Doanh nghiệp cam chịu vòng kim cô “độc quyền”
Các Website khác - 17/12/2008

 

Sau nhiều lần thương lượng, đêm 15.12, tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAI), đơn vị chủ đầu tư trung tâm giết mổ gia cầm An Nhơn (TTAN) thực hiện cắt giảm công suất giết mổ từ 60.000 con gà/ngày đêm xuống còn 40.000 con/ngày đêm. Quyết định này gây ra không ít khó khăn cho nhiều doanh nghiệp, người chăn nuôi và đẩy giá gà tăng cao….

Những dây chuyền giết mổ gà tự động, phải tạm ngưng hoạt động. Ảnh chụp tối 15.12 tại TTAN. Ảnh: Hoàng Bảy

Lúc 21h đêm 15.12, lượng xe tải chuyển gia cầm vào TTAN giảm một phần ba so với mọi ngày. Bốn bảo vệ trực cổng thay nhau soi xét kỹ lưỡng từng xe gà đưa vào TTAN, họ cương quyết không để dư con gà nào vượt số lượng như đã quy định. Thi thoảng, có vài xe tải chở gà bị “dội” ngược ra, chủ hàng chạy đôn chạy đáo…

Thiệt đơn, thiệt kép

Giờ này, tại TTAN chỉ có cơ sở giết mổ Phạm Tôn hoạt động, vì số lượng gà sau khi bị cắt giảm vẫn còn tới trên 14.000 con/ngày đêm. Sáu cơ sở giết mổ còn lại là Nguyễn Gia, Mạnh Thắng, Long An, Mỹ Châu và Ngọc Hà, đơn vị nào ít thì bị “xén” 2.000 con, nhiều như Nguyễn Gia, Mạnh Thắng, Long An tới một phần hai công suất, từ 6.000 – 7.000 con xuống còn 3.500 con/ngày đêm nên buộc phải chờ cho đủ số lượng mới chạy nhằm tiết kiệm chi phí.

Ngồi thẫn thờ trước dây chuyền giết mổ gà tự động vừa mới đầu tư 1,7 tỉ đồng cách đây ba tháng, ông Nguyễn Xuân Minh, chủ cơ sở Nguyễn Gia rầu rĩ: “Gia đình tôi phải vay mượn, vét hết tài sản mua sắm máy móc nhưng giờ thì đành phải nghỉ chơi!”. Theo ông Minh: “Trước đây, trung bình mỗi tháng một đơn vị phải đóng trên dưới 100 triệu đồng tiền chi phí thuê mặt bằng, điện, xử lý môi trường. Nay số lượng gà bị cắt giảm, doanh thu tóp lại nhưng chúng tôi vẫn phải nộp đủ không thiếu một xu”.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Mạnh, chủ cơ sở Mạnh Thắng cũng không giấu nỗi bất bình, cho rằng việc cắt giảm sản lượng gà giết mổ sẽ đẩy doanh nghiệp vào con đường phá sản. Bởi theo ông Mạnh, tất cả cơ sở tại TTAN đã đầu tư hàng tỉ đồng vào dây chuyền giết mổ tự động, số công nhân bố trí 27 – 30 người phụ trách các khâu trong dây chuyền đã cố định, bây giờ giảm lượng gà thì từng ấy con người cũng phải túc trực, doanh nghiệp vẫn phải trả lương. “Một công nhân lãnh 100.000đ/đêm, mỗi tháng tổng cộng doanh nghiệp phải trả 90 triệu đồng tiền lương, giờ vẫn phải duy trì như vậy cho dù doanh số phải cắt giảm.

Lo thu tiền, ngó lơ đầu tư

Giá thịt gia cầm tăng

Thông tin TTAN cắt giảm công suất giết mổ phần nào tác động đến giá gia cầm trên thị trường thành phố. Bảng giá gà bán sỉ niêm yết tại TTAN tăng mạnh. Nếu như giá gà trắng hồi cuối tuần trước chỉ dao động ở mức 22.500 – 23.000đ/kg thì đêm 15.12 là 29.500đ. Mức giá này đến tay người tiêu dùng khoảng trên 50.000đ. Tương tự, giá gà màu cũng tăng từ 33.000 – 34.000đ/kg lên 40.000 – 42.000đ/kg… Hiện TTAN đang cung ứng khoảng 50% tổng sản lượng gà tiêu thụ cho TP.HCM và là nơi giết mổ tập trung duy nhất của thành phố.

Theo giải thích của SAI, việc cắt giảm sản lượng gà giết mổ tại TTAN nằm ngoài ý muốn vì hệ thống xử lý nước thải của TTAN đã bị quá tải. TTAN chính thức hoạt động từ tháng 5.2005, năng lực xử lý nước thải tại trung tâm này chỉ đủ đáp ứng cho số lượng gia cầm giết mổ khoảng 35.000 – 40.000 con. Tuy nhiên, hầu hết cơ sở đã đầu tư nâng cấp dây chuyền, tăng công suất, và đến nay con số đã vượt ngoài 60.000 con/ngày đêm. Việc doanh nghiệp nâng công suất giết mổ là theo nhu cầu thị trường và được SAI chấp nhận trong hợp đồng ký vào đầu mỗi năm. Bên cạnh đó, theo phản ánh của doanh nghiệp thì họ đã đóng tiền xử lý môi trường (nước thải) cho chủ đầu tư đều đặn. Lúc đầu là 100đ/con gà, sau tăng lên 120đ, thời điểm này là 150đ. Như vậy, nếu tính công suất giết mổ trung bình 50.000 – 60.000 con/ngày đêm, khoản phí xử lý nước thải mỗi năm TTAN thu được lên tới hàng tỉ đồng.

Thế nhưng, doanh nghiệp bức xúc số tiền phí đóng góp nói trên đã không được SAI đầu tư nâng cấp hệ thống thống xử lý nước thải. “Đến năm 2007 thì SAI mới chịu bỏ ra thêm 1,7 tỉ đồng xây dựng thêm một hệ thống xử lý nữa nhưng không hiểu sao vẫn chưa thấy hoạt động” – chủ một cơ sở cho biết. Một lãnh đạo tổng công ty SAI thừa nhận: “việc để xảy ra ô nhiễm là trách nhiệm của chủ đầu tư, nhưng đến nước này thì doanh nghiệp phải chấp nhận giảm công suất”. Theo vị lãnh đạo này, hợp đồng ký lại vào đầu năm 2009 tới đây chắc chắn sẽ phải bổ sung thêm hạn mức công suất cho từng cơ sở giết mổ.

Hoàng Bảy