Ông Nguyễn Chiến Thắng, chủ tịch hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) không mấy quan tâm đến những khoản hỗ trợ từ Chính phủ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Điều ông âu lo nhất là: “Làm sao để tìm đầu ra cho các sản phẩm xuất khẩu?”.
Đăng đàn phát biểu tại hội nghị triển khai những biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu năm 2009 do bộ Công thương tổ chức tại TP.HCM hôm 12.2.2009, vị chủ tịch Hawa khẳng định: “Không có đầu ra cho sản phẩm, những hỗ trợ ưu đãi của Nhà nước cho doanh nghiệp sẽ không phát huy hết tác dụng...”.
Những nỗi lo
Hawa đã chi ra 100.000 USD để quảng bá cho hội chợ quốc tế Đồ gỗ & mỹ nghệ xuất khẩu lần thứ hai (VIFA 2009) khai mạc vào ngày 11.3.2009, số doanh nghiệp nước ngoài đăng ký tham dự đã lên đến 600 doanh nghiệp. Nhưng chỉ còn một tháng nữa khai mạc mà số doanh nghiệp Việt Nam đăng ký chính thức đã giảm 40%. Ông Thắng chua chát nói: “Mời người ta đến, nhưng cho đến giờ chỉ lèo tèo vài gian hàng...”.
Giá nguyên liệu đang xuống thấp, cước phí vận chuyển giảm. Đây là cơ hội để doanh nghiệp vay vốn nhập khẩu gỗ về dự trữ.
Ngành xuất khẩu thủy sản cũng gặp những khó khăn khác trong việc tìm thị trường. Ông Trương Đình Hòe, chủ tịch hiệp hội xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho hay, các thị trường xuất khẩu đang giảm sức mua do kinh tế suy thoái. Yếu tố cạnh tranh về giá đang là điều kiện quan trọng nhất để ngành thủy sản tồn tại. Giá nguyên liệu chế biến thủy sản (cá tra, tôm) ở trong nước đang tăng mạnh, trong khi đơn giá xuất khẩu lại giảm. Nhiều nông dân đã “treo” ao đã dẫn đến việc nguồn nguyên liệu chế biến thủy sản trở nên khan hiếm. Trong khi đó, 70% nguyên liệu cho chế biến thủy sản của Việt Nam chủ yếu mua ở thị trường trong nước. “Chính phủ nên có chính sách bình ổn giá thức ăn chăn nuôi trong thủy sản. Nên thành lập quỹ bình ổn giá thức ăn chăn nuôi trong thủy sản. Có như vậy mới có thể giúp người dân yên tâm sản xuất”, chủ tịch Vasep Trương Đình Hòe nói.
Phạm Trung Cang, phó chủ tịch Hiệp hội nhựa Việt Nam (VPA), cũng nói rằng, năm 2009 toàn ngành nhựa sẽ phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỉ USD. Đối thủ cạnh tranh lớn nhất của ngành nhựa Việt Nam là Trung Quốc. Hiện nước này đang mở cửa cho nhập khẩu phế liệu nhựa sạch nên giá nguyên liệu rẻ hơn Việt Nam. Để các doanh nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh được với Trung Quốc, ông Cang đề xuất, Chính phủ nên cho phép nhập khẩu phế liệu nhựa sạch. Đây là những giải pháp căn bản nhất để hạ giá thành, từ đó có thể cạnh tranh về giá, chất lượng. Tuy vậy, “Sau 3 lần kiến nghị, chúng tôi vẫn không được chấp thuận”, ông Cang nói.
Doanh nghiệp vẫn còn ngại vay
Những âu lo của doanh nghiệp về đầu ra cho sản phẩm xuất khẩu là nguyên nhân khiến các khoản vay ưu đãi vẫn chưa được giải ngân tốt như mong đợi.
Ông Lại Văn Đạo, phó tổng giám đốc ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cho biết, tổng vốn cho vay xuất khẩu của VDB trong năm 2009 là 10.000 tỉ. Nhưng tính đến đầu tháng 2.2009, VDB chỉ giải ngân được 2.000 tỉ. Theo ông Đạo, “nguyên nhân các DN đợi lãi suất sẽ giảm nữa và gặp khó khăn ở đầu ra ở thị trường xuất khẩu".
Xuất khẩu tháng 1 giảm mạnh Tháng 1 năm 2009, xuất khẩu của cả nước ước đạt 3,8 tỉ USD, giảm 24,2% so với tháng 01 năm 2008.
Theo bộ Công thương, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu đều giảm so với cùng kỳ năm 2008, như dầu thô ước kim ngạch 424 triệu USD, giảm 52,4% (lượng ước đạt 1,4 triệu tấn, tăng 12,4%); dệt may đạt kim ngạch 550 triệu USD, giảm 33,2%; da giày đạt 350 triệu USD, giảm 25,8%; sản phẩm gỗ đạt 200 triệu USD, giảm 31,7%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 120 triệu USD, giảm 35%; thuỷ sản đạt 250 triệu USD, giảm 18,6%; cà phê đạt 217 triệu USD, giảm 30,2%...; riêng mặt hàng gạo kim ngạch ước đạt 130 triệu USD, tăng 155% (lượng ước khoảng 300 nghìn tấn, tăng 129%). Kim ngạch nhập khẩu tháng 1 ước đạt 4,1 tỉ USD, giảm 44,8% so với tháng 01 năm 2008. Nhập siêu trong tháng 1 là 300 triệu USD, bằng 7,9% kim ngạch xuất khẩu. |
Các doanh nghiệp cũng cho rằng, thời hạn cho vay ưu đãi, bù lãi suất 4% trong thời hạn 8 tháng là quá ngắn. Ông Thắng dẫn chứng, ngành gỗ hiện đang nhập khẩu khoảng 80% nguyên liệu. Giá nguyên liệu hiện đang xuống thấp, cước phí vận chuyển giảm. Đây là cơ hội để doanh nghiệp vay vốn nhập khẩu gỗ về dự trữ. Tuy nhiên, mức ưu đãi lãi suất hiện nay chỉ có thời hạn 8 tháng sẽ không đủ thời gian gian để doanh nghiệp quay vòng vốn. Ông Thắng kiến nghị, Chính phủ tăng nên thời gian hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp lên 1 năm hoặc 1,5 năm.
Dù được hưởng nhiều ưu đãi, nhưng do quy mô mỗi doanh nghiệp khác nhau, nên có những doanh nghiệp không được hưởng ưu đãi. Thứ trưởng bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết, sẽ kiến nghị với Chính phủ mở rộng đối tượng doanh nghiệp được hưởng ưu đãi. Bên cạnh đó, bộ kiến nghị xem xét giảm mức lãi suất cho vay tín dụng của VDB cho tiền đồng xuống mức 3% - lãi suất tương đương với mức lãi suất mà các doanh nghiệp đang vay của các ngân hàng thương mại được nhà nước bù 4%. VDB sẽ chủ động quyết định mức lãi suất cho vay linh hoạt đối với từng nhóm đối tượng khách hàng trên cơ sở lãi suất sàn do bộ Tài chính quy định ở từng thời kỳ.
“Đối với các chương trình xúc tiến thương mại, các hiệp hội cần gấp rút báo cáo bằng văn bản về cho bộ Công thương để tìm hướng giải quyết”. Thứ trưởng Biên nói, trong tuần này, Hawa phải có báo cáo về việc các doanh nghiệp ngành gỗ không không đủ kinh phí tham dự hội chợ Vifa 2009 để bộ hỗ trợ kinh phí tham dự.
Theo SGTT
▪ Dự báo giảm giá (14/02/2009)
▪ Quà thủ công nói hộ lời trái tim (14/02/2009)
▪ Hàng chục nghìn m2 văn phòng Hà Nội đang bỏ trống (14/02/2009)
▪ Nữ trang bạc lên ngôi trong lễ Tình Nhân (14/02/2009)
▪ Chậm công bố sữa thiếu đạm vì sợ bị kiện (14/02/2009)
▪ Bù lãi suất, chờ người vay (14/02/2009)
▪ Quà tặng ngày lễ tình yêu đang hối hả (14/02/2009)
▪ “Định vị Việt Nam trong tương lai” (14/02/2009)
▪ Thắt chặt kiểm soát báo cáo kinh doanh công ty niêm yết (13/02/2009)
▪ Tivi LCD 32 inch khan hàng sau Tết (13/02/2009)