(VietNamNet) - Thêm một lần nữa, câu chuyện về xây dựng ĐH đẳng cấp quốc tế ở Việt Nam lại được "mổ xẻ" dưới góc nhìn của các thành viên Hội đồng giáo dục vùng New England (Mỹ) trong buổi thảo luận với VietNamNet chiều 05/1.
Các đại biểu tham dự buổi thảo luận |
VN có thể xây dựng ĐH đẳng cấp quốc tế trong 10 năm
"Khi trò chuyện với các đại diện của Bộ GD-ĐT, chúng tôi luôn thấy nhắc đến việc xây dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế", GS Michael Lestz, Giám đốc chương trình O'Neil Asia Cum Laude, Khoa Lịch sử, ĐH Trinity, Hartford, Connecticut nhớ lại ấn tượng trong những ngày làm việc tại Việt Nam mấy ngày hôm nay.
Ông dẫn giải câu chuyện người bạn láng giềng của Việt Nam: Trung Quốc đã xây dựng những trường ĐH đẳng cấp quốc tế từ rất sớm, và có thể khẳng định đây là những hạt nhân trong quá trình đổi mới của họ. Khi Thủ tướng Đặng Tiểu Bình phát động công cuộc hiện đại hóa, ông đã rất chú trọng hiện đại hóa giáo dục. Về lâu dài, các trung tâm đào tạo chất lượng cao cũng sẽ có vai trò rất lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế ở tầm vĩ mô tại Việt Nam.
Khá lạc quan, ông Evan S.Dobelle, Chủ tịch Hội đồng
giáo dục vùng New England nhìn nhận "chẳng có lý do gì để nói rằng VN sẽ không xây dựng được ĐH đẳng cấp quốc tế. Cách đây 15 năm, chẳng ai hình dung ra được những điều mà VN, nền kinh tế VN đang có hiện nay."Như vậy, Việt Nam đang tiến rất xa. Nhưng phải lưu ý rằng, ngoài ĐH đẳng cấp quốc tế, để có một hệ thống giáo dục tốt, cần phải có các trường mẫu giáo, cấp 1, cấp 2 cấp 3 chất lượng cao.
Thậm chí, ông Dobelle còn phán đoán Việt Nam hoàn toàn có khả năng có trường ĐH đẳng cấp quốc tế trong vòng 10 năm nữa. Nhưng vấn đề là phải phân bổ nguồn lực hợp lý cho giáo dục ĐH. Nếu không chịu phân bổ nguồn lực cho giáo dục ĐH thì sẽ không có trường thực sự cạnh tranh được với thế giới. Đầu tư thích đáng xây dựng một trường như thế, Việt Nam có thể cạnh tranh được với nhiều quốc gia trên thế giới, mặc dù hoàn toàn có thể cử người sang Mỹ học.
Bà Bùi Lan, Chủ nhiệm khoa quốc tế học, ĐH Ngoại ngữ Hà Nội - người được nói vui là "nửa đời ở Havard, nửa đời ở ĐH Ngoại ngữ Hà Nội" - bày tỏ sự hứng khởi với sự sôi sục quyết tâm xây trường ĐH đẳng cấp quốc tế. Tuy nhiên, bà cũng băn khoăn về lộ trình "ngắn hơn thông lệ" hàng trăm năm của ngôi trường này - nếu được xây dựng ở Việt Nam.
Trả lời một phần băn khoăn của bà Lan, tiến sĩ Patticia Plummer, Phó Tổng Giám đốc Chủ tịch Hội đồng giáo dục vùng New England đề cập tới vấn đề "được công nhận chất lượng" (accreditization), nền tảng vững chắc để thu hút tài trợ cho trường. Bởi, ở Mỹ, cả trường ĐH công và tư đều có nguồn tài trợ rất lớn dành riêng cho nghiên cứu. Mà những nghiên cứu này "hút" được tài trợ do chính chất lượng của nó đã được đảm bảo bằng việc kiểm định chất lượng.
Giáo sư Augustine Hà Tôn Vinh, Trường quản trị kinh doanh Hà Nội cho hay, ban đầu, ý tưởng áp dụng hệ thống kiểm định chất lượng ISO cho cơ sở đào tạo này không được các SV và giảng viên hưởng ứng với ý nghĩ hệ thống kiểm định như thế chỉ phù hợp với các doanh nghiệp. Phải mất một năm, trường mới chuẩn bị và triển khai việc này. Kết quả là sau 2 năm, SV và giảng viên đều thấy chất lượng được nâng lên.
Lãnh đạo ĐH đẳng cấp quốc tế: Phải có đầu óc thương gia
Ông Louis D'Allesandro |
Theo ông Louis D'Allesandro, thượng nghị sĩ bang New Hampshire, hiệu trưởng của các trường ĐH có đẳng cấp phải là những người quyết đoán, được nể trọng, lại có khả năng giao hòa với sinh viên, vừa có đầu óc của một thương gia. Đây là một việc rất khó và đòi hỏi rất nhiều tâm huyết.
Ông Louis cho rằng, Việt Nam phải tập trung đào tạo những người đứng đầu xuất sắc. Điều này đòi hỏi phải đầu tư nhiều tiền, thậm chí có cả rủi ro, nhưng phải trả giá để tạo cơ hội, phải trả giá để có những nhà lãnh đạo thật sự xuất sắc cho các trường ĐH, vì chính họ sẽ tạo ra những đột phá, những bước tiến lớn cho trường.
"Khi tôi tốt nghiệp ĐH Yale, tôi có đồng nghiệp làm việc trong ngành công nghệ thông tin. Chúng tôi đã nhận rất nhiều sinh viên công nghệ thông tin từ Trung Quốc, họ đều phải trải qua những kỳ kiểm tra căng thẳng, và những người không đủ khả năng sẽ bị đuổi ngay. Tôi thấy như thế có phần tàn nhẫn, nhưng bạn tôi bảo: chúng tôi không muốn những người tầm thường sẽ lãnh đạo ngành công nghệ thông tin trong tương lai, không muốn thương hiệu của Yale sẽ đưa những người không thật xứng đáng lên thành những người đứng đầu ngành công nghệ thông tin của Trung Quốc".
Chủ tịch trường Nghệ thuật tự do Massachusetts, tiến sĩ Mary Grant bổ sung thêm: Hiệu trưởng các trường ĐH đẳng cấp phải luôn đặt SV lên hàng đầu, lấy SV làm trung tâm của mọi quyết định. Điều quan trọng, họ phải tập trung được mọi nguồn lực về nhân sự, kỹ thuật, cơ sở hạ tầng…để giúp đỡ SV; khi cần, phải ứng phó trong nhiều vai trò khác nhau. Ngoài ra, lãnh đạo phải là người biết trân trọng các giá trị giáo dục đào tạo nhưng cũng phải là người có năng lực quản lý.
Các đại biểu tham dự buổi thảo luận |
Nhà đầu tư và Chính phủ phải làm việc cùng nhau
"
Chúng tôi có ấn tượng rất tốt về những tâm huyết thật sự của các bạn đối với nền giáo dục nước nhà. Việt Nam có những nguồn lực tốt, nhưng chỉ bằng cách hợp tác và trao đổi thông tin, mới tiến lên tiếp được", tiến sĩ Mary Grant nhận xét."Để có trường ĐH quốc tế, sẽ cần rất nhiều SV giỏi, giảng viên giỏi, các nhà đầu tư và cả chính phủ làm việc cùng nhau. Chúng tôi sẽ đề đạt để các trường của cả 6 tiểu bang trong vùng nghĩ đến những hình thức hợp tác, hỗ trợ các bạn. Tôi tin tưởng sẽ có những sự hưởng ứng, những phản hồi tích cực từ các trường".
Đưa thêm nhiều bạn bè quốc tế đã có kinh nghiệm đến giảng giải và đưa ra những đề xuất về việc xây dựng lộ trình, theo thượng nghị sĩ Louis "là quá trình khó khăn nhưng tôi tin rằng có thể làm được".
Theo đó, tháng 2 tới, Hội đồng giáo dục vùng New England sẽ đề xuất với chính phủ một dự án hợp tác với Việt Nam. Chúng tôi có thể đưa những người đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực này đến chia sẻ kinh nghiệm với các bạn cũng như tạo dựng các mối liên kết cần thiết. Chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề này và thực sự muốn giúp đỡ các bạn.
GS Michael Lestz |
Giáo sư Michael Lestz đề xuất cách tạo ra những cổng thông tin, tạo không gian cho việc thảo luận giữa các trường VN với các trường ở vùng New England, một vùng tập trung rất nhiều trường ĐH danh tiếng lâu đời. Ông cũng bày tỏ sự lạc quan khi về lại New England và đưa ra những ý kiến này, sẽ nhận được sự ủng hộ của đồng nghiệp.
Tất nhiên, GS Lestz cũng thận trọng "tôi cũng chưa thể vạch ra được cụ thể cho các bạn là nên đi theo lộ trình nào. Các bạn nên để chính khái niệm này biến đổi và phát triển để có được một hình dung hoàn chỉnh nhất".
Theo đánh giá của các đại biểu, ở Việt Nam, không thiếu trường chất lượng cao. Vấn đề là làm sao có thể tập hợp những tài năng ở trong nước để tạo ra những trường học được cả thế giới công nhận. Công việc này, ngoài việc xác định lộ trình, tìm kiếm lãnh đạo có phẩm chất kiệt xuất, tạo cơ chế tự chủ, còn là quyết tâm hành động thực sự từ những người quyết định chính sách giáo dục.
"Tháng 2 tới, Hội đồng giáo dục vùng New England sẽ đề xuất với chính phủ một dự án hợp tác với Việt Nam" |
VietNamNet
Ảnh: Lê Anh Dũng
▪ Nhiều đại học lúng túng với dự thảo quy chế sau ĐH (04/01/2006)
▪ "Người có chức tước thích dạy sau ĐH..." (04/01/2006)
▪ ĐH khoa học ứng dụng Pforzheim tổ chức hội thảo (05/01/2006)
▪ Sẽ có hợp tác giữa Bộ GD-ĐT với vùng New England, Mỹ (04/01/2006)
▪ Đào tạo thạc sỹ bằng mọi giá? (04/01/2006)
▪ Thí điểm đào tạo liên thông: Chưa thông đã vội mở rộng (03/01/2006)
▪ Vẻ đẹp từ nỗ lực âm thầm của những người thày (03/01/2006)
▪ Bỏ thi tốt nghiệp THCS: Không thi nên không học? (03/01/2006)
▪ Cải cách giáo dục phải xây từ móng nhà trung thực (03/01/2006)
▪ Đào tạo liên thông: Chưa thông đã vội mở rộng (03/01/2006)