VN-Index lùi sát mốc 400 điểm
Các Website khác - 02/06/2008

Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tuần mới, chỉ số VN-Index lùi sát ngưỡng 400 điểm sau khi mất thêm 6,16 trong phiên giảm điểm thứ 18 liên tiếp, xuống còn 407,94 điểm.

Nhà đầu tư tiếp tục ngồi nhìn chứng khoán rơi
Không một giải pháp mới được đưa ra để hỗ trợ thị trường trong ngày giao dịch đầu tiên của tháng mới; cuộc tọa đàm cuối tuần qua với các công ty chứng khoán về những giải pháp cứu thị trường kết thúc với nhiều ý kiến khác nhau về việc mở lại biên độ… được coi là những yếu tố góp phần đưa thị trường chứng khoán tiếp tục trượt sâu trong đà giảm điểm của chuỗi giảm kỷ lục từ giữa tháng 5 cho đến nay.

Sức cầu gần như không có trong khi các ngân hàng, công ty chứng khoán tiếp tục mạnh tay bán tháo các cổ phiếu cầm cố khiến giá chứng khoán không thể quay đầu tăng giá.

Hết thời gian khớp lệnh của đợt một, thị trường chỉ ghi nhận 509.900 đơn vị khớp lệnh với giá trị trên 19,6 tỷ đồng. Đà giảm giá của các cổ phiếu, chứng chỉ quỹ càng tăng khi lượng bán vẫn tới tấp được tung ra trong các phiên sau đó.

Kết thúc phiên giao dịch, trong số 154 mã niêm yết có 6 mã tăng giá, 10 mã đứng giá và không có giao dịch. 138 mã còn lại giảm giá với mức giảm mạnh, trong đó đa phần giảm sàn. VN-Index giảm 6,16 điểm (1,48%) xuống còn 407,94 điểm. Lượng giao dịch đat trên 10 triệu đơn vị nhưng có tới 9.006.000 đơn vị được chuyển nhượng theo hình thức giao dịch thỏa thuận.

Hôm nay là ngày giao dịch không hưởng quyền trả cổ tức năm 2007 bằng tiền mặt với tỷ lệ thực hiện là 5,115%/ mệnh giá (511,5 đồng/ cổ phiếu) của cổ phiếu DXV thuộc Công ty cổ phần Xi măng Vật liệu Xây dựng Xây lắp Đà Nẵng nên mã này được điều chỉnh giảm còn 10.300 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên trong thực tế mã này tăng trần trong phiên.

Các mã tăng giá khác có BT6 của Công ty cổ phần Bê tông 620 Châu Thới với mức tăng 700 đồng, lên 38.700 đồng/cổ phiếu. CII của Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM tăng 300 đồng lên 23.100 đồng/cổ phiếu trong khi LGC của Công ty cổ phần Cơ khi Điện - Lữ Gia cũng tăng 700 đồng, tạm đứng ở mức 44.800 đồng/cổ phiếu.

Cùng tăng ở mức 700 đồng có SGT của Khách sạn Sài Gòn đưa giá của mã này lên mức 38.900 đồng/cổ phiếu trong khi VPL của Công ty cổ phần Du lịch và Thương mại Vinpearl tăng 1.000 đồng, lên mức 114.000 đồng/cổ phiếu.

Hôm nay là ngày giao dịch không hưởng quyền thưởng cổ phiếu dành cho cổ đông hiện hữu của Công ty Cổ phần Khoáng sản Bình Định (mã BMC) để tăng vốn điều lệ, bổ sung vốn lưu động cho hoạt động sản xuất kinh doanh với tỉ lệ 5:2 nên mã này được điều chỉnh xuống còn 22.500 đồng/cổ phiếu.

Nhóm các cổ phiếu lớn như DHG, NKD, IMP, KDC, FPT, PVD, SGH, SJS, TAC, VIC, VNM vẫn là những mã có mức giảm mạnh nhất trong phiên hôm nay.

Lượng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trên sàn TP.HCM vẫn tiếp tục sụt giảm. Tuy nhiên lượng mua vào của họ vẫn cao hơn so với lượng bán ra.

Phiên này họ mua vào 70 mã các loại với tổng khối lượng trên 260.000 đơn vị. Các mã được mua vào nhiều có: VFMVF1 (65.500 chứng chỉ quỹ), DRC (20.000 cổ phiếu), HAS (23.100 cổ phiếu), SGT (69.100 cổ phiếu), SSI (10.950 cổ phiếu)...

Phiên thứ hai liên tiếp chỉ số HaSTC-Index trên sàn Hà Nội nằm dưới mốc 120 điểm và là phiên thứ 19 liên tiếp mất điểm. Diễn biến của sàn Hà Nội không có nhiều thay đổi so với các phiên trước đó. HaSTC-Index giảm 1,68 điểm (1,41%) xuống117,63 điểm. Lượng giao dịch ở mức thấp với trên 1,57 triệu đơn vị khớp, tương ứng giá trị trên 44 tỷ đồng.

Hôm nay là phiên chào sàn của 5 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Thuỷ sản Bạc Liêu (mã BLF) nâng tổng số mã niêm yết tại đây lên 138 mã. Kết thúc phiên giao dịch, BLF khớp lệnh ở mức bình quân 11.200 đồng/cổ phiếu với 212.500 đơn vị chuyển nhượng trong ngày giao dịch đầu tiên.

Phạm Tuyên