Cây mía bị dồn đến chân tường
Các Website khác - 27/04/2006
Quảng Ngãi: Cây mía bị dồn đến chân tường
Trần Đăng

Vốn được xem là một trong vài trung tâm sản xuất và chế biến đường lớn của cả nước, nhưng Quảng Ngãi hiện đang phải đối mặt với một thực tế phũ phàng: Hàng ngàn hécta mía bị phá bỏ, khiến cho Nhà máy đường Quảng Phú đang đứng trước câu hỏi: Có nên tiếp tục chuyển dời nhà máy lên An Khê (Gia Lai)? Và, trên 300 công nhân của nhà máy sẽ đi về đâu?

Nhà máy đường Quảng Phú trong
vụ ép mía 2005-2006, liệu có tồn
tại trong niên vụ tới?

Lại chuyển nhà máy?

Nói "lại chuyển" là bởi, cách đây 8 năm (1998), lúc cả nước phấn đấu để đạt một triệu tấn đường, tỉnh Quảng Ngãi cũng "chạy đua" để đạt 100 ngàn tấn, bằng cái cách ít ai dám làm: Mở rộng công suất Nhà máy đường Quảng Phú lên 4.500 tấn mía/ngày để rồi... không có mía ép, buộc phải chuyển toàn bộ nhà máy đường cũ do người Nhật để lại sau giải phóng (công suất 2.000 tấn mía/ngày), lên huyện An Khê. Họ chỉ để lại phần "mở rộng", công suất 2.500 tấn/ngày với số tiền đầu tư là 18 triệu euro.

Cũng cần nhắc lại: Vào các năm 1998-2000, ngành đường cả nước rơi vào cảnh thua lỗ nghiêm trọng, khiến Chính phủ không cho phép xây dựng nhà máy mới. Để "lách", Cty đường Quảng Ngãi có đề án "mở rộng" nên được Bộ NNPTNT chấp thuận (!).

Suốt 6 năm qua, chung quanh chuyện mở rộng nhà máy đường mới này đã có rất nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra ở đủ các cấp từ tỉnh đến bộ, kể cả Kiểm toán Nhà nước sau hàng tá đơn khiếu kiện của cán bộ công nhân viên chức thuộc Cty đường Quảng Ngãi.

Thế nhưng, mọi việc vẫn trôi qua một cách "êm đẹp". Dù rất trầy trật nhưng đến nay, Cty đường cũng đã cổ phần hoá rồi, có điều số tiền mở rộng nhà máy 16 triệu euro (chưa tính lãi vay) kia thì vẫn chưa quyết toán dứt điểm được. Và bây giờ, một phương án mới đang được âm thầm triển khai: Chuyển tiếp toàn bộ phần còn lại của nhà máy lên An Khê - nơi cách đây 6 năm, họ đã chuyển một phần nhà máy cũ và "định cư" luôn trên đấy.

Bị "dồn đến chân tường"?
Theo dự báo, niên vụ tới, các tỉnh ĐBSCL sẽ thừa khoảng một triệu tấn mía cây do công suất của các nhà máy trong vùng không kham nổi số diện tích mía đã trồng thêm trong năm nay. Cũng theo dự báo của các nhà kinh tế, trong năm nay, nước ta có thể rơi vào tình trạng "sốt" đường vì cung không đủ cầu, giá mía sẽ còn tiếp tục tăng trong niên vụ tới.

Trong lúc các nhà máy đường trong cả nước đang phấn khởi trước những thông tin vừa nêu, tại sao Cty đường Quảng Ngãi lại phải đối mặt với chuyện không có mía để ép trong vụ tới, buộc phải tính chuyện chuyển dời nhà máy đi nơi khác?

Có dư luận cho rằng, dời nốt phần còn lại của nhà máy lên An Khê, người ta sẽ xoá luôn chuyện "khó quyết toán" của phần mở rộng với số tiền 16 triệu euro dạo nào. Song, có một thực tế là, cây mía Quảng Ngãi đã bị dồn vào chân tường từ ba năm qua. Nếu như vụ mía 2004-2005, cả hai nhà máy đường ở Quảng Ngãi ép được 317 ngàn tấn mía thì sang vụ mía này chỉ ép được khoảng 240 ngàn tấn, dù giá mía năm nay được đẩy lên mức kỷ lục: 450 ngàn/tấn có 10 chữ đường.

Cách đây chừng 4-5 năm, về vùng nông thôn Quảng Ngãi, đi đâu cũng gặp mía, bây giờ thì thấy toàn cây mì (sắn). Diện tích mía liên tục co lại. Toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện còn khoảng trên 6 ngàn hécta mía. Nhà máy đường thì đưa ra đủ các giải pháp để giữ chân người trồng mía nhưng họ vẫn quay lưng lại với nhà máy. Với chính sách khuyến nông như hiện nay, năng suất mía vẫn giẫm chân ở mức 40tấn/ha thì trồng mía là lỗ, kể cả lúc giá mía được đẩy lên 450.000đ/tấn như hiện nay.

Với những lý do trên, việc không đủ mía ép trong vụ tới là chuyện tất nhiên. Công việc "tiếp tục sự nghiệp mía đường" ở Quảng Ngãi sẽ giao lại cho Nhà máy đường Phổ Phong (Đức Phổ - cũng thuộc Cty đường Quảng Ngãi) đảm nhận. Chỉ có điều, trên 300 công nhân của Nhà máy đường Quảng Phú thì khó lòng rứt áo lên An Khê để lập nghiệp.