![]() |
Thi tốt nghiệp THPT năm 2008 tại một hội đồng thi ở TPHCM. Ảnh: N.HỮU |
Theo hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2008 - 2009 của Bộ GD-ĐT, các trường tổ chức kiểm tra theo hình thức tự luận. Trong khi đó, Cục Khảo thí - Kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT lại ban hành cấu trúc đề thi gồm cả trắc nghiệm.
Phải có hai cách học khác nhau
Ông Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều - Hà Nội, khẳng định: Rõ ràng hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học của Bộ GD-ĐT và của Cục Khảo thí - Kiểm định chất lượng giáo dục đang “đá” nhau. Hướng dẫn của Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường “kiểm tra học kỳ 1 và học kỳ 2 vẫn áp dụng hình thức tự luận”.
Trong khi đó, nếu áp dụng hình thức trắc nghiệm với cấu trúc đề thi như Cục Khảo thí - Kiểm định chất lượng giáo dục vừa ban hành thì rất tốt cho cả giáo viên lẫn học sinh trong việc chủ động dạy - học, cũng như tập dượt chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, CĐ sắp tới. Theo ông Đại, việc có hai cách thi khác nhau (tự luận và trắc nghiệm) sẽ dẫn đến việc phải có hai cách học khác nhau và điều này sẽ gây phiền phức, khó khăn cho học sinh.
Chính vì sự phiền phức, khó khăn này mà Trường THPT Nguyễn Gia Thiều hiện vẫn chưa công bố chính thức hình thức kiểm tra học kỳ 1 cho học sinh, dù đã có phương án chuẩn bị theo đúng văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT (kiểm tra các môn bằng hình thức tự luận; riêng lý, hóa, sinh, tiếng Anh của lớp 12 sẽ là đề kiểm tra trắc nghiệm). Theo lý giải của ông Đại, nếu không để cho học sinh lớp 12 làm quen với cách học, thi theo hình thức trắc nghiệm, các em sẽ không có thời gian ôn luyện để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.
Quy định cứng nhắc, bất hợp lý
Hiệu trưởng nhiều trường THPT cho rằng quy định của Bộ GD-ĐT cứng nhắc, bất hợp lý, gây khó khăn cho các trường. Ông Kiều Trung Tiến, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi - Hà Nội, cho biết từ 2 năm nay, trường đã đưa câu hỏi trắc nghiệm vào bài kiểm tra học kỳ. Mỗi học kỳ ít nhất phải một lần tổ chức cho học sinh kiểm tra bằng hình thức trắc nghiệm, để đến khi đi thi chính thức, các em không bị lúng túng. Theo ông Tiến, nếu Bộ GD-ĐT quyết định thi bằng hình thức tự luận thì trường sẽ thực hiện, nhưng rồi vẫn sẽ phải tổ chức cho học sinh thi thử với phương pháp trắc nghiệm để làm quen.
Cùng có chung quan điểm này, ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng - Hà Nội, nhận xét với hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, hiệu trưởng nào không đủ tự tin thì sẽ không biết phải “chạy ngang hay chạy dọc”. Thi theo hình thức tự luận có thể sẽ giúp giáo viên đánh giá tốt hơn tính sáng tạo, khả năng tư duy của học sinh; song tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ đều thi bằng hình thức trắc nghiệm nên các trường phải cho học sinh lớp 12 kiểm tra trắc nghiệm các môn có trong kỳ thi quan trọng này. Ông Lâm băn khoăn: “Nếu không cho học sinh làm quen với hình thức thi này, nhỡ các em trượt tốt nghiệp vì chưa quen với thi trắc nghiệm thì trường giải thích thế nào với phụ huynh?”.
Bộ đã ký, cứ thế mà làm ! Chiều 3-12, trao đổi với phóng viên Báo NLĐ, ông Lê Quán Tần, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Bộ GD-ĐT, vẫn khẳng định: “Bộ đã ký như thế nào thì các trường cứ thế mà làm”. Theo ông Tần, trong quá trình dạy học, giáo viên có thể kết hợp một cách hợp lý các hình thức kiểm tra đánh giá, nhưng khi kiểm tra học kỳ thì bộ có quyền chọn một trong hai hình thức tự luận hay trắc nghiệm. Hai hình thức này đều có ưu, nhược điểm riêng và bộ sẽ chọn hình thức nào có lợi hơn. Giải thích của ông Lê Quán Tần đã không nhận được sự nhất trí của các hiệu trưởng. Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều - Hà Nội Đặng Đình Đại cho rằng nếu vì lý do chuyên môn thì cũng nên quy định tỉ lệ “mềm” giữa trắc nghiệm và tự luận, chứ không nên cứ cấm là cấm hết. |
▪ Thi học kỳ: Bộ chỉ đạo mâu thuẫn, trường tự quyết! (05/12/2008)
▪ Bộ Giáo dục trực tiếp thanh tra tố cáo của thầy Khoa (05/12/2008)
▪ Tại sao học sinh trường nghề khó học lên ĐH? (04/12/2008)
▪ Vì sao chuộng cao đẳng cộng đồng? (04/12/2008)
▪ Liều mình tăng điểm ưu tiên để “vợt” thí sinh (04/12/2008)
▪ 35 năm làm thầy thiện nguyện và hai lần quyên sinh (03/12/2008)
▪ Việt Nam đang giáo dục... ngược? (03/12/2008)
▪ Giảng đường "gà công nghiệp"? (03/12/2008)
▪ Khi giáo viên ra chợ tiếp thị trường mình (03/12/2008)
▪ Nghiên cứu khoa học: Cần cả số lượng và chất lượng (02/12/2008)