EU áp đặt thuế chống bán phá giá với giày có mũ da Việt Nam: Đứt đơn hàng, công nhân lao đao
Khi EU chưa áp thuế chống bán phá giá, hàng trăm ngàn công nhân trong các DN da giày VN đã phải chật vật kiếm sống với đồng lương hết sức ít ỏi. Nay nếu phải chịu thuế cao gấp 3 lần, chắc chắn hàng trăm ngàn công nhân ngành da giày (và bám theo là gia đình họ) sẽ đối mặt với nguy cơ mất việc, thu nhập giảm sút... 
| Sản xuất giày mũ da tại Cty giày Thượng Đình, Hà Nội (chụp lúc 10h30 ngày 28.2). | Từng đơn hàng... bỏ ta đi! Không phải bây giờ, mà ngay từ tháng 7.2005, khi EU công bố sẽ tăng thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng giày có mũ da của VN, rất nhiều đối tác nước ngoài làm ăn lâu năm với các DN sản xuất da giày VN đã bộc lộ ý định cắt giảm đơn hàng. Ông Diệp Thành Kiệt - Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày TPHCM, GĐ Cty giày Wec, cho biết: "Việc EU áp mức thuế gấp 3 lần mức ưu đãi theo Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP) mà các DN hiện đang được hưởng, đã tác động rất xấu đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều DN trong ngành da giày VN". Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà kim ngạch xuất khẩu của da giày năm 2005, thay vì phải đạt 3,4 tỉ USD như kế hoạch, đã chỉ đạt hơn 3 tỉ USD.
Theo ông Hồ Thanh Mẫn - GĐ Cty giày An Giang (Agishoes): "Số đơn hàng vào Cty năm 2006 đã bị các đối tác cắt 30%. Chưa lúc nào, Cty rơi vào cảnh lao đao như hiện nay. Đơn cử, đối tác lâu nay vẫn đặt hàng loại giày Sila (Anh Quốc) cho Cty sản xuất, nay thấy thuế tăng, họ vội vàng... nghỉ "chơi" với Agishoes luôn". Tương tự, bà Trương Thị Thuý Liên - GĐ Cty giày Liên Anh (TPHCM) - cho biết: "Nhiều đối tác tới nay vẫn chưa đặt bút ký tiếp hợp đồng gia công năm 2006. Điều này đồng nghĩa với những đơn hàng chúng tôi kỳ vọng sẽ không có. Hiện Cty đang tìm cách chuyển sang làm giày giả da để không phải chịu mức thuế tăng. Song, như vậy doanh thu Cty sẽ giảm 30%". Đồng cảnh với Cty Liên Anh, kim ngạch xuất khẩu của Agishoes sang EU năm 2006 sẽ giảm... 50% so với năm trước.
Trong khi đó, theo đại diện lãnh đạo Cty 32 (TPHCM): "Tình hình thật bi đát, chúng tôi đang "khóc" thật sự đây! Nhiều năm sản xuất giày clack (Anh) cho thị trường Anh, thì nay, khách hàng đặt gia công loại giày này đã không ký tiếp hợp đồng nữa. Cuối năm 2005, toàn bộ đơn hàng cho năm 2006 đã bị ngừng. Điều này đã đẩy Cty 32 vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Làm gì để duy trì sản xuất của Cty đây?". Hàng loạt Cty giày khác như: An Lạc, Thanh Bình (TPHCM), Đế Vương (Long An) v.v... cũng trong cảnh tương tự.

| Sản xuất giày da xuất khẩu tại Cty cổ phần giày Thái Bình (Bình Dương). | DN và công nhân đều lao đao Theo ông Nguyễn Gia Thảo - Chủ tịch Hiệp hội Da giày VN: Một nhà máy sản xuất giày da được quản lý tốt cũng chỉ đạt mức có lãi từ 0,4-0,8 euro/đôi giày, trong khi chịu mức thuế mới, giá một đôi giày nhập vào EU sẽ "đội" lên 1,5-2 euro/đôi. Ngành sản xuất giày da VN dễ "đổ" sụp trước gánh nặng tài chính này. Các đơn hàng có khả năng sẽ dịch chuyển từ VN sang Thái Lan, Indonesia... Sẽ có nhiều nhà máy ở VN (SX da giày) phải đóng cửa, nhiều vạn NLĐ Việt Nam (trong tổng số 500.000 NLĐ đang trực tiếp làm việc ở các nhà máy sản xuất da giày và khoảng 200.000 người hoạt động "phụ trợ" - vận chuyển, bao bì...) sẽ mất việc làm.
"Đáng buồn hơn nữa - ông Gia Thảo nói - trong nước, nhiều DN đã đầu tư tiền tỉ vào các nhà máy loại này. Chưa kịp hoạt động thì đã bị giội một gáo nước lạnh, bởi quyết định tạm thời tăng thuế áp chống phá giá của EU". Ông Thảo khẳng định hiện nay các nhà nhập khẩu đã bắt đầu rút bớt đơn đặt hàng để chờ mức thuế tạm thời, nay với lộ trình tăng thuế như thế (từ 4,5%-16,8%) khả năng nhận được nhiều đơn hàng là mong manh. Cuộc sống của hàng trăm nghìn NLĐ đang đứng trước cảnh "phập phồng".
Còn ông Mai Xuân Tâm - Phó GĐ Cty 32 rầu rĩ: "Việc mất nhiều đơn hàng là một khó khăn lớn cho Cty. Chúng tôi dự kiến sẽ chuyển sang làm giày giả da, giày vải PU hay simili, nhằm bảo đảm việc làm cho CN. Tuy nhiên, việc sản xuất các mặt hàng có giá trị thấp này sẽ dẫn đến doanh thu Cty giảm. Hơn nữa, Cty phải cạnh tranh rất nhiều với hàng trong nước và hàng Trung Quốc, chắc chắn chúng tôi buộc phải giảm chi phí giá thành. Điều này cũng có nghĩa là lương bổng, thu nhập của CN sẽ giảm sút rất lớn. Nhưng lương giảm, chúng tôi lại phải đối mặt với sức ép từ phía CN, họ sẽ đình công? Trong bối cảnh đình công đang xảy ra nhiều như hiện nay, cộng thêm với EU tăng thuế như trên, quả là khó khăn cho DN đủ điều".
Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày VN Nguyễn Đức Thuấn: "Tăng thuế đối với da giày VN, tác hại về mặt kinh tế với các DN đã rõ. Song, tác hại về mặt xã hội, việc làm, đời sống, thu nhập của hơn 500.000 CN ngành da giày sẽ còn phát sinh nhiều trong năm 2006 này. Bởi đơn giản, không có đơn hàng, đồng nghĩa không có việc làm cho CN. Không có việc làm, cũng có nghĩa là thu nhập của người CN là con số không. Khó khăn với các DN là thấy rõ!". | Ông Hà Duy Hưng - GĐ Cty TNHH giày Hiệp Trí, cho hay: "Chúng tôi rất mong có một giải pháp tháo gỡ tình trạng này. Khi không có đơn hàng, nhưng DN không thể cho CN nghỉ việc, hay giảm lương CN tức thời. Ngược lại, DN vẫn tiếp tục gồng gánh hàng ngàn CN, vẫn phải trả đủ lương cho họ, chịu mọi chi phí không tên khác để duy trì sự cầm cự của các nhà máy, tìm lối thoát... Song, liệu DN cầm cự được bao lâu? Hậu quả xấu sẽ đến trong tương lai là rất rõ".
Tháo gỡ - không dễ Được biết, trước đây chênh lệch giá giày giữa VN và Trung Quốc là 3,5%, song khi công bố mức đánh thuế chống phá giá thì tỉ lệ chênh lệch này sẽ giảm xuống. Điều đó cũng đồng nghĩa thêm những khó khăn mới cho các DN VN trước đối thủ cạnh tranh là Trung Quốc.
Hiệp hội Da giày TPHCM đang bàn giải pháp xúc tiến tìm thị trường mới cho da giày VN, ngoài EU. Đó là thị trường Nhật Bản, Mỹ và... trong nước. Song, điều này hoàn toàn không dễ dàng chút nào với các DN da giày VN, vốn lâu nay chỉ quen gia công, phụ thuộc nhiều vào đối tác nhập khẩu, hơn là tự mình đầu tư tìm kiếm thị trường và phân phối hàng. Một dự báo không mấy tốt đẹp cho ngành da giày VN trong năm 2006 này. Nhóm PV kinh tế |