Không còn cảnh hạ giá tràn lan
Các Website khác - 20/09/2005
"Hậu" thị trường bánh trung thu:
Không còn cảnh hạ giá tràn lan
Xuân Long - Mộng Thoa

* Các hãng lớn thu hồi số bánh không tiêu thụ được trong rằm.
* Cảnh giác với bánh rởm, bánh nhái "đại hạ giá".

Chỉ mới vài hôm trước, bánh trung thu còn là mặt hàng "nóng", xuất hiện trên tất cả các đường phố lớn ở Việt Nam, thế nhưng chỉ ngay sau đêm rằm tháng tám, như một phép lạ, một lượng lớn bánh trung thu đã hầu như biến mất hoàn toàn.

Một điểm bán bánh trung thu tại
TP. Hồ Chí Minh - mua 1 tặng 1.
Hà Nội: Hàng "xịn" không giảm giá

Ngay từ sáng 14.8 âm lịch, nhiều cửa hàng, đại lý bánh nướng, bánh dẻo của các hãng đã không còn đủ chủng loại bánh trung thu như mọi năm. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do năm nay, các hãng đều có chiến lược sản xuất cầm chừng, điều phối kịp thời để tránh tình trạng hàng tồn kho quá nhiều.

Ban lãnh đạo của Cty cổ phần bánh kẹo Hữu Nghị cho biết: "Lượng hàng tồn kho không đáng kể, tính đến ngày 16.8 âm lịch (19.9) số bánh tồn chỉ còn vài trăm chiếc. Số bánh này đã được Cty thu hồi lại, nếu hết hạn sử dụng sẽ cho tiêu huỷ".

Tương tự, đại diện Cty cổ phần lương thực thực phẩm Đồng Khánh khẳng định: "Năm nay lượng hàng tồn kho không nhiều. Từ 12.8 âm lịch, Cty đã có thông báo tới các nhà phân phối về việc thu hồi bánh, nếu nhà phân phối muốn trả lại".

Về giá bánh, hầu hết các đơn vị đều khẳng định: Không có chủ trương giảm giá. Tuy nhiên cũng có thể các đại lý, điểm kinh doanh nhỏ lẻ sẽ giảm giá để tăng mua. Dạo một vòng qua các khu vực bán bánh trung thu ở Hà Nội như phố Hàng Buồm, Bà Triệu, Cầu Giấy và một số siêu thị, trung tâm thương mại như Vincom, Phạm Ngọc Thạch..., điều dễ nhận thấy là số lượng hàng tồn của các hãng có tên tuổi không nhiều.

Sáng 16.8 âm lịch, toàn bộ các kiốt dựng ở phía ngoài của Vincom đều đã được dỡ bỏ, nhiều cửa hàng trên phố Bà Triệu, Hàng Buồm đã đóng cửa. Những điểm nhỏ lẻ, các đại lý nằm rải rác trên phố hầu như không có tình trạng bán hạ giá tràn lan như mọi năm. Chỉ lác đác có những điểm bán hạ giá với những loại bánh của làng nghề Xuân Đỉnh và một số hãng bánh gia công của tư nhân, với mức giá giảm từ 30 - 40%.

TP.Hồ Chí Minh: Xuất hiện xe bán bánh dạo
Cũng tương tự như thị trường thủ đô, tại TPHCM, ngay sau đêm rằm, các cửa hàng bánh trung thu của các nhãn hiệu nổi tiếng như Kinh Đô, Đức Phát, Vinabico, Bibica... đã ngừng kinh doanh, các tủ kính trưng bày, bảng hiệu quảng cáo đều đã được thu dọn. Tại một số cửa hàng của Cty Kinh Đô còn treo bảng thông báo "Cửa hàng đã hết bánh trung thu - hẹn khách hàng mùa trung thu sau".

Khác với các năm trước, các nhà sản xuất bánh nổi tiếng đều có chủ trương thu hồi lại bánh tồn của các đại lý từ 1-2 ngày, trước khi hết rằm. Do vậy, từ 14-15.8 âm lịch, các đại lý đã dự đoán khả năng tiêu thụ bánh của mình để giữ lại một lượng bánh vừa phải, tránh tình trạng "ôm" hàng quá nhiều, rồi phải hạ giá tràn lan như năm trước.

Tuy vậy, trên nhiều phố vẫn rải rác xuất hiện một số điểm treo bảng hiệu của các nhãn hiệu nổi tiếng như Sài Gòn Đồng Khánh, Kinh Đô với chương trình bán đại hạ giá "Mua 1 - tặng 1". Theo các cán bộ Chi cục Quản lý thị trường TPHCM, khách hàng nên cảnh giác khi mua các loại bánh này vì nhiều khả năng đây là bánh rởm, bánh nhái. Thực tế cho thấy, vừa qua các đội QLTT của TP đã phát hiện một số điểm sản xuất bánh trung thu nhái các nhãn hiệu nổi tiếng.

Trong khi đó, tại các cửa ngõ TP, cũng xuất hiện nhiều xe bán bánh trung thu di động trên lề đường. Tại quốc lộ 1A - huyện Bình Chánh, khá nhiều xe tải nhỏ chất đầy bánh trung thu không bao bì, nhãn hiệu dừng bên đường, với các loại bánh được rao với giá từ 5.000 - 7.000đ/chiếc.

Tương tự, trên đường Điện Biên Phủ, đoạn gần cầu Sài Gòn, cũng xuất hiện một số điểm bán bánh trung thu trên xe 3 bánh, với mức giá chỉ từ 5.000 - 10.000đ/chiếc. Người tiêu dùng cần phải cẩn thận với chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của các loại bánh này.