Cổ phần hoá DNNN năm 2006 thuận lợi hơn
Các Website khác - 14/01/2006
Phó trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển DN Hồ Xuân Hùng:
Cổ phần hoá DNNN năm 2006 thuận lợi hơn

Năm 2005, cả nước đã sắp xếp đổi mới được 933 doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trong đó cổ phần hoá (CPH) 693 DNNN, chiếm 77,2% số DN sắp xếp, giao bán 44 DNNN. Xung quanh vấn đề đổi mới và phát triển DN, ông Hồ Xuân Hùng (ảnh) - Phó trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN cho biết:

- Năm 2005 đã có những DN quy mô vừa và lớn đã CPH, như: Cty khoan và dịch vụ dầu khí; các nhà máy điện: Sông Hinh - Vĩnh Sơn, Thác Bà, Phả Lại; Cty giấy Tân Mai; Cty vận tải xăng dầu đường thuỷ I...

Việc CPH một số DN quy mô lớn, Nhà nước giữ cổ phần chi phối đã thu hút được nhiều vốn từ xã hội, tạo điều kiện đổi mới công nghệ, thay đổi phương thức tổ chức quản lý nâng cao hiệu quả hoạt động...

Tuy nhiên, CPH DNNN so với yêu cầu đổi mới vẫn còn chậm. Việc thu hút các cổ đông ngoài DN còn hạn chế. Nhà nước còn chiếm tỉ trọng lớn trong vốn điều lệ ở nhiều DN đã làm hạn chế sự đổi mới trong quản trị Cty, phương pháp quản lý, lề lối làm việc, tư duy quản lý vẫn còn như DNNN.

- Kế hoạch đổi mới sắp xếp DNNN năm 2006 có điểm gì mới, thưa ông?

- Trước hết sẽ chuyển các DN nhà nước giữ 100% vốn sang hoạt động theo Luật DN chung. Thu hẹp tối đa diện Nhà nước độc quyền; xoá bỏ độc quyền DN. Có cơ chế giám sát và chính sách điều tiết đối với những DN có vị thế độc quyền kinh doanh... Năm 2006 sẽ sắp xếp khoảng 900 DNNN, trong đó khoảng 600 phải CPH.

Theo phương án, dự kiến đến cuối năm 2006 cả nước chỉ còn khoảng 1.800 DNNN giữ 100% vốn; 900 DNNN đã CPH nhưng Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối; 700 DNNN đã CPH nhưng Nhà nước không giữ cổ phần chi phối và có khoảng 500 DN cổ phần mới thành lập có đầu tư vốn của Nhà nước, 8 tập đoàn và 93 tổng Cty nhà nước.

Một số nhà máy điện cũng sẽ được
cổ phần hoá.
- Những DN có điều kiện CPH dễ dàng thì hầu hết đã làm xong việc này. Những DNNN nằm trong diện còn lại, đều trong diện "khó CPH", căn cứ vào đâu có thể "lạc quan" với số lượng DN sẽ phải sắp xếp và CPH trong năm 2006, thưa ông?

- Chúng tôi tin tưởng khi đặt ra chỉ tiêu sắp xếp và CPH các DNNN trong năm 2006, là bởi: Thứ nhất, kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ CPH ở các địa phương đã tốt hơn. Thứ hai, đối tượng để sắp xếp đổi mới DN và CPH bây giờ đã tập trung hơn. Thứ ba, hành lang pháp lý đã chuẩn xác và phù hợp hơn, thủ tục thuận lợi hơn rất nhiều. Mặt khác, nhiều DNNN đang triển khai thực hiện CPH ngay từ năm 2005 và chuyển tiếp sang năm mới để hoàn thành thủ tục.

- Việc CPH những năm vừa qua tiến hành rất mạnh, nhưng "hậu" CPH đang xảy ra nhiều vấn đề phức tạp. Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển DN đã có những biện pháp gì để bảo vệ quyền lợi người lao động, quyền lợi các cổ đông?

- Vấn đề tranh chấp của các cổ đông trong DN CPH, tôi cho rằng đó là những tranh chấp tạo điều kiện để phát triển tốt, và không phải là điều đáng lo ngại. Còn những tranh chấp gây mâu thuẫn đối kháng, thì sẽ dẫn tới những hậu quả tất yếu.

"Hậu" CPH là vấn đề rất lớn đang đặt ra các yêu cầu phải giải quyết. Để giải quyết vấn đề "hậu" CPH, điều chúng ta cần phải làm là thực hiện Luật DN chung mới được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ 1.7.2006. Khi đó, các văn bản hướng dẫn DN đều theo một lợi ích, thì những vấn đề phức tạp của "hậu" CPH sẽ được sàng lọc cơ bản.

Các vấn đề tồn tại của CPH: Đất đai của DN sau CPH; kiểm kê đánh giá lại tài sản DN cổ phần; vướng mắc về chính sách tài chính, tiền hậu kiểm khi xuất nhập khẩu (XNK), hoàn thuế VAT, hoàn thuế NK, XK. Những cam kết về tài sản tồn đọng, dư thừa khi CPH còn triển khai rất chậm... Chúng tôi đã phản ánh đầy đủ tới Chính phủ, kiến nghị các cơ quan chức năng tập trung giải quyết tháo gỡ cho DN, nhằm tạo cho DN hoạt động thuận lợi.

- Xin cảm ơn ông!

Công Thắng thực hiện