Đường "tụt dốc", giá mía nguyên liệu leo thang đúng thời điểm các nhà máy bước vào sản xuất vụ mới. Hiệp hội mía đường VN vừa triệu tập cuộc họp khẩn với các doanh nghiệp thành viên để tìm biện pháp đối phó.
Giá mía tăng cao (Thương hiệu Vviệt) |
Khác với tuyên bố "hết đường" của các thành viên trong hiệp hội, tuần qua, lượng đường lớn vẫn được tung ra thị trường. Giá tiếp tục giảm nhẹ.
Tại chợ đầu mối Trần Chánh Chiếu, quận 8, đường Biên Hòa được chào bán với giá 10.200 đồng/kg, giảm 300 đồng. Nhãn hiệu Yuna 10.500 đồng/kg và 11.000 đồng/kg đối với đường Mỹ Tho. Riêng đường Quảng Ngãi hiện chỉ còn 9.900 đồng/kg, giảm 500 đồng so với đầu tuần.
Ông Nguyễn Chí Trung, Phó Ban quản lý chợ Trần Chánh Chiếu cho biết, trung bình lượng hàng về chợ mỗi ngày khoảng 130-140 tấn, tăng trên 40% so với thời điểm đường "sốt" giá. Do đó, nếu lượng hàng về chợ vẫn duy trì mức này thì giá bán ra chắc chắn sẽ còn giảm hoặc chững lại và khó có thể tăng thêm.
Theo ông, chủ trương cho phép nhập đường của Chính phủ đã ảnh hưởng rất tích cực tới giá bán trên thị trường tiêu dùng. "Trước đây, khi giá đường "sốt" cao, các thương lái ở chợ rất chật vật trong việc lấy hàng, do nhà sản xuất không bán. Hàng khan hiếm dẫn đến giá bán cũng được các tiểu thương nâng lên. Nhiều lò sản xuất bánh tư nhân phải ngưng một thời gian, vì giá nguyên liệu tăng quá cao", ông Trung giải thích.
Thống kê của Hiệp hội mía đường VN cho thấy, tại các tỉnh phía Bắc trong tuần qua giá đường liên tục hạ nhiệt từ mức 12.000-15.000 đồng/kg xuống còn 9.500-10.000 đồng/kg. Điều này cho thấy, chủ trương nhập khẩu đường của Chính phủ đã phát huy tác dụng nhất định. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội Lê Văn Tam, đây sẽ là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp thành viên và họ đang bị sức ép từ nhiều phía.
Theo ông, thời gian qua, do thiếu mía, các nhà máy bị nông dân "ép" khiến giá lên 600.000 đồng/tấn, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Thiếu nguyên liệu, hàng sản xuất giảm sút khiến các doanh nghiệp bị sức ép của thị trường, bán giá thấp doanh nghiệp lỗ, bán giá cao bạn hàng quay lưng.
Giá đường cao, nhiều bạn hàng lớn như các công ty sản xuất bánh kẹo, nước ngọt... không nhập đường mà quay sang nhập chất tạo ngọt về sản xuất. "Đây là một thiệt hại lớn đối với các nhà máy sản xuất. Đó là chưa kể giá đường cao, hàng lậu tràn vào, nếu các doanh nghiệp không có chiến lược lâu dài họ sẽ không tránh khỏi bị đóng cửa", ông Tam nói.
Hiệp hội mía đường VN ban bố tình trạng khẩn đồng thời triệu tập gấp 37 thành viên trong hiệp hội để bàn biện pháp đối phó. Tại cuộc họp diễn ra sáng 12/1, đại diện 25 đơn vị đã có mặt đều nhất trí với giải pháp ổn định thị trường. Trước và sau Tết Bính Tuất, bằng mọi cách phải đẩy mạnh sản xuất và tung hàng ra bán trên thị trường. Bên cạnh đó, hiệp hội khuyến cáo giá đường nên giữ ở mức ổn định 9.000 đồng/kg với đường trắng, 9.500 đối với đường tinh luyện và 8.500 đối với đường vàng. Trong trường hợp diễn biến giá thế giới thay đổi các doanh nghiệp chỉ được tăng giảm trong biên độ trên dưới 5%.
Ông Tam cho rằng, để các doanh nghiệp ngoài ngành nhập khẩu là Chính phủ đang "làm khó" nhà sản xuất. Chẳng hạn, trước đây, Vinamilk là bạn hàng lớn thì nay họ lại nhập khẩu đường về cạnh tranh với các doanh nghiệp ngành đường.
Sáng 14/1 lô hàng đầu tiên nằm trong số 40.000 tấn đường đã cập cảng VN. Từ chối tiết lộ lượng hàng về trong đợt này song theo ông Trương Hoài Anh, Trưởng phòng xuất nhập khẩu Công ty sữa Việt Nam (Vinamilk), số hàng sẽ không dùng vào mục đích sản xuất mà để bán ra thị trường để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng trong dịp Tết.
Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Ngũ Cốc, ông Lê Hồng Thái cũng khẳng định, việc giá đường giảm không ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động nhập khẩu của công ty. Tuy chưa cập cảng nhưng số hàng mà công ty nhập về đã được ký phân phối cho các đại lý tiêu thụ. "Tôi không sợ giá đường giảm, vì càng giảm bao nhiều thì người tiêu dùng càng được hưởng lợi bấy nhiêu", ông Thái nói.
Phương Minh - Nguyễn Thùy
▪ Giới thiệu dự thảo Luật Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (14/01/2006)
▪ Tin kinh tế ngày 14.1 (14/01/2006)
▪ Xây đường hầm trước Khu chế xuất Linh Trung 1 (14/01/2006)
▪ Đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương (14/01/2006)
▪ Hơn 30.000 DN tham gia đánh giá chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (14/01/2006)
▪ Miền Bắc: Hàng vạn hécta lúa đông xuân thiếu nước (14/01/2006)
▪ Báo động tình trạng hàng giả, hàng lậu (14/01/2006)
▪ Cổ phần hoá DNNN năm 2006 thuận lợi hơn (14/01/2006)
▪ Rau an toàn... vướng đầu ra! (14/01/2006)
▪ Thất thoát nhiều tỷ đồng vốn từ trái phiếu, ODA (14/01/2006)