Cước vận tải tăng theo giá xăng
Các Website khác - 18/08/2005
ợcghgkhj
Cước vận tải hàng hóa leo thang.

Ngay sau khi có thông báo điều chỉnh giá xăng dầu, các đơn vị vận tải hành khách liên tỉnh ở Bến xe Miền Đông đã triệu tập cuộc họp khẩn để tìm biện pháp đối phó. Giải pháp cuối cùng được các doanh nghiệp đồng ý là sẽ đồng loạt tăng 8% giá vé trên tất cả các tuyến xe khách kể từ đầu tháng 9.

Ông Nguyễn Nam Sơn, Giám đốc Bến xe Miền Đông, cho biết, mức giá này thực chất đã được các doanh nghiệp thống nhất ngay sau đợt tăng giá xăng dầu hồi tháng 7, nhưng chưa áp dụng. Dự kiến sẽ áp dụng từ 1/9. Mức tăng này chỉ để bù đắp một phần cho chi phí nhiên liệu đội lên và hạn chế tình trạng lợi dụng làm giá với khách hàng. Tuy nhiên, trước tình hình tăng giá xăng hiện nay, Bến xe Miền Đông sẽ rút ngắn thời gian tăng giá, bắt đầu từ 20/8.

Theo Chủ tịch Hiệp hội taxi TP HCM Đinh Quang Hiền, các hãng taxi sẽ tiếp tục tính toán mọi nguồn chi phí sau đó sẽ có quyết định có tăng giá nữa hay không. Bởi đợt xăng dầu tăng giá xăng dầu hồi tháng 7, cước taxi tại TP HCM đã tăng 500 đồng/km. Ông cho biết, tại cuộc họp bàn gần đây, một số ý kiến đã bày tỏ nên đưa ra mức giá cao hơn để có thể theo kịp với giá xăng dầu liên tục tăng như hiện nay, tuy nhiên, hiệp hội đã không đồng ý. Bởi mỗi lần tăng giá như vậy, các doanh nghiệp taxi lại phải kiểm định lại đồng hồ tính cước, xe lại mất thời gian nên chi phí cho mỗi lần như vậy chiếm một khoản không nhỏ.

Sáng nay, tại Hà Nội, Hiệp hội vận tải VN cũng đã quyết định tổ chức lấy ý kiến của một số đơn vị kinh doanh vận tải. Trao đổi với VnExpress, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải VN Nguyễn Võ Liễu, cho biết, 2 lần tăng giá trước, các doanh nghiệp đã cắt giảm tối đa mọi khoản chi phí để kìm chế giá. Tuy nhiên, lần điều chỉnh này, khả năng tiết kiệm chi phí để bù giá không còn, nhiều doanh nghiệp vận tải thành viên đã bắt đầu căn cứ vào giá xăng dầu để bù đắp một phần chi phí do nhiên liệu bị đội lên.

Trước đó, Cục Đường Bộ VN cũng cho phép, trong trường hợp không thể bù đắp được chi phí hoạt động, doanh nghiệp vận tải được phép tăng giá cước không quá 8% so với mức hiện tại. Tuy nhiên, theo tính toán của ông Liễu, trong bối cảnh hiện nay, khả năng kìm chế mức tăng giá dưới 8% là khó. Vấn đề còn lại là các doanh nghiệp cần lắng nghe ý kiến của khách hàng và khả năng họ chấp nhận được mặt bằng giá mới đến đâu để có cách điều chỉnh phù hợp.

Kịch bản tăng giá các mặt hàng thiết yếu theo xăng dầu cũng nằm trong dự đoán của các chuyên gia Bộ Tài chính. Sau điện, than, xi măng, đánh bắt xa bờ, vận tải là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng, việc chi phí bị đội lên dẫn đến giá tăng là chuyện khó tránh khỏi. "Tuy nhiên, tốc độ tăng giá vẫn phải nằm trong tầm kiểm soát của cơ quan quản lý và được đông đảo người dân chấp nhận", ông nhấn mạnh.

Việt Hòa - Hồng Anh