Tại sao học sinh trường nghề khó học lên ĐH?
Các Website khác - 04/12/2008
 

HS ngành điện - điện tử trường TC nghề Kỹ thuật nghiệp vụ Tôn Đức Thắng trong giờ học (Ảnh: Mỹ Quyên)
Cùng là cao đẳng và trung cấp nhưng có đến 2 loại hình đào tạo cùng tồn tại với tên gọi khác nhau: nghề và chuyên nghiệp. Khó khăn cho người học ở chỗ: mạnh bên nào bên đó công nhận văn bằng của mình mà không chấp nhận liên thông.

Trường nghề khó tuyển sinh

Hệ thống các trường do Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội quản lý thì gọi là CĐ nghề và trung cấp nghề, còn do Bộ GD-ĐT quản lý thì gọi là CĐ và trung cấp chuyên nghiệp.

Tại TP.HCM, năm 2008 có gần 38.000 chỉ tiêu cho các trường CĐ - trung cấp nghề. Đối tượng tuyển sinh học nghề cũng thoải mái hơn, cả với học sinh (HS) tốt nghiệp THCS và chưa tốt nghiệp THPT cũng đều có thể theo học, với đủ các ngành như: kế toán, công nghệ thông tin, cơ khí, điện - điện tử… Cửa rộng nhưng lượng HS có hứng thú vào học tại các trường nghề lại quá "hẻo"! Nhất là các trường trung cấp nghề đến nay, phần lớn vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu.

Các trường nghề như Trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương, CĐ Nghề TP.HCM… đều tuyển không đủ chỉ tiêu hệ trung cấp nghề. Ông Trương Lợi - Trưởng phòng Hành chính trường Trung cấp nghề Kỹ thuật nghiệp vụ Tôn Đức Thắng băn khoăn: "Các năm trước tới thời điểm tháng 9 (đợt 1) trường chúng tôi đã tuyển được cả ngàn chỉ tiêu nhưng năm nay tuyển tiếp đợt 2 không biết liệu có đủ". Mặc dù trên thực tế, nhiều ngành nghề không có đủ nhân lực để cung ứng cho xã hội như: điện công nghiệp, công nghệ thông tin, kế toán… nhưng đào tạo nghề vẫn bị "chê". Trước hết là tâm lý không thích học trung cấp, nhưng trên thực tế là nếu chọn học trung cấp chuyên nghiệp thì việc liên thông học tiếp lên ĐH sẽ thuận lợi dễ dàng hơn là khởi đầu với trung cấp nghề.

Chưa Bộ nào chịu Bộ nào!

Tiến sĩ Nguyễn Trần Nghĩa - Hiệu trưởng trường CĐ Nghề TP.HCM nói thẳng: "Một trong những nguyên nhân khá quan trọng khiến trường nghề tuyển sinh khó là vì các em có nhu cầu học lên cao rất nhiều nhưng hiện nay hệ thống đào tạo nghề chỉ có thể liên thông từ bậc sơ cấp lên trung cấp và CĐ nghề, chưa có bậc ĐH. Đó là chưa kể rất nhiều HS trong trường viết thư hỏi chúng tôi là liệu em có thể liên thông lên bậc ĐH của Bộ GD-ĐT nhưng tôi không trả lời được".

Gần đây, một số HS tốt nghiệp bậc công nhân kỹ thuật bậc 3/7 do trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng đào tạo trước đây đã sang trường TC nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương để xin học liên thông vì không thể liên thông lên trung cấp chuyên nghiệp của trường CĐ Lý Tự Trọng. Đại diện Phòng Đào tạo của trường Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương nhận định: "Đó là một thiệt thòi của HS vì nhiều em học trung cấp chuyên nghiệp nhưng lại muốn học cao hơn ở bậc nghề để nâng cao kỹ năng nghề và ngược lại, cũng có nhiều em học nghề nhưng lại có nhu cầu nâng cao kiến thức hàn lâm muốn học tiếp lên CĐ-ĐH của Bộ GD-ĐT, thì hiện nay chưa thể".

Các ngành nghề của 2 hệ thống đào tạo này cũng tương ứng nhau: trường CĐ-trung cấp chuyên nghiệp có ngành kế toán, công nghệ thông tin, điện - điện tử, cơ khí… thì các trường nghề cũng vậy, chương trình đào tạo không chênh lệch nhau nhiều. Vì thế xây dựng chương trình liên thông sẽ không quá khó khăn.

Hiện các trường đang chờ đợi Bộ GD-ĐT và Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội "bắt tay" xây dựng chương trình liên thông, mang đến nhiều quyền lợi hơn cho HS học nghề cũng như học bậc trung cấp chuyên nghiệp.

GS Nguyễn Minh Thuyết - Phó chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội:

Đã đến lúc thống nhất một mối quản lý

 
Ngay từ khi Quốc hội thảo luận về Luật Giáo dục và Luật Dạy nghề, chúng tôi - những đại biểu Quốc hội - đã phát biểu rằng cần phải có sự quản lý thống nhất trong lĩnh vực đào tạo nghề. Thế nhưng, đến nay cả hai Bộ (GD-ĐT và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) vẫn đều có tư cách quản lý về mặt nhà nước trong lĩnh vực này là điều vừa đáng tiếc, vừa đáng trách.

Ngay tên những cơ sở đào tạo nghề cũng rất khác nhau (trung cấp nghề - trung học chuyên nghiệp; cao đẳng nghề - cao đẳng) trong khi về mặt bản chất đào tạo của những trường này là giống nhau. Sự không thống nhất về tên gọi dẫn đến thực tế là việc thống kê cũng có sự phân biệt. Ví dụ, khi thống kê về trường cao đẳng thì lại bỏ qua những trường cao đẳng nghề; tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với hệ thống trường trung cấp.

Rõ ràng, việc tách rời như vậy là không đúng về mặt ý thức cũng như gây nên không ít rắc rối. Nhưng quan trọng hơn là sự quản lý thiếu nhất quán này đã gây nên những thiệt thòi nhãn tiền cho người học. Chính vì vậy mới xảy ra tình huống: Trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009, Bộ GD-ĐT đang dự định không cho đối tượng học sinh trung cấp nghề được dự thi vào trường ĐH-CĐ. Chủ trương này là không đúng luật, nhưng có thể thấy rằng nếu có sự quản lý thống nhất về mặt nhà nước thì chắc chắn đã không xảy ra tình huống này. Sự thiếu nhất quán ấy đã làm cho hệ thống giáo dục của nước ta bị phân tán và người học thì không thể học liên thông theo nhu cầu và khả năng của mình.

Trước thực tế này, một lần nữa tôi lại đề nghị: đã đến lúc các trường đào tạo nghề chỉ nên có một đầu mối quản lý thống nhất về mặt nhà nước và điều này cần được thực hiện ngay trong thời gian tới khi chúng ta tiến hành sửa Luật Giáo dục và Luật Dạy nghề. Nếu cần thiết thì nên áp dụng hình thức quản lý bằng cả cơ quan chủ quản và cơ quan quản lý về mặt nhà nước như đối với một số trường đào tạo hiện nay (ví dụ, trường ĐH Y thì cơ quan chủ quản là Bộ Y tế và cơ quan quản lý về mặt nhà nước là Bộ GD-ĐT).

Tuệ Nguyễn (ghi)

Nên giao về Bộ GD-ĐT

Theo tôi, không nên có sự quản lý chồng chéo. Về mặt giáo dục - đào tạo, trong đó có giáo dục nghề, nên để cho Bộ GD-ĐT quản lý để nắm chặt chẽ hơn về nội dung giảng dạy, phương pháp đào tạo. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội không nên quản lý giáo dục nghề mà có thể hằng năm đưa ra một cái nhìn toàn diện và dự báo về nhu cầu lao động, nhu cầu các loại nghề (nên phát triển loại nghề nào, số lượng cán bộ, nhân công…) để Bộ GD-ĐT đào tạo theo nhu cầu đó.

GS-TS Võ Tòng Xuân

Chúng tôi sẵn sàng, nhưng vì... quy chế

Vì hiện tại quy chế chưa cho phép liên thông giữa bên trung cấp và cao đẳng nghề lên CĐ-ĐH chuyên nghiệp nên không thể làm khác được. Một khi quy chế cho phép, chúng tôi sẵn sàng nhận HS trường nghề vô học liên thông tại trường mình, vì đó là nhu cầu và quyền lợi của các em.

Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn,
Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Marketing

Khó liên thông, học sinh chê học nghề!

Trường CĐ Nguyễn Tất Thành đào tạo cả bậc TC nghề và TCCN. Khác biệt lớn nhất giữa đào tạo TCCN và TC nghề là nếu bên nghề thực hành chiếm 50% và lý thuyết 50% thì bên TCCN lý thuyết là 70% và thực hành là 30%, còn trình độ về văn hóa là tương đương nhau. Năm nay tuyển sinh bậc TC nghề vô cùng khó khăn, chúng tôi chỉ tuyển được 20-30 HS, không đủ lớp nên trường phải giới thiệu HS sang một trường nghề khác. Nhiều HS bên nghề rất muốn học cao lên bậc ĐH nhưng hiện tại không thể, đó là một lý do quan trọng khiến HS "chê" học nghề.

Thạc sĩ Tào Thị Lan Phương,
Trưởng phòng Đào tạo trường CĐ Nguyễn Tất Thành

Mỹ Quyên - Nhựt Quang (ghi)

Mỹ Quyên