nhận xét: 80% SV ở nhà trọ, phần lớn nhà trọ không tập trung, phức tạp, thường xuyên thay đổi. Cũng theo ông Bá, hiện có một số trường nỗ lực trong việc vươn tay ra ngoài quản lý SV ở nhà trọ như ĐH Lao động xã hội, ĐH Thái Nguyên, ĐH Vinh.

Các trường này đã thành lập các nhóm SV tự quản, phối hợp với công an và chính quyền địa phương để có thông tin thường xuyên về SV. Tuy  nhiên, việc quản lý và giáo dục tư tưởng đạo đức, lối sống SV vẫn bị hạn chế. Nhiều trường khác gần như không biết thông tin gì về SV sau giờ học.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lam, giám đốc Trung tâm nội trú SV - ĐHQG Hà Nội, cũng băn khoăn: “Nếu 100% SV được ở KTX sẽ thuận lợi trong việc giáo dục tư tưởng đạo đức, lối sống thông qua kỷ cương nề nếp và  các hoạt động chung lành mạnh. Nhưng trên thực tế việc này khó thực hiện với SV ở bên ngoài nhà trường. Chúng tôi chỉ có thể chịu trách nhiệm với SV ở nội trú”.

Nhiệm vụ bất khả thi?

Việc nghiên cứu để xây dựng một quy chế quản lý nhà trọ SV được lãnh đạo Bộ GD-ĐT yêu cầu các vụ chức năng báo cáo vào tháng mười một. Tuy nhiên, ông Dương Văn Bá cho biết: nếu chỉ quản lý về con người (SV) thì đã có quy chế quản lý SV ngoại trú ban hành từ năm 2002, chỉ cần điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với thực tế hiện nay. Tuy nhiên, chúng tôi hiểu yêu cầu của lãnh đạo bộ là “quản lý nhà trọ SV”. Đây là việc khó, vì nhà trọ là của dân, của các tổ chức xã hội bên ngoài nhà trường, do chính quyền và cơ quan công an kiểm soát quản lý.

Ông Trần Duy Tạo cũng cho rằng “với chức năng của mình, chúng tôi có thể dự thảo những tiêu chí về nhà trọ SV, như diện tích ở, tiêu chuẩn về nhà vệ sinh, điện, nước, môi trường, an ninh trật tự... Nhưng nhà trọ không thuộc quản lý của ngành giáo dục”. Trước vướng mắc này, hai đơn vị được giao “nhiệm vụ khó khả thi” trên đã tư vấn cho lãnh đạo Bộ GD-ĐT để ra một công văn gửi UBND các thành phố Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ đề nghị phối hợp với ngành GD-ĐT giải quyết khó khăn về chỗ ở cho SV. Nội dung công văn đề nghị UBND các thành phố  xây dựng quy chế phối hợp quản lý HS, SV ngoại trú trên địa bàn, chỉ đạo lực lượng công an tăng cường biện pháp đấu tranh chống tội phạm, ngăn chặn tệ nạn xã hội xâm nhập môi trường sống của HS, SV, hỗ trợ SV tìm chỗ thuê trọ an toàn...

Ông Dương Văn Bá cho biết thêm: đề nghị trên chỉ là giải pháp trước mắt. Nhìn xa hơn phải đưa SV vào KTX.

Cần xây thêm  khoảng 1 triệu m2 KTX

Ông Trần Duy Tạo nói: “Chúng tôi đang xây dựng đề án từ nay đến năm 2012, xây dựng thêm  970.000m2 nhà ở mới cho SV và cải tạo khoảng 730.000m2 KTX cũ. Để đạt được mục tiêu này, ước tính cần khoảng 6.000 tỉ đồng, trong đó khoảng 4.000 tỉ xây dựng mới và như vậy mới có thể đủ chỗ cho 50-60% SV ở KTX”.

Theo ông Tạo, để đạt được mục tiêu 60% SV vào ở KTX có thể cũng phải triển khai một  chương trình mạnh mẽ như chương trình kiên cố hóa trường học. Tuy nhiên, sẽ phải nghĩ đến giải pháp xã hội hóa, khuyến khích thực hiện các mô hình “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

T.V.HÀ