Bù lãi suất: ngân hàng ngại trách nhiệm
Các Website khác - 07/02/2009

Việc bù lãi suất (LS) với một số trường hợp không suôn sẻ do quy định chưa rõ ràng và bản thân các ngân hàng (NH) khá thận trọng do lo ngại bị quy trách nhiệm nếu áp dụng không đúng quy định dẫn đến bù LS không đúng đối tượng.

Cũng vay vốn mua sắt thép nhưng có NH chỉ bù LS cho DN xây dựng, không bù LS cho chủ dự án là DN bất động sản - Ảnh: T.V.N.

Rối nhất là các trường hợp doanh nghiệp (DN) có dự án bất động sản. Nhiều NH nói trường hợp này không được bù LS.

Chủ dự án hay nhà thầu?

Phải giải tỏa tâm lý ngán ngại của ngân hàng

Quy chế bù LS của NH Nhà nước khá thoáng. Tuy nhiên, do các quy định về bù LS lại ràng buộc trách nhiệm của các NH thương mại để đảm bảo việc bù LS được đúng đối tượng vì thế các NH cũng ngán ngại. Nhiều NH cho biết tiền bù LS là tiền của dân nên họ rất ngại bù sai đối tượng, vì thế NH Nhà nước cần quy định rõ ràng hơn để NH an tâm cho vay bù LS.

Những ngày này, nhiều DN bất động sản chạy đôn đáo hỏi thăm NH vì không rõ có thuộc diện được bù LS? Ông Trần Minh Hoàng, chủ tịch hội đồng quản trị Vinaland, cho biết trong hướng dẫn 13 ngành nghề không thuộc diện được bù LS theo quyết định 131 của Thủ tướng Chính phủ chỉ nêu các khoản cho vay để mua, bán quyền sử dụng đất mà không nhắc đến các DN bất động sản, xây dựng. Như vậy DN hiểu rằng mình thuộc diện được hỗ trợ LS.

Trong khi đó, thông tư 02 của NH Nhà nước hướng dẫn việc bù LS lại quy định ưu tiên cho vay vốn lưu động với dự án xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp. Vì thế không rõ DN vay để làm các dự án thông thường như xây chung cư, cao ốc nằm đâu trong chương trình bù LS.

Nhiều DN đem thắc mắc này hỏi NH và nhận được câu trả lời khác nhau, nhưng chung quy vẫn đợi câu trả lời chính thức từ NH Nhà nước. Một NH nói chủ dự án bất động sản nhưng họ không trực tiếp mua vật tư như gạch ngói, sắt thép, vì thế không được bù LS. Nhiều NH cho biết chỉ bù LS cho những DN vay để mua vật tư thi công.

Theo ông Đỗ Minh Toàn - phó tổng giám đốc NH Á Châu, đối với DN xây dựng vay vốn lưu động để mua nguyên vật liệu về sản xuất ra vật liệu xây dựng phục vụ ngành bất động sản thì được vay vốn hỗ trợ LS. Nhưng DN bất động sản vay vốn lưu động để mua vật liệu xây dựng về xây dựng thì không được hỗ trợ LS vì không nằm trong ngành được hỗ trợ LS của Chính phủ.

Vay VND theo LS USD có được bù?

Các NH đang hiểu và có quy định khác nhau về bù LS đối với các DN xuất khẩu được vay vốn VND với LS thấp. Với trường hợp này, DN khi vay vốn VND, để được LS thấp, thường chỉ ngang hoặc thấp hơn LS USD, phải cam kết bán USD thu được từ xuất khẩu cho NH theo tỉ giá ở ngày được NH giải ngân vốn VND (thường được gọi là vay VND theo LS USD). Thế nhưng, để có được vốn cho vay theo LS thấp, NH phải thực hiện các nghiệp vụ có liên quan đến mua bán ngoại tệ. Đây chính là lý do khiến các NH lấn cấn vì quy định là chỉ bù LS cho trường hợp vay VND.

Ông Phạm Quốc Thanh, phó tổng giám đốc NH An Bình, cho rằng việc bù LS vẫn thực hiện được do DN nhận tiền đồng nên hoàn toàn không liên quan đến ngoại tệ. Thế nhưng có NH cho rằng trường hợp này không hẳn là vay VND do vậy không được bù LS nhưng cũng cho biết đang chờ hướng dẫn từ NH Nhà nước.

Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Ngọc Bảo - vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NH Nhà nước - cho rằng trường hợp này vẫn được bù LS.

Đau đầu sử dụng vốn đúng mục đích

Một lãnh đạo NH cổ phần còn đưa ra nhiều tình huống mà các NH đang phải đề phòng, từ đó có thể gây trở ngại cho việc bù LS. Như trường hợp DN vay mua nguyên liệu dự trữ để sản xuất kinh doanh tuy nhiên sau đó nguyên liệu tăng giá, DN bán đi thu lãi, khi đó vẫn còn hạn vay vốn ưu đãi nên DN tiếp tục xoay vòng. Trong tình huống này, ban đầu DN sử dụng vốn đúng mục đích nhưng sau đó bán đi thì lại không đúng với mục đích ban đầu khi vay vốn. Trường hợp này có bị xem là sử dụng vốn sai mục đích và bị xử lý?

Tương tự, với mặt hàng nhập khẩu, thông tư 02 quy định không cho vay với DN nhập khẩu hàng tiêu dùng. Tuy nhiên phân biệt thế nào là hàng tiêu dùng không phải đơn giản. “Nếu DN nhập khẩu đường - mặt hàng tiêu dùng nhưng dùng để sản xuất thì có cho hưởng ưu đãi hay không. Hay trường hợp DN mua máy đặt tại công ty có thể sử dụng, trưng bày... vậy xác định mục đích để quyết định cho vay vẫn là những câu hỏi cần có lời giải đáp” - một tổng giám đốc NH nói.

Có bù LS cho DN có tiền gửi tiết kiệm?

Ông Võ Văn Châu, tổng giám đốc NH Phương Đông (OCB), nêu trường hợp trong năm 2008 do LS quá cao, nhiều DN đã đem vốn gửi NH để lấy lãi. Nay họ không rút vốn về vì LS đã gửi ở thời điểm năm 2008 khá cao mà cầm cố sổ tiết kiệm để vay lại. Khi vay lại được bù LS, vì thế DN lợi cả đôi đàng. Trường hợp này NH vẫn phải bù LS nhưng băn khoăn không biết có sai quy định vì gói kích cầu là dành cho DN khó khăn, trong khi những DN này dư vốn...

Theo Tuoi Tre Online