Thí điểm đào tạo liên thông: Chưa thông đã vội mở rộng
Các Website khác - 03/01/2006
Lớp liên thông đại học chuyên ngành
hệ thống điện học tại Trường ĐH
bán công Tôn Đức Thắng.
Sau bốn năm, 7 trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) trong cả nước thí điểm mô hình đào tạo liên thông, đến nay, chương trình này chưa mang lại hiệu quả rõ ràng, thậm chí còn bộc lộ nhiều bất cập. Nhưng tháng 11-2005 vừa qua, Bộ GD-ĐT lại cho phép thêm 14 trường được đào tạo liên thông, tăng chỉ tiêu tuyển sinh.
Mỗi nơi một kiểu liên thông!
TP Hồ Chí Minh hiện có 4 trường được phép đào tạo liên thông, từ bậc trung học chuyên nghiệp (THCN) lên CĐ và từ CĐ lên ĐH, gồm có: Trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, ĐH Bán công Tôn Đức Thắng, CĐ Công nghiệp thực phẩm, CĐ Kinh tế kỹ thuật công nghiệp II. Tuy nhiên, do chưa có khung ngành đào tạo thống nhất, mỗi trường đã tự cho ra đời chương trình đào tạo khác nhau và do đó, chất lượng cũng không giống nhau. Sự “so le” trong chương trình đào tạo THCN hiện nay dẫn đến tình trạng thí sinh liên thông không thể yên tâm với kiến thức của mình trước khi nộp hồ sơ dự tuyển.

Trường ĐH Bán công Tôn Đức Thắng khi được phép tuyển sinh “vượt cấp” từ hệ THCN lên ĐH, mở rộng cho tất cả học sinh muốn dự thi, trường còn quy định cộng 1-2 điểm ưu tiên đầu vào cho học sinh nếu tốt nghiệp THCN loại khá, giỏi. Để “chuẩn hóa”, trường ra quy định học sinh trước khi thi vào trường, phải học thêm một số môn bằng các lớp bồi dưỡng bắt buộc. Khoản kinh phí (hơn 300.000 đồng) để tham gia các lớp này dĩ nhiên thí sinh phải gánh chịu, trước khi được dự tuyển.

Bạn L.T.Q, tốt nghiệp hệ trung cấp ngành kế toán – tin học Trường CĐ Công nghệ Thực phẩm, dự định thi vào trường, bức xúc nói: “Nếu phải học lại như vậy khác gì học lại từ đầu, thậm chí phải nộp lệ phí hơn 300 nghìn đồng mà chưa chắc được vào trường nên tôi đành phải rút lui”.

Đối với Trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, từ năm 2001 khi được phép thực hiện thí điểm, trường đã tuyển sinh được 3 khóa, trong đó khóa đầu tiên đã có 200 học sinh đã tốt nghiệp cao đẳng, có việc làm ngay. Từ thành công đó, trường đã thu hút trên 1.400 học sinh tham gia khóa 2, khóa 3 để được học từ THCN lên cao đẳng và đại học.

Theo ông Tạ Xuân Tề, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, chương trình đào tạo liên thông đã tạo nên lợi thế của trường và là yếu tố tích cực làm tăng số học sinh dự thi mỗi năm”. Tuy nhiên, ông Tạ Xuân Tề cũng thừa nhận do trường đào tạo cả ba hệ (THCN, CĐ, ĐH) nên số học sinh thi đậu vào học chương trình liên thông hầu hết là học sinh của trường, còn học sinh trường khác cửa vào vẫn còn hẹp.

Hai trường CĐ mới được cho phép đào tạo liên thông (CĐ Công nghiệp thực phẩm, CĐ Kinh tế kỹ thuật công nghiệp II) cũng đang rất lo vì phải chuẩn bị đội ngũ giảng dạy, trang thiết bị, biên soạn chương trình phục vụ cho các môn học…

Ông Lê Thanh Bình, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp II, nói: “Trường mới được bộ GD-ĐT giao 200 chỉ tiêu đào tạo liên thông với ba ngành: công nghệ dệt, công nghệ kỹ thuật cơ khí và kế toán. Đây là tin vui với trường nhưng cũng là nỗi lo vì kỳ tuyển sinh đến gần mà mọi việc đang ngổn ngang. Có lẽ khóa đầu tiên chủ yếu chúng tôi chỉ tập trung tuyển học sinh của trường”.

Thả nổi?

Do sự khác biệt về chương trình đào tạo mà các trường THCN, CĐ khi làm việc, ký liên kết đào tạo liên thông với các trường ĐH, hầu hết đều phải lặng lẽ rút lui sau khi ký bản ghi nhớ. Nhiều vị hiệu trưởng bức xúc: “Họ quy định chỉ cho phép chênh lệch khoảng 15% - nghĩa là yêu cầu chương trình đào tạo của chúng tôi phải tương thích 85%. Sự chênh lệch này căn cứ vào cơ sở nào khi chưa có chương trình khung ngành thống nhất? Điển hình như: ngành điện, cơ khí, tin học ứng dụng… vẫn chưa có chương trình khung, mỗi nơi đào tạo mỗi kiểu”.

Ở khía cạnh khác, bà Đặng Thị Thùy Linh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường TH Kỹ thuật nghiệp vụ Nam Sài Gòn ngán ngẩm: “Chúng tôi đã đến để bàn bạc với các trường đại học thống nhất chương trình phối hợp đào tạo liên thông, thế nhưng họ cứ “làm lơ”.

Trường TH kỹ thuật May Thời trang II TP Hồ Chí Minh mấy năm nay khi liên kết đào tạo liên thông với Trường Cao đẳng Công nghiệp I (Hà Nội) đã phải soạn lại chương trình dựa theo chương trình do Trường Cao đẳng Công nghiệp I đặt ra và yêu cầu thực hiện. “Song đã gần ba năm qua, chúng tôi chờ nhận chỉ tiêu từ trường “đối tác” để đào tạo tiếp cho học sinh, nhưng vẫn chưa nhận được tín hiệu nào” - ông Hồ Ngọc Tiến, Phó hiệu trưởng nhà trường, than.

Chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Đại Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục THCN, Bộ GD-ĐT, về quyết định cho phép “ồ ạt” đào tạo chương trình này, ông Thành cho biết: “Theo Luật Giáo dục quy định đối với bậc học THCN, Bộ GD-ĐT chỉ ban hành chương trình khung chung. theo đó các bộ ngành khác khi thành lập trường phải ban hành chương trình khung ngành cụ thể, căn cứ vào đó, hiệu trưởng các trường soạïn thảo chương trình đào tạo cho trường mình. Thế nhưng, đến thời điểm này vẫn còn nhiều ngành chưa có chương trình khung thống nhất (như cơ khí, điện, tin học ứng dụng…), do đó các trường đã gặp nhiều khó khăn”.

Ông Thành cũng thừa nhận lâu nay Bộ GD-ĐT không kiểm soát được tình hình ở các trường, đồng thời cho biết, trong vòng hai tháng nữa bộ sẽ thành lập đoàn kiểm tra để đánh giá, kiểm soát tình trạng này. Bộ cũng sẽ có biện pháp nghiêm khắc đối với những trường làm sai quy định.

Cho phép thí điểm đào tạo liên thông suốt bốn năm mà không rút kinh nghiệm và chấn chỉnh, các trường CĐ - ĐH dường như bị thả nổi... Vậy mà Bộ GD-ĐT lại cho phép thêm 14 trường được đào tạo liên thông, tăng 3.580 chỉ tiêu tuyển sinh. Trong bối cảnh “tranh tối tranh sáng” hiện nay, quyết định này càng đặt thêm khó khăn cho các trường mới thực hiện chương trình này.

Theo Sài Gòn giải phóng