Việc hai ngân hàng châu Âu (HSBC và Standard Chartered) được cấp phép thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam trong tuần đã kéo theo những e ngại về việc các ngân hàng nước ngoài sẽ dần chiếm lĩnh thị trường.
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn với của phóng viên, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam và cũng là nguyên tổng giám đốc của HSBC tại Việt Nam Alain Cany cho rằng các ngân hàng trong nước sẽ không phải lo ngại quá nhiều về điều đình. Ông Alain Cany
Ông Cany, vốn cũng là một chuyên gia tài chính, phân tích rằng các ngân hàng nước ngoài sẽ không thể chiếm lĩnh thị trường.
Ông nhận xét gì về ý kiến cho rằng các ngân hàng trong nước sẽ không thuận lợi trong cạnh tranh với các ngân hàng nước ngoài ngay tại thị trường nội địa vì các ngân hàng nước ngoài có nhiều kinh nghiệm và mạnh về vốn hơn?
Bản thân tôi cho rằng các ngân hàng Việt Nam cũng không nên quá lo lắng, mặc dù có thể hoạt động của một số ngân hàng trong nước sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian sắp tới. Các ngân hàng bị ảnh hưởng là những ngân hàng quá nhỏ và do vậy khó có thể vượt qua trong cuộc cạnh tranh này.
Tôi nhận thấy hiện Việt Nam có nhiều ngân hàng quy mô quá nhỏ, và sẽ không nghi ngờ gì nếu một số ngân hàng loại này sẽ bị sát nhập vào các ngân hàng lớn hơn.
Tôi dẫn chứng về một ngân hàng hàng đầu của Việt Nam như Vietcombank, với sự tham gia của các đối tác nước ngoài vào sân chơi này thì Vietcombank sẽ vẫn là một trong các ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam.
Có thể sau 10 năm nữa HSBC sẽ nắm vị trị từ thứ tư đến thứ sáu trong danh sách các ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam, nhưng sẽ không bao giờ là ngân hàng lớn nhất tại thị trường này, vì HSBC không có được lợi thế và sự hiểu biết sâu rộng về thị trường như các ngân hàng trong nước đã thành lập lâu đời.
Một yếu tố khác là các khách hàng trong nước vẫn thích sử dụng các dịch vụ và sản phẩm của ngân hàng nội địa hơn nếu như các ngân hàng này có được những sản phẩm và dịch vụ tốt.
Phải chăng việc cấp phép cho hai ngân hàng ngoại trên chậm hơn so với mong đợi?
Đúng là có chậm hơn và chúng tôi đã đề nghị cần phải đẩy nhanh quá trình cấp phép. EuroCham đã theo dõi tiến trình cấp phép của hai ngân hàng trên trong một năm trời. Nhưng công bằng mà nói sự chậm trễ này cũng có thể hiểu và thông cảm được.
Chúng tôi rất hài lòng vì giấy phép đã được cấp cho Standard Chartered và HSBC và đây là bằng chứng rõ ràng cho thấy Việt Nam đang thực hiện các cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Theo tôi, Chính phủ cũng không nên làm việc dưới sức ép của các ngân hàng trong nước vì Việt Nam đã quyết định gia nhập WTO và bây giờ cần phải ủng hộ sự cạnh tranh công bằng. Người hưởng lợi sau cùng chính là người tiêu dùng Việt Nam vì họ sẽ hưởng lợi từ các sản phẩm và dịch vụ rẻ hơn và chất lượng hơn do các ngân hàng nước ngoài cung cấp.
Cũng cần phải nói rõ rằng tôi chưa từng thấy ngân hàng nước ngoài nào có thể chiếm lĩnh thị trường trong nước tại một quốc gia.
Tại các nước phát triển như Pháp, Anh, Nhật Bản thì chính các ngân hàng trong nước dẫn dắt thị trường. Còn tại các nước đang phát triển như Trung Quốc và Brazil cũng tương tự như thế. HSBC đã có ngân hàng con tại Trung Quốc, nhưng chính những ngân hàng Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị trường.
Các ngân hàng nước ngoài cũng sẽ không thể chiếm lĩnh thị trường tại Việt Nam. Sự tham gia của các ngân hàng nước ngoài sẽ giúp nâng cao chất lượng và dịch vụ tại thị này, và sẽ mang nhiều dịch vụ tốt đến cho các doanh nghiệp trong nước.
Ở góc độ một chuyên gia tài chính, ông dự báo sẽ có bao nhiêu ngân hàng nước ngoài sẽ xin phép thành lập tại Việt Nam?
Chỉ có những ngân hàng hoạt động toàn cầu mới có khả năng thành lập ngân hàng con tại một nước để cung cấp và phát triển các dịnh vụ bán lẻ… Trên thế giới có không tới 10 ngân hàng được tin tưởng là có khả năng làm tốt các dịch vụ trên. Thường thì các ngân hàng chỉ mở khoảng 1 hay 2 chi nhánh để giao dịch với khách hàng là các công ty đến từ đất nước mà các ngân hàng này có trụ sở chính và các công ty đa quốc gia.
Do vậy, tôi không nghĩ nhiều ngân hàng nước ngoài sẽ nộp đơn xin mở ngân hàng con tại Việt Nam. Có thể sẽ có 5 ngân hàng quốc tế và 5 ngân hàng trong khu vực sẽ xin phép mở ngân hàng 100 vốn nước ngoài tại đây. Trong số này có thể có ngân hàng từ Singapore, Hàn Quốc và cả Đài Loan vì các hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Đài Loan rất mạnh tại thị trường Việt Nam.
HSBC, 1 trong 2 ngân hàng được cấp phép thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam
Nhiều chuyên gia đã nhận xét rằng các giải pháp của Chính phủ đã phát huy tác dụng trong việc kiềm chế lạm phát và giải quyết các vấn đề liên quan đến ngành ngân hàng, tài chính. Ông đánh giá thế nào về mức độ thành công?
Các giải pháp của Chính phủ đưa ra là tốt nhưng chưa đủ để đối phó với mọi vấn đề. Theo tôi, lạm phát vẫn sẽ là vấn đề chính của Việt Nam trong các tháng tiếp theo và năm tới dẫu rằng sức ép lên việc tăng giá các mặt hàng đã dịu bớt.
Tuy nhiên, lạm phát vẫn còn cao và do vậy Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ mất đi tính cạnh tranh và vì thế Chính phủ cần phải luôn chú trọng đến việc kiểm soát giá cả.
Tôi biết một số các mặt hàng tăng giá là do thiếu nguồn cung hiệu quả và cạnh tranh lành mạnh. Tôi hy vọng rằng sẽ không có chậm trễ trong việc mở cửa thị trường bán lẻ cho các doanh nghiệp nước ngoài, dự kiến từ đầu năm 2009, vì các doanh nghiệp này sẽ giúp nâng cao năng lực các dây chuyền cung ứng và cung cấp các sản phẩm với giá cạnh tranh. Chắc nhiều người đã biết Metro và Big C đang cố gắng giảm giá bán tại các siêu thị của họ.
Các đối thủ cạnh mới sẽ tăng sức ép lên các siêu thị, kể cả các siêu thị trong nước về việc giảm giá bán. Việt Nam đang đi đúng hướng trong việc kiềm chế lạm phát và giải quyết các vấn đề liên quan, nhưng cũng còn quá sớm để ngân hàng Nhà nước nới lỏng các biện pháp đang áp dụng do yêu cầu của các ngân hàng trong nước.
Cũng có một vấn đề cần bàn liên quan đến các giải pháp trên. Các giải pháp này ảnh hưởng đến tăng trưởng trong khi Chính phủ vẫn muốn tăng trưởng cao. Theo tôi, Chính phủ cần phải đảm bảo nguồn vốn vay cho các doanh nghiệp xuất khẩu vì tôi được nghe kể rằng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu không thể vay vốn ngân hàng để mua nguyên vật liệu để sản xuất hàng xuất khẩu.
Vì lý do này tôi cảm thấy lo về tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong nửa năm cuối mặc dù tăng trưởng trong nửa năm đầu là rất tốt. Cần phải đảm bảo vốn vay ngân hàng cho các doanh nghiệp xuất khẩu để đẩy mạnh hàng xuất khẩu và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Xin cảm ơn ông!
Theo
▪ Giá thuê văn phòng sẽ giảm mạnh (13/09/2008)
▪ Sàn vàng cạnh tranh quyết liệt (11/09/2008)
▪ Lại rắc rối chuyện mua căn hộ (11/09/2008)
▪ Môi trường kinh doanh VN giậm chân tại chỗ (11/09/2008)
▪ Giá dầu xuống còn 104 USD/thùng (10/09/2008)
▪ Tiềm năng lớn từ nghề nuôi ba ba (10/09/2008)
▪ Nghịch lý với giá ô tô, điện, sữa... (10/09/2008)
▪ Bánh Trung thu "đại hạ giá" sớm (10/09/2008)
▪ Nông - thủy sản chật vật đầu ra, vì sao? (09/09/2008)
▪ Công nghiệp hỗ trợ làm nản lòng nhà đầu tư (09/09/2008)