Dự báo giảm giá
Các Website khác - 14/02/2009
 Rất nhiều chuyên gia đồng quan điểm rằng: Với tình hình kinh tế toàn cầu khó khăn hiện nay, với sự ế ẩm đìu hiu của thị trường trong nước mà biểu hiện rõ nét nhất là “khuôn mặt” của chợ búa, siêu thị tại các thành phố lớn, một xu hướng giảm giá hàng tiêu dùng đang là hiện thực!

Nhóm mặt hàng đã từng có cuộc “đại cách mạng” về giá ngay từ nửa cuối năm 2008 vừa qua là hàng điện tử, điện lạnh hiện vẫn nằm trong tình trạng hiu hắt.
 
Các nhà sản xuất và phân phối các mặt hàng phổ dụng ở nhóm ngành này như tivi, điều hoà nhiệt độ, điện thoại di động, máy giặt cho biết, nếu so với giá cả cuối năm 2007 và nửa đầu năm 2008, hầu hết các mặt hàng điện tử, điện lạnh đã giảm giá từ 20 – 40%, cá biệt có những mặt hàng đã giảm tới trên 50% như các loại tivi LCD song sức tiêu thụ vẫn quá chậm. Sự thật này, khiến chính các nhà sản xuất đang phải sờ đến túi tiền của mình bằng cách tự điều chỉnh phương án lợi nhuận. Trong xu thế “thắt lưng buộc bụng” của người dân, những người “làm dâu trăm họ” đành phải chọn giải pháp mềm mại thích hợp. Trong lúc này, khó có điều gì thuyết phục hơn việc giảm giá bán!

 
Nhóm ngành hàng tiếp theo được dự báo sẽ nằm trong xu hướng giảm giá mạnh là các mặt hàng được liệt vào diện xa xỉ như ôtô, thời trang cao cấp, các loại đồ trang sức… Một số nhà hoạch định kế hoạch phân phối sản phẩm của các hãng ôtô và thời trang cho biết, sức cầu hiện tại đã giảm tới 30 - 40% so với giai đoạn cùng kỳ năm 2007 và 2008. Sự điều chỉnh về giá cả đã bắt đầu được đưa ra từ đầu năm nay với các dòng xe ô tô của các hãng có thị phần khá tại Việt Nam như Toyota, Honda, Hyundai, Daewoo. Tuy vậy, mức giảm từ 500 đến vài ba ngàn USD/xe vẫn chưa đủ sức để thuyết phục khách hàng “mở hầu bao”.
 
Nhóm mặt hàng mỹ phẩm và các đồ gia dụng cũng nằm trong vòng quay khó khăn. Nhiều ý kiến của khách hàng cho rằng, nếu neo giữ ở mức giá hiện tại, việc tiêu thụ của loại mặt hàng này vẫn chỉ nhắm đến đối tượng khá giả trong xã hội. Khi diện đối tượng bị thu hẹp, đương nhiên khả năng quảng bá sản phẩm, thương hiệu cũng như lợi nhuận của các nhà sản xuất, phân phối sẽ bị “teo” đi.

 
Sự khó khăn đã dần bộc lộ tính hai mặt của nó: Túi tiền của nhà sản xuất vơi đi chút đỉnh nhưng khả năng được sử dụng những sản phẩm văn minh tiện ích của người dân tăng lên. Khi người dân chấp nhận “mở hầu bao” cũng đồng nghĩa với việc nhà sản xuất đã “sống”, hàng vạn người “ăn theo” khác đã có việc làm trở lại. Điều đó, ngoài việc là một nhân tố tích cực nhằm kích thích tiêu dùng, kích thích sản xuất, còn là một trong những tác dụng kích cầu thấy rõ.
 
Theo Giadinh.net