"Chết" vì thói quen!
Các Website khác - 30/12/2005

"Chết" vì thói quen!

Thông thường, sau ngày 23.10 âm lịch hàng năm là kết thúc mùa lũ lụt ở miền Trung. Kinh nghiệm từ nghìn đời đã tạo thành thói quen cho người nông dân rằng, cứ sau ngày ấy là bắt đầu gieo sạ vụ đông xuân.

Năm nay cũng vậy. Bão số 8 và những trận lụt trắng đồng sau đó đã góp phần làm cho người nông dân chủ quan hơn, và cũng thêm một lời khẳng định cho họ về những kinh nghiệm lâu nay đã đúng. Nghĩa là, trời đã... hết nước!

Nhưng không, trận lụt vừa qua đã làm hại không biết bao người vì nhanh chân xuống giống cho đúng lịch gieo sạ mà ngành nông nghiệp quy định. Thống kê sơ bộ cho thấy, các tỉnh miền Trung, sau cú "trời giáng" này, mỗi tỉnh mất ít nhất là 1.000 tấn lúa giống. Có những nơi như Minh Long, Nghĩa Hành (Quảng Ngãi), Tuy Phước, Phù Cát (Bình Định) đã gieo sạ đến lần thứ ba mà vẫn không được.

Để gỡ bí, mỗi tỉnh đã móc hầu bao từ 3-5 tỉ đồng để giúp nông dân gieo sạ lại. Do không tiên liệu hết cú bất thần của ông trời, ngành nông nghiệp không chuẩn bị giống dự phòng nên nông dân ở nhiều nơi buộc phải sạ thóc thịt, dẫu biết sạ loại thóc này sẽ không hiệu quả.

Ngược thời gian chừng 15 năm về trước sẽ không thể xảy ra tình trạng vừa kể. Bởi vì lúc bấy giờ, người nông dân chưa có thói quen gieo trực tiếp mà thường là gieo mạ trên đất gò rồi mới cấy.

Những tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp như việc sạ lúa thay cho cấy đã được người nông dân tận dụng triệt để mười mấy năm qua. Thói quen tai hại này đã được ngành nông nghiệp khuyến khích nên mới dẫn đến kết cục vừa kể. Giá như biết tình hình thời tiết năm nay không thuận lợi, ngành nông nghiệp hướng dẫn nông dân gieo mạ như ngày trước thì chắc chắn sẽ không phải sạ đi sạ lại 2-3 lần, tốn kém mà không hiệu quả.

Trần Đăng