Sẽ chọn ngẫu nhiên 10 trường THPT thi thử trắc nghiệm
Các Website khác - 13/10/2005

Các chuyên viên bộ môn tiếng Anh đang thảo luận về đề thi trắc nghiệm tại các buổi tập huấn (do Bộ GD-ĐT tổ chức từ 11 đến 13-10) - Ảnh: K.Liên

TT - Từ kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH năm 2006, Bộ GD-ĐT sẽ bắt đầu áp dụng phương thức thi trắc nghiệm khách quan (TNKQ) đối với môn ngoại ngữ...

Đây là việc sẽ mở đầu cho lộ trình áp dụng rộng rãi phương thức thi này ở tất cả các môn thi (trừ môn văn) trong hai năm tiếp theo.

Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn An Ninh - cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) - về công tác chuẩn bị cho kỳ thi này. Ông Ninh tỏ ra rất tự tin khi cho biết:

- Sẽ có khoảng 10 trường THPT được lựa chọn ngẫu nhiên đại diện cho các vùng miền khác nhau để tham gia thí điểm thi thử vào tháng mười một tới. Từ đó rút kinh nghiệm để triển khai thi thử rộng rãi cho HS lớp 12 trong cả nước vào tháng 1-2006.

* Nhưng thưa ông, đến thời điểm này ngoài một bản thông báo chung chung, Bộ GD-ĐT vẫn chưa có thêm hướng dẫn cụ thể nào tới các sở GD-ĐT, các trường ĐH và đặc biệt là cho HS?

- Chúng tôi đang xây dựng văn bản hướng dẫn. Dự kiến ban hành sau ngày 17-10 tới vì còn chờ đưa ra hội nghị giao ban các giám đốc sở GD-ĐT thảo luận, hoàn thiện thêm. Trong hướng dẫn đó sẽ có các qui định, hướng dẫn kỹ thuật làm bài cho HS, thông báo rõ hơn qui trình thực hiện thi thử TNKQ môn ngoại ngữ ở hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH... Đồng thời Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để cung cấp đầy đủ thông tin, hướng dẫn HS chuẩn bị làm bài thi TNKQ.

* Đại đa số HS hiện nay vẫn chưa nắm được những thông tin liên quan đến phương thức thi TNKQ, đặc biệt là cách làm bài “chuẩn”. Thưa ông, các trường tham gia thí điểm thi thử được lựa chọn và chuẩn bị như thế nào?

- Danh sách tên các trường tham gia thi thử chưa thể công bố vì chúng tôi muốn kỳ thi thử còn mang tính khảo sát thực tế nên yêu cầu các trường, HS không chuẩn bị trước quá kỹ lưỡng, lựa chọn các trường thí điểm thi thử có phần còn mang tính “bất ngờ” để kết quả thi có thể phản ánh sát nhất thực tế kiến thức cũng như khả năng thi TNKQ của các em.

Từ đó có thể rút ra những điểm được và chưa được, những lưu ý từ thực tế phục vụ việc rút kinh nghiệm khi triển khai đại trà, đâu là điểm yếu của HS để tập trung chỉ đạo khắc phục, hướng dẫn chuẩn bị chu đáo hơn.

Việc tập huấn kỹ thuật liên quan đến tất cả các khâu trong quá trình thi TNKQ sẽ được tiến hành đại trà từ tháng mười hai. Như chúng tôi đã thông báo, tất cả HS lớp 12 sẽ có một kỳ thi thử vào tháng 1-2006. Kỳ thi thử chỉ để tập dượt, không lấy điểm. Đề thi thử sẽ được giả định ở mức độ là đề thi tốt nghiệp THPT. Qua thi thử, rút kinh nghiệm, chúng tôi sẽ điều chỉnh, định cỡ đề thi phù hợp…

Thí sinh sẽ làm bài thi trên “phiếu trả lời trắc nghiệm” được in sẵn theo mẫu thống nhất do Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục biên soạn. Sau khi thi, toàn bộ bài thi TNKQ sẽ được niêm phong bảo mật chuyển về chấm chung tại trung tâm chấm thi do Bộ GD-ĐT tổ chức. Bài thi được chấm bằng máy quét chuyên dụng cài đặt phần mềm chấm thi. Sau đó kết quả chấm sẽ được gửi về các hội đồng thi và tuyển sinh nơi thí sinh dự thi.

* Thưa ông, dự kiến yêu cầu đề thi TNKQ môn ngoại ngữ trong hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ như thế nào?

- Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT tháng 6-2006 và tuyển sinh vào ĐH tháng 7-2006, đề thi môn ngoại ngữ - gồm các thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung - sẽ được ra hoàn toàn dưới hình thức TNKQ cho cả HS học theo chương trình THPT phân ban và HS học theo chương trình không phân ban.

Đề thi ngoại ngữ năm 2006 sẽ sử dụng loại câu hỏi trắc nghiệm có bốn phương án lựa chọn. Thời gian làm bài sẽ là 45 phút đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT và 90 phút đối với bài thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Hiện chúng tôi mới dự kiến số lượng câu hỏi trong mỗi đề thi là khoảng 50 câu đối với đề thi tốt nghiệp THPT và 70-100 câu đối với đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ.

Đề thi do Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn, in sẵn và có nhiều phiên bản do máy tính tự động xáo trộn thứ tự câu cũng như thứ tự các phương án trả lời, giúp các thí sinh ngồi cạnh nhau có đề thi giống nhau về nội dung để đảm bảo công bằng, chính xác nhưng không giống nhau về thứ tự các câu hỏi để chống quay cóp, gian lận như thi hộ, thi kèm...

* Có đề thi tốt nghiệp THPT riêng cho HS học theo chương trình ngoại ngữ ba năm và bảy năm không, thưa ông?

- Vẫn phải có riêng đề thi hoặc phần riêng cho HS từng chương trình vì yêu cầu kiến thức của từng chương trình có sự khác nhau, độ chênh lệch đáng kể.

THANH HÀ thực hiện