Ngay sau khi chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm ngoái được công bố, với vị trí cuối bảng, Hà Tây đã lập tức yêu cầu các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh rà soát những quy định, thủ tục hành chính cản trở môi trường đầu tư với quyết tâm làm một cuộc "lột xác".
Cải thiện năng lực cạnh tranh phụ thuộc nhiều vào nhận thức của tỉnh. (Haiphongport.com) |
Nằm kề phía Nam của Hà Nội và là nơi tập trung của hơn 200 làng nghề truyền thống, Hà Tây được đánh giá là có không ít điều kiện thuận lợi. Tuy nhiên, trong số 42 tỉnh thành được điều tra, Hà Tây chỉ đứng ở vị trí cuối cùng do đạt điểm thấp ở hầu hết mọi phương diện, đặc biệt là ở hai chỉ số tính năng động và tiếp cận đất đai.
10 ngày sau khi PCI được công bố, Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tây đã ra một nghị quyết đề cập tới vị trí cuối bảng xếp hạng của mình và yêu cầu tất cả các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh kiểm điểm làm rõ những mặt hạn chế, thiếu sót trong việc lãnh đạo, hay những quy định, thủ tục hành chính không phù hợp làm xấu đi môi trường đầu tư.
Sau đó 4 ngày, để thực hiện có hiệu quả nghị quyết trên, Hà Tây đã triệu tập cuộc họp nhằm biến kế hoạch tổ chức thực hiện cho các cơ quan, ban, ngành của tỉnh. Chưa đầy hai tháng sau khi được yêu cầu rà soát các văn bản quy định, chính sách căn cứ vào tiêu chí của PCI, UBND tỉnh Hà Tây đã tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp. Tại hội nghị, Hà Tây đã lần đầu tiên công bố bản báo cáo của UBND tỉnh về thực trạng và các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh ở Hà Tây và cũng như lộ trình cam kết thực hiện.
Ý thức cầu thị của tỉnh Hà Tây đã thực sự gửi một bức thông điệp tới các nhà đầu tư. Lãnh đạo tỉnh đã cho thấy quyết tâm thực hiện một cuộc lột xác thực sự. Nhờ vậy, các doanh nghiệp và nhà đầu tư đã yên lòng hơn khi tới làm ăn tại nơi đây. Kết quả là trong năm ngoái, toàn tỉnh Hà Tây đã thu hút được 1.230 tỷ đồng vốn đầu tư, tăng hơn 30%. Đáng chú ý là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã tăng tới 80% về dự án và 260% về số vốn. Hiện một loạt các dự án khác đang chờ được vào Hà Tây với tổng số vốn hàng ngàn tỷ đồng và trăm triệu USD.
Ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp VN kể, đã có trường hợp, sau khi chỉ số PCI được công bố, lãnh đạo của một số tỉnh đã phản ứng rất gay gắt và chỉ trích rằng đã có sai sót trong quá trình điều tra mà không tự xem xét lại thực trạng của tỉnh mình.
Quan trọng là nhận thức của tỉnh
Một số tỉnh khác như An Giang, Tiền Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Nam ngay sau khi chỉ số PCI được công bố đã mời các chuyên gia của dự án về để tìm hiểu thêm về chỉ số cạnh tranh và xin tư vấn các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh. Hiện, nhiều chương trình đánh giá, cải thiện môi trường kinh doanh đang được triển khai tại một số tỉnh như An Giang, và Bắc Ninh...
Câu chuyện Hà Tây và một vài tỉnh trên đây một lần nữa chứng minh ý kiến của các chuyên gia, rằng điều quan trọng vẫn là nhận thức và quyết tâm của lãnh đạo các tỉnh. "Tất cả các tỉnh, thành trên cả nước đều sống chung trong một môi trường chính sách với cùng một khuôn khổ pháp lý. Cải thiện năng lực cạnh tranh được hay không phụ thuộc nhiều vào tư duy và nhận thức của các lãnh đạo", bà Phạm Chi Lan, thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng nói. Theo bà, có hai loại quản lý: quản lý để quản lý và quản lý để phát triển. Nếu xác định là quản lý để phát triển có nghĩa tỉnh sẽ phải tìm mọi cách tạo điều kiện để việc phát triển được dễ dàng.
Chia sẻ quan điểm trên, song Trưởng ban Kinh tế vĩ mô (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) Nguyễn Đình Cung cho rằng vẫn không thể tách rời vai trò của tỉnh với vai trò của trung ương. "Chừng nào còn tồn tại cơ chế xin - cho, tức là người ta còn có thể giải quyết công việc thông qua các mối quan hệ thì khi đó các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh sẽ khó thành công", ông Cung nhấn mạnh.
Hiện nay nhóm nghiên cứu lại tiếp tục chuẩn bị cho một đợt khảo sát PCI của năm 2006. Ông Huỳnh cho biết, điều tra PCI năm nay sẽ mở rộng quy mô lên đến 64 tỉnh, thành phố trong danh sách xếp hạng. Số lượng doanh nghiệp điều tra qua phiếu điều tra do vậy sẽ tăng lên trên 30.000 doanh nghiệp. Về phương pháp, nhóm nghiên cứu dự kiến phát triển thêm một số chỉ số thành phần cho PCI 2006 bên cạnh 9 chỉ số thành phần năm ngoái như thiết chế pháp lý/giải quyết tranh chấp và sự tham gia của doanh nghiệp
Hà Vy
▪ Giới thiệu dự thảo Luật Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (14/01/2006)
▪ Tin kinh tế ngày 14.1 (14/01/2006)
▪ Xây đường hầm trước Khu chế xuất Linh Trung 1 (14/01/2006)
▪ Đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương (14/01/2006)
▪ Hơn 30.000 DN tham gia đánh giá chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (14/01/2006)
▪ Miền Bắc: Hàng vạn hécta lúa đông xuân thiếu nước (14/01/2006)
▪ Báo động tình trạng hàng giả, hàng lậu (14/01/2006)
▪ Cổ phần hoá DNNN năm 2006 thuận lợi hơn (14/01/2006)
▪ Rau an toàn... vướng đầu ra! (14/01/2006)
▪ Thất thoát nhiều tỷ đồng vốn từ trái phiếu, ODA (14/01/2006)