Nhiều nhà đầu tư nước ngoài tỏ ra chán nản khi nói đến quá trình xin thủ tục nhập cảnh của hải quan VN. Tại buổi gặp gỡ với Bộ Tài chính sáng nay, họ nói rằng, cơ quan hải quan đã cố tình đưa ra những rào cản khiến công việc kinh doanh sản xuất bị trì trệ, đồng thời phải đóng các khoản thuế rất phi lý.
![]() |
Một dây chuyền sản xuất của Công ty Bayer Việt Nam. Ảnh: Bayer |
Tổng giám đốc Công ty TNHH UIC Việt Nam Tan Kee Chek cho biết, do chức năng chính của UIC là sản xuất các nguyên liệu chính cho những doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, nên thường nhập nguyên liệu từ nước ngoài.
Năm 1999 UIC thường xuyên mở tờ khai nhập khẩu nguyên liệu tại Cục Hải quan Đồng Nai và nộp thuế đầy đủ cho các lô hàng này theo thông báo của hải quan. Tuy nhiên, sau đó UIC lại nhận được quyết định truy thu thuế nhập khẩu của Hải quan Đồng Nai đối với 26 tờ khai từ tháng 6 đến tháng 9 năm 1999, với số tiền truy thu là trên 3,1 tỷ đồng.
Theo Chek, nguyên liệu của UIC nhập khẩu chủ yếu là hóa chất nên khó xác định thành phần hóa học. Cơ quan hải quan giám định có thẩm quyền và công chức hải quan phụ trách kiểm hóa đã xác định hóa chất của UIC có thuế suất thấp. Nhưng sau 5 năm UIC hoạt động tại VN, cơ quan hải quan lại trưng cầu giám định từ 1 trung tâm tư nhân, khác với kết quả giám định của Trung tâm kỷ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3, và phải chịu mức thuế suất cao. Hải quan Đồng Nai đã căn cứ vào kết quả đó để truy thu thuế của UIC đối với 26 lô hàng trên là 3,1 tỷ đồng. "Chúng tôi thấy vấn đề này bất hợp lý, nhưng đã thực hiện và chia ra 3 đợt nộp thuế, nhằm tránh gián đoạn việc sản xuất kinh doanh của công ty. Nhưng không hiểu sao sau khi đã nộp dứt điểm 3,1 tỷ đồng tiền thuế thì cơ qua hải quan lại ra một quyết định phạt nộp chập tiền thuế của UIC, với số tiền lên đến 3,2 tỷ đồng", Chek bức xúc kể lại.
Khác với UIC, Công ty Bayer Việt Nam lại gặp phải tình cảnh éo le hơn. Bà Huỳnh Ngô Thanh Nga - đại diện Bayer - cho biết, trong năm 2005 Bayer có nhập khẩu một lô hàng thuốc sát trùng, nhưng do công ty kinh doanh mặt hàng thuốc thú y, nên phải có giấy chứng nhận chuyên ngành thì mới được phép tiêu thụ trên thị trường. Sau khi về đến Hải quan TP HCM, Bayer đã đem mẫu đến giám định tại Trung tâm kỷ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3. Kết quả giám định Trung tâm 3 đưa ra mặt hàng trên chính là chất tẩy rửa và phải chịu thuế suất 25%.
Tuy nhiên, Bayer bác bỏ kết quả trên. Sau đó, Bayer đã đem mẫu đến Trung tâm phân tích phân loại miền Nam để giám định lại. Kết quả đưa ra mặt hàng này là thuốc sát trùng chuồng trại chứ không phải chất tẩy rửa và mức thuế suất là 0%. Nhưng hải quan thành phố chỉ chấp nhận kết quả của Trung tâm 3 trước đó.
Theo chị Nga, tính từ thời điểm hàng nhập cảng đến nay đã hơn 2 năm, nhưng hải quan thành phố vẫn không có cách giải quyết cụ thể cho công ty. Ngược lại, những gì Bayer kiến nghị đều bị bác bỏ. Trong 2 năm trôi qua, vấn đề của Bayer chưa được giải quyết nhưng số nợ treo tại hải quan thành phố đã lên đến 1,7 tỷ đồng. "Đến nay hải quan thành phố yêu cầu công ty phải nộp khoản nợ này. Tuy nhiên, khi chúng tôi yêu cầu hải quan trả lời dứt điểm kết quả cuối cùng về loại thuốc trên thuộc nhóm nào thì không trả lời được. Nếu càng kéo dài thời gian, Bayer làm sao trả nổi tiền thuế cũng như lãi suất của ngân hàng", bà Nga nói.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho rằng, theo quy định của luật thuế và hải quan thì cơ quan hải quan có quyền ra quyết định thuế riêng đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu sau 15 ngày, vấn đề giữa doanh nghiệp và cơ quan hải quan chưa được giải quyết thì doanh nghiệp phải trình lên Bộ Tài chính để xem xét, tìm cách giải quyết ổn thỏa. Riêng đối với những trường hợp trên, ông Trung cũng hứa sẽ giải quyết dứt điểm các khúc mắc cho công ty vào tuần sau.
Nguyễn Thùy
▪ Nhiều công ty mẹ - con chỉ hoạt động hình thức (22/09/2005)
▪ Tiền từ bất động sản 'chạy' sang cổ phiếu (22/09/2005)
▪ Giá dầu tăng hơn 4 USD do lo ngại cơn bão dữ (20/09/2005)
▪ Viettel Mobile mở đợt khuyến mãi quy mô lớn (20/09/2005)
▪ TPHCM: 1.920 tỉ đồng xây dựng trung tâm thương mại quốc tế (20/09/2005)
▪ Bột ngọt "tố" bột nêm (20/09/2005)
▪ Tin kinh tế ngày 20.9 (20/09/2005)
▪ Thưởng xuất khẩu 2004: Nên dành cho người lao động (20/09/2005)
▪ Không còn cảnh hạ giá tràn lan (20/09/2005)
▪ 217 tỉ đồng nằm... "phơi nắng" (20/09/2005)