Các chuyên gia kinh tế nhận định việc nâng lãi suất cơ bản huy động vốn lên 14% là đúng đắn vào thời điểm này nhằm kiềm chế lạm phát. Còn các ngân hàng vẫn xem xét động tĩnh nhau trước khi áp dụng mức lãi suất mới.
> Tăng lãi suất cơ bản VND, giữ biên độ tỷ giá
Chuyên gia kinh tế, ông Trần Bá Tước nhận định, nâng lãi suất cơ bản là hợp lý. Với đà lạm phát như hiện nay, lãi suất tiết kiệm dương chưa thành hiện thực. Nếu kiểm soát được lạm phát, vấn đề lãi suất sẽ hạ nhiệt, còn ngược lại, tăng lãi suất không thể bắt kịp tốc độ lạm phát.
Về lý thuyết, ngân hàng có thể huy động vốn với mức lãi suất 20% một năm, gần bằng trần cho vay (21% một năm) nếu nhà băng đó cần tiền để đầu tư vào nguồn khác có khả năng sinh lợi cao hơn cho vay. Tuy nhiên, theo ông Tước, khả năng này khó xảy ra vì hiện các kênh đầu tư khác đang chững lại.
Hôm nay, lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam được nâng từ mức 12% lên 14% một năm. Ảnh: Hồng Phúc. |
Đồng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết thêm, thời gian qua, các nhà băng dùng biện pháp lãi suất thưởng, khuyến mãi, qua đó nâng lãi suất thực nhận cho khách hàng, nhằm tăng khả năng huy động vốn. Với việc điều chỉnh lần này, khả năng cuộc đua lãi suất giữa các ngân hàng là khó xảy ra, vì doanh nghiệp sẽ không chịu nổi lãi suất vay (vốn biến thiên cùng lãi suất tiền gửi). Nếu huy động nhiều vốn mà đầu ra hạn hẹp, nhà băng sẽ lâm vào tình cảnh khó khăn. Mức lãi suất hợp lý sẽ tùy thuộc vào chỉ số giá tiêu dùng, ông Doanh cho biết.
Một ý kiến khác cho rằng, khi trần cho vay là 18% một năm, ngân hàng đã "lách" bằng việc phát sinh thêm một số khoản phí nâng mức lãi suất cho vay thực lên 20-21% một năm. Như vậy, việc nâng lãi suất cơ bản lần này của ngân hàng Nhà nước có thể xem là hợp thức hóa các khoản phí trên. Về cơ bản, lãi suất huy động và cho vay không có gì thay đổi so với trước. Nếu nhà băng huy động lãi suất lên mức 17% một năm, khả năng thu lời rất ít.
Các ngân hàng cho hay sẽ điều chỉnh lãi suất trong thời gian sớm nhất, nhưng từ chối tiết lộ thông tin vì còn phải dò xét mặt bằng lãi suất mới ở các nhà băng bạn.
Tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn công thương Trần Thị Việt Ánh cho biết, chiều hôm qua Ban tổng giám đốc đã họp bàn và đưa ra biểu lãi suất huy động mới, dự kiến dao động ở 17% một năm. "Tuy nhiên, còn phải dò xét xem các ngân hàng bạn huy động ở mức nào để quyết định", bà Ánh cho biết.
Đại diện một ngân hàng tiết lộ, sau khi xem xét động thái ở các ngân hàng cổ phần cũng như quốc doanh như thế nào sẽ áp lãi suất mới ngay lập tức. Tuy nhiên, ngân hàng sẽ không nằm trong top dẫn đầu về lãi suất huy động, vì như thế sẽ bị cho là đang thiếu tính thanh khoản.
Ông Nguyễn Phước Thanh, Giám đốc ngân hàng ngoại thương Việt Nam, chi nhánh TP HCM cho biết, mức lãi suất mới của ngân hàng sẽ không quá cao nhưng cũng không thấp, nhằm giữ chân khách hàng cũ và thu hút thêm khách hàng mới.
Trong thời gian tới, khách hàng có thể nhìn vào lãi suất huy động vốn của ngân hàng mà đoán biết được nhà băng nào đang gặp khó khăn về thanh khoản. Khả năng, dòng vốn chạy từ ngân hàng này sang nhà băng khác sẽ xảy ra qua đợt điều chỉnh lãi suất cơ bản lần này của Ngân hàng Nhà nước, ông Thanh cho biết thêm.
Ngân hàng ACB, Oceanbank..., cũng chờ động thái ở các nhà băng khác, đánh giá tình hình trước khi chính thức áp dụng biểu lãi suất mới.
Hôm qua, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức nâng lãi suất cơ bản từ 12% lên 14%. Như vậy, lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại có giới hạn trần lên đến 21%, thay vì 18% như hiện nay.
Bạch Hường
▪ Không thể ham “lướt sóng” đô la (11/06/2008)
▪ Thị trường có thêm chấm xanh (09/06/2008)
▪ Trái phiếu doanh nghiệp BĐS: Lợi hay hại? (09/06/2008)
▪ Không phá giá VNĐ (07/06/2008)
▪ VN-Index giảm 5 tuần liên tiếp (06/06/2008)
▪ Tỷ giá USD lại “sốt ảo” - Người dân nên tỉnh táo (05/06/2008)
▪ "Nát óc" khi gửi tiền ngân hàng (04/06/2008)
▪ Để tiền không bị “chôn” trong vàng (03/06/2008)
▪ WB: VN không có thành tố của khủng hoảng tài chính (03/06/2008)
▪ VN-Index lùi sát mốc 400 điểm (02/06/2008)