* Cuộc sống đã chấp nhận Luật Đất đai ra sao, thưa ông?
- Theo tôi, Luật Đất đai 2003 đã được cuộc sống chấp nhận và mang lại hiệu quả rõ rệt. Điều dễ nhận thấy nhất là đã giảm hẳn tình trạng đầu cơ, mua bán đất đai lộn xộn, giảm hẳn cái cảnh “người người, nhà nhà” đổ xô vào mua bán, tích trữ đất đai; đã hạ cơn “sốt” về giá đất, ở nhiều khu vực, giá đất đã chững lại và giảm xuống. Trước khi có Luật Đất đai 2003, nhiều vấn đề vướng mắc trong các quan hệ về đất đai không được xử lý, nhưng sau khi có Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, chúng ta đã xử lý được hầu như toàn bộ các tồn tại đó. Quyền lợi chính đáng của người sử dụng đất được bảo đảm bằng pháp luật, người dân đã có thể yên tâm về quyền sử dụng đất của mình.
* Trong hơn một năm thực hiện Luật, điều gì khiến ông băn khoăn nhiều nhất?
- Băn khoăn lớn nhất của tôi là việc tổ chức thi hành Luật vẫn là khâu yếu kém và có mặt trì trệ. Thí dụ như, chúng ta mong muốn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân càng sớm càng tốt, nhưng cho đến nay việc cấp giấy vẫn còn chậm.
Bên cạnh đó, các thủ tục hành chính về đất đai, mặc dù đã được đơn giản hóa để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, nhưng nhiều khi các cán bộ, công chức thực hiện lại vẫn gây phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân. Công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, cấp xã còn chậm. Việc thu hồi đất không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, không đúng tiến độ theo quy định của Luật Đất đai tuy có làm, nhưng diện tích đất thu hồi được vẫn còn nhỏ so với diện tích đất trong diện phải thu hồi.
* Tiến độ cấp sổ đỏ cho người dân còn chậm là do nguyên nhân gì?
- Việc cấp sổ đỏ chậm có nguyên nhân là bộ máy quản lý đất đai ở cấp huyện và cơ sở có mặt còn bất cập so với khối lượng công việc. Bên cạnh đó, thực hiện việc này cũng tốn kém, nhưng nhiều địa phương chưa chú ý bố trí kinh phí phù hợp.
Một nguyên nhân khác cũng rất quan trọng là, với giá đất mới, nhiều hộ thực sự có khó khăn khi phải nộp tiền sử dụng đất. Riêng tại Hà Nội, sau 10 năm thực hiện bán Nhà thuộc sở hữu nhà nước theo Nghị định 61/CP, mới chỉ bán được 45% số căn hộ trong diện bán. Hiện vẫn còn hơn 86.000 căn hộ, nhưng không bán được, do vấn đề giá đất. Tôi đã ký văn bản trình Chính phủ cho thực hiện theo giá đất ngày 1-7-2004 để xử lý tình hình này. Hy vọng sẽ được Chính phủ chấp nhận và ban hành sớm.
* Theo đánh giá của ông, hiện tượng thị trường bất động sản trầm lắng như hiện nay có gây thiệt hại gì cho sự phát triển kinh tế?
- Thị trường bất động sản trầm lắng tất nhiên là có tác động tiêu cực đến nền kinh tế, nhất là đối với các hoạt động đầu tư, tài chính, tín dụng. Nhưng đó là cái giá phải trả của việc trong thời gian dài chúng ta đã buông lỏng quản lý thị trường bất động sản.
Chúng ta chỉ có hai con đường để lựa chọn: Thứ nhất là cứ để tình trạng đầu cơ đẩy giá đất “nóng” như vừa qua và có được một thị trường bất động sản “sôi động”, nhưng hậu quả tai hại thì đã rõ. Thứ hai là chống đầu cơ, hạ cơn sốt về giá đất và thị trường bất động sản sẽ tạm thời “nguội lạnh”, nhưng đi vào trật tự và lành mạnh. Chúng ta đã chọn con đường thứ hai và đã thấy trước thị trường bất động sản sẽ chững lại.
* Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, nguyên nhân sự trầm lắng của thị trường bất động sản là do Nghị định 181 không cho phép phân lô bán nền. Ông có bình luận gì về ý kiến này?
- Mục đích của việc cấm phân lô bán nền là nhằm giữ được quy hoạch và kiến trúc khu đô thị. Trước đây, nhiều dự án phân lô bán nền, có người xây nhà ở, có người không xây hoặc xây không đúng quy hoạch kiến trúc, xây dựng lộn xộn làm mất thẩm mỹ của khu đô thị. Thậm chí, mặc dù quy hoạch là khu dân cư, nhưng có người lại đem xây dựng cả cơ sở sản xuất ở trong đó, làm biến dạng khu đô thị. Vì vậy, mới cấm việc phân lô bán nền.
* Vậy theo ông, thị trường bất động sản có thể sớm sôi động trở lại trong thời gian tới không?
- Sôi động như thế nào? Nếu là sôi động với đầy rẫy những hoạt động đầu cơ, mua bán lộn xộn như trước đây thì không bao giờ lặp lại nữa. Tôi tin là trong thời gian tới, thị trường bất động sản sẽ “ấm” lên, nhưng là ấm từ từ. Đó là do “cầu” về bất động sản ngày càng tăng. “Cầu” là yếu tố quyết định sự sôi động của bất cứ loại hàng hóa nào trên thị trường. Kinh tế phát triển đòi hỏi phải có hạ tầng tương ứng, phải tăng thêm các khu công nghiệp, dịch vụ, tăng nhà xưởng, kho tàng, khách sạn… Thu nhập của người dân tăng lên thì nhu cầu cải thiện về nhà ở cũng sẽ tăng. Đó là cơ sở để thị trường bất động sản không những sẽ “ấm” lên, mà còn phát triển lành mạnh.
|