Khi đọc các bài báo Bà giáo của những mái đầu khét nắng, Đưa chữ vượt cổng trời, Thầy giáo không biên chế...,vừa đoạt giải trong "Cuộc thi viết về thầy cô", do Báo Thanh niên tổ chức nhiều người dễ lầm đây là những truyện ngắn. Bởi nỗ lực của người thầy được phản ánh, tưởng khó có thực trong đời thường.
Bà giáo Đặng Thị Hoa tại buổi trao giải cho tác giả các bài viết. Ảnh: Thanh Lương |
Hầu hết các bài viết đều ngắn gọn, phản ánh người thực, việc thực bằng chính hành động và kết quả việc làm của họ. Trong đó, "Bà giáo của những mái đầu khét nắng", tác giả Trần Triều - Hà Thu Mai, Báo Phụ Nữ, nói về bà Đặng Thị Hoa, 60 tuổi, vốn là giáo viên nghỉ mất sức, đã tự mở lớp và tận tình chỉ dạy không lương cho gần 300 học trò nghèo. Lớp học của bà Hoa gồm những em có chung cảnh ngộ là dân nhập cư, tại ấp Giãn dân, phường Long Bình, quận 9, TP HCM. Nhiều em phải đi bán vé số, đánh giày kiếm sống. Bà Hoa vận động từng em đi học. Trong điều kiện khi mới mở lớp, thiếu bàn ghế, các em phải ngồi theo ô gạch dưới nền nhà. Thế nhưng, bằng tình thương của người bà, người mẹ và người giáo viên nặng lòng với nghề, bà Hoa đã duy trì lớp học đặc biệt này được gần 10 năm.
Đưa chữ vượt cổng trời của tác giả Dương Sông Lam, Báo Giáo dục TP HCM, gieo những cảm xúc đẹp về cái "tâm" của người thầy khi "cõng con chữ" lên tận miền núi sâu. Nhiều hôm thày phải vào bản động viên trò tới trường. Học trò lại theo ba mẹ vào rẫy, thày phải đợi trò 2-3 ngày để đưa về trường. Có hôm vợ đi tìm học trò ở bản Chum, chồng vào tìm trò ở làng ĐăkNeng.
Bài báo ghi nhận về cuộc sống khó khăn nhưng lãng mạn của tập thể thày, cô giáo ở Trường tiểu học Tu Mơ Rông, huyện Đắc Tô, tỉnh Kon Tum: "Học trò thấy bóng thày từ xa đã đứng bên lề đường khoanh tay đứng chào. Ngày lễ, tết, quà biếu thày cô là nhánh lan rừng, ché rượu cần".
Còn thày Lê Nam, nhà giáo không biên chế trong bài viết cùng tên của tác giả Hùng Phiên, Đài Phát thanh Truyền hình Phú Yên khiến người đọc cảm phục vì sự kiên cường vượt qua chính mình. Bị bại liệt từ nhỏ, nhà nghèo nhưng Thày Nam đi làm thuê mọi việc, lấy tiền học và phụ gia đình nuôi em. Với vốn kiến thức lớp 9, thày "lắc lê chống nạng đi thuyết phục, thu gom những đứa trẻ tới tuổi mà chưa được đi học để về dạy kèm". Lớp của thày Nam chỉ là ngôi lều dựng tạm trên bãi cát, hỏng đâu vá sửa đó, nhưng 25 năm nay, mỗi năm luôn có khoảng 100 học sinh là con em các gia đình chài lưới nghèo, ở xóm Rế, làng Đông Tác, Phú Lâm, TP Tuy Hoà, theo học. Học phí "khi thì rổ khoai, mớ cá, hộp phấn, tập giấy, khi vài đồng tiền lẻ thấm đấm mồ hôi" Thế nhưng, có những trò đã làm kỹ sư, thày giáo, đi học nước ngoài...
Bà giáo của những mái đầu khét nắng, Đưa chữ vượt cổng trời, thày giáo không biên chế đã lần lượt giành giải nhất, nhì và ba của cuộc thi.
Thanh Lương
▪ Nghiên cứu sinh VEF là cầu nối tình hữu nghị Việt-Mỹ (02/01/2006)
▪ Học liệu mở sẽ làm thay đổi lớn giáo dục Việt Nam (02/01/2006)
▪ Xóa cơ chế Bộ chủ quản: Đột phá 2006 của giáo dục? (03/01/2006)
▪ Học liệu mở: Không thể "cơm bưng nước rót" (31/12/2005)
▪ Tiêu chuẩn mới về người thầy (01/01/2006)
▪ Nhu cầu về tri thức: vấn đề lớn ở Việt Nam (01/01/2006)
▪ Hợp tác vì sự đổi mới và phát triển giáo dục (31/12/2005)
▪ Người dân mong chờ gì về giáo dục 2006? (01/01/2006)
▪ 11 cách giúp con bạn học tốt tiếng Anh ở nhà (02/01/2006)
▪ Đưa người qua mênh mông (30/12/2005)