Công ty giầy Thăng Long duy trì hay giải thể?
Các Website khác - 12/08/2005
Việc đầu tư thiếu tính toán, lãng phí và những yếu kém trong quản lý của ban lãnh đạo đã làm một doanh nghiệp hàng đầu của ngành da giầy Việt Nam đang đứng bên bờ vực phá sản. Hơn 500 cán bộ, công nhân bị cho thôi việc trái quy định vẫn chưa được đền bù thỏa đáng.
Quyền lợi chưa được giải quyết, người lao động bức xúc

Từng là con chim đầu đàn trong ngành da giầy, là niềm mơ ước của nhiều người lao động có được một chỗ đứng chân trong công ty, nhưng chỉ trong vòng ba năm (2001-2004), Công ty Giầy Thăng Long (Bộ Công nghiệp) đã lâm vào tình cảnh nợ nần chồng chất, hơn một nghìn công nhân phải nghỉ việc không lương.

Báo Nhân Dân đã có bài viết trong mục “Điều tra qua thư bạn đọc”, số ra ngày 8-11-2004, nhan đề "Doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, người lao động chịu thiệt, Nhà nước gánh hậu quả" phản ánh những yếu kém trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng người lao động và việc đầu tư thiếu tính toán, lãng phí của ban lãnh đạo Công ty Giầy Thăng Long là nguyên nhân chủ yếu đẩy công ty này đến bên bờ vực phá sản và quyết định trái quy định của giám đốc Nguyễn Ngọc Nghiêm cho thôi việc hơn 500 cán bộ, công nhân.

Sau khi báo phát hành, trước sức ép của dư luận, ông Nghiêm và ban lãnh đạo công ty đã buộc phải tổ chức một cuộc họp với người lao động để công khai xin lỗi tập thể người lao động về quyết định sai trái của mình và hứa sẽ hoàn trả tiền đền bù lương theo đúng quy định của Bộ luật Lao động, hạn trả là cuối tháng 12-2004, đồng thời bố trí việc làm cho những người có nguyện vọng được trở lại làm việc. Nhưng sau đó, ông Nghiêm bị đình chỉ chức vụ giám đốc để kiểm điểm làm rõ trách nhiệm trong việc để công ty liên tục thua lỗ (quyết định do Thứ trưởng Công nghiệp Bùi Xuân Khu ký ngày 29-11-2004). Người thay thế vị trí của ông Nghiêm là ông Vũ Hồng Phong, Phó Giám đốc công ty. Ông Phong cũng tổ chức một cuộc họp với người lao động với mục đích là xin lùi thời hạn trả tiền đền bù lương đến cuối tháng 6-2005 và đề nghị giảm mức đền bù từ 100% tiền lương cơ bản xuống còn 75%. Thông cảm với những khó khăn của công ty, số đông người lao động đã đồng ý.

Thế nhưng mới đây, báo Nhân Dân tiếp tục nhận được đơn thư phản ánh của một số người lao động với nội dung: Công ty đã dùng diễn đàn đại hội đại biểu CNVC để phủ quyết toàn bộ nội dung thoả thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động như kể trên. Cụ thể là: tại diễn đàn đại hội đại biểu CNVC công ty, ngày 24-6-2005, dưới sự điều khiển Chủ tịch Công đoàn Bùi Hồng Ánh, đã đưa ra vấn đề biểu quyết không trả tiền lương cho những người ngừng việc từ tháng 4-2004.

Nhiều ý kiến cho rằng đây là việc làm "không thể chấp nhận được" bởi vì việc sử dụng diễn đàn đại hội CNVC để phủ quyết kết quả thương lượng đã đạt được trong tranh chấp lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động là trái với Luật Công đoàn, Bộ luật Lao động. Ông Thể, một trong những người làm việc tại công ty ngay từ ngày đầu thành lập, bức xúc: "Chẳng lẽ những lời hứa từ phía những người có trách nhiệm cao nhất của công ty chỉ là lời hứa suông!". Rằng: Chính họ đã đẩy chúng tôi ra đường. Tám tháng bị mất việc bất ngờ chỉ bằng một quyết định truyền miệng. Có gia đình cả hai vợ chồng cùng làm tại công ty, cùng bị mất việc, cuộc sống gặp biết bao khó khăn. Bao nhiêu năm làm việc cho công ty, nay bị bỏ rơi một cách không thương xót. Với chức năng nhiệm vụ của mình, lẽ ra tổ chức công đoàn công ty phải đứng ra bảo vệ quyền lợi cho người lao động thì ở đây lại làm ngược lại.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi về vấn đề nêu trên, ông Nguyễn Ngọc Nghiêm khẳng định: "Hoàn toàn không có chuyện chúng tôi dùng diễn đàn đại hội CNVC để phủ quyết những cam kết trước đó về trả tiền trợ cấp ngừng việc cho người lao động. Nhưng hiện nay do vấn đề tài chính của công ty quá khó khăn, cho nên chúng tôi xin lùi thời hạn trả đến cuối tháng 12-2005. Nếu quá thời hạn này, tôi xin chịu mọi hình thức kỷ luật”.

Cũng về việc này, Chủ tịch Công đoàn Bùi Hồng Ánh cho rằng, người lao động đã có sự hiểu lầm khi kết luận đại hội CNVC phủ quyết những vấn đề người lao động đã đạt được trong thoả thuận với hai giám đốc. Trên thực tế, đại hội chỉ nêu kiến nghị và đi đến biểu quyết những trường hợp người lao động đăng ký nghỉ chờ giải quyết chế độ, người lao động không trở lại làm việc hoặc công ty bố trí công việc khác nhưng không nhận.

Ông Nguyễn Bá Mộc, Trưởng ban Chính sách kinh tế - xã hội (Công đoàn Công nghiệp Việt Nam) xác nhận: Đúng là tình hình tài chính của Giầy Thăng Long hiện nay quá khó khăn, lương cán bộ, công nhân đang làm việc bị giảm xuống còn rất thấp. Tết Nguyên đán 2004, công đoàn ngành phải trợ cấp cho công ty để người lao động có tiền ăn Tết.

Vì sao ông Nguyễn Ngọc Nghiêm được trở lại vị trí giám đốc?

Cùng với những than phiền về chế độ, quyền lợi chưa được được bảo đảm, thì việc trở lại vị trí giám đốc của ông Nghiêm cũng gây thắc mắc trong dư luận tại công ty. Sau khi "kiểm điểm làm rõ trách nhiệm" của giám đốc trong việc để công ty liên tục thua lỗ do chính giám đốc tự kiểm điểm và hội đồng kỷ luật lại là những người dưới quyền giám đốc, thì một bản kiến nghị xử lý kỷ luật ở mức độ khiển trách đối với giám đốc Nguyễn Ngọc Nghiêm đã được trình lên Bộ Công nghiệp. Kết quả là Bộ Công nghiệp đã quyết định kỷ luật giám đốc Nguyễn Ngọc Nghiêm bằng hình thức cảnh cáo. Có nhiều ý kiến thắc mắc: Vì sao ông Nghiêm có sai phạm, đã bị đình chỉ chức vụ giám đốc mà tổ chức Đảng ở đây không xem xét và có hình thức kỷ luật nào về Đảng? Phải chăng vì ông Nghiêm là Bí thư Đảng uỷ công ty, cho nên Đảng uỷ không làm việc đó?

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, khi ông Nghiêm bị đình chỉ chức vụ giám đốc thì người được Bộ Công nghiệp chỉ định thay thế vị trí giám đốc là ông Vũ Hồng Phong, Phó Giám đốc công ty. Sau bốn tháng (từ tháng 12-2004 đến 3-2005) ngồi ở vị trí giám đốc trong tình thế "lửa vây chung quanh", ông Phong quyết định xin thôi giữ chức giám đốc với lý do sức khoẻ yếu. Trước tình hình đó, Bộ Công Nghiệp yêu cầu ông Nghiêm trở lại vị trí giám đốc để gánh vác trách nhiệm, sửa chữa sai lầm, khuyết điểm. Điều này khiến dư luận hiểu rằng việc Bộ Công Nghiệp xem xét kỷ luật ông Nghiêm chỉ là hình thức.

Công ty giầy Thăng Long nên duy trì hay giải thể?

Hiện nay, tình hình hoạt động của công ty Giầy Thăng Long vô cùng ảm đạm. Số lượng đơn đặt hàng ngày càng khan hiếm, trong khi từ trước đến nay công ty chủ yếu sản xuất giầy gia công xuất khẩu. Ngân hàng không cho vay. Công nhân thiếu việc làm trầm trọng, chỉ cầm cự được nhờ làm giầy thể thao cho thị trường trong nước. Tại Hà Nội, hiện còn khoảng 400 cán bộ, công nhân, nhưng nhiều người đến nhà máy chỉ để "ngồi chơi xơi nước". Tại Thái Bình, từ chỗ hơn 1000 người, nay chỉ còn 350 người. Thế mà mỗi tháng cũng chỉ có việc trong khoảng 15-20 ngày. Lương trung bình có tháng chỉ còn hơn 100 nghìn đồng. Nợ bảo hiểm xã hội từ tháng 6 - 2003 chưa trả được. Năm 2004, công ty tiếp tục làm ăn thua lỗ, tăng tổng số lỗ lên hơn 33,6 tỷ đồng. Nợ ngân hàng và ngân sách lên tới hơn 80 tỷ đồng. Nhiều ý kiến, trong đó có cả của cán bộ, công nhân nhà máy cho rằng, Công ty Giầy Thăng Long không còn giải pháp nào hơn là giải thể vì càng duy trì càng chìm đắm trong nợ nần. Theo quy định của Luật phá sản thì Công ty Giầy Thăng Long cũng đã đủ điều kiện để tuyên bố phá sản. Tuy nhiên, nếu làm như vậy thì hàng trăm người lao động đi đâu, làm gì với hai bàn tay trắng? Ông Mộc, Trưởng ban Chính sách kinh tế - xã hội (Công đoàn Công nghiệp Việt Nam) và ông Thảo, Vụ trưởng Tổ chức - cán bộ Bộ Công nghiệp cùng chung ý kiến: Giải thể một doanh nghiệp thì dễ nhưng vấn đề quan trọng là việc làm cho người lao động, nhất là nó nằm trên địa bàn thủ đô.

"Cho dù chỉ còn một tia hy vọng thôi chúng tôi cũng sẽ cố gắng vực dậy công ty" - ông Nghiêm quả quyết. Chúng tôi đang cố gắng tìm cách để đủ điều kiện cổ phần hóa. Khi đó người lao động dôi dư được giải quyết chế độ theo Nghị định 41 của Chính phủ là có lợi hơn. Sau cổ phần hoá , chúng tôi sẽ tiến hành sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh giản xuống còn khoảng 900 người ở cả ba khu vực: Hà Nội, Thái Bình và Hải Dương. Ông Nghiêm cũng cho biết thêm, công ty đã tìm được đối tác liên doanh liên kết nhằm chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại 411 Nguyễn Tam Chinh (Hà Nội) và khả năng chắc chắn sẽ thu được 13,5 tỷ đồng. Mặt khác, công ty phát triển thị phần trong nước, coi đây là nguồn sống chủ yếu trong thời điểm hiện nay.

Qua cách nói của giám đốc Nguyễn Ngọc Nghiêm thì cho dù công ty còn rất nhiều vấn đề khó khăn chưa được giải quyết nhưng vẫn chưa phải hoàn toàn bế tắc. Một khi doanh nghiệp còn thì cơ hội có việc làm của người lao động vẫn còn, và chế độ, quyền lợi cho người lao động sẽ dần được giải quyết. Sử dụng giải pháp nào để giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc ở Công ty Giầy Thăng Long? Đề nghị ban lãnh đạo công ty và Bộ Công nghiệp sớm khẳng định câu trả lời, giữ đúng lời hứa với người lao động và quan trọng hơn là nhanh chóng tổ chức thực hiện sản xuất – kinh doanh có hiệu quả.

Nguyễn Anh Thơ