Yêu cầu của các nhà nhập khẩu urê tại buổi họp về chuẩn bị cho vụ hè thu năm 2006 diễn ra tại TP HCM ngày 28/2 là bình ổn giá. Hiện urê của Công ty đạm Phú Mỹ bán ra với 3.900 đồng/kg, trong khi hàng nhập là 4.400 đồng. Doanh nghiệp nhập khẩu than lỗ với mức giá này.
![]() |
Doanh nghiệp nhập khẩu muốn nhà sản xuất trong nước thông báo trước khi hạ giá để điều tiết việc nhập hàng. (Tuổi trẻ) |
Chủ tịch Hiệp hội phân bón VN Nguyễn Hạc Thúy cho biết, trong những ngày qua, giá urê Phú Mỹ chỉ có 3.950 đồng/kg. Trong khi, urê nhập khẩu về đến thị trường VN trung bình 4.400 - 4.450 đồng/kg. Nhưng có một điều nghịch lý là Phú Mỹ luôn hạ giá urê trong lúc giá thế giới tăng.
Cụ thể, vào thời điểm trên, giá urê hạt trong ở Bantic, Yuzhny dao động 215-220 USD/tấn, Trung Quốc hạt trong - đục từ 268 USD đến 270 USD/tấn. Còn lượng urê nhập khẩu về đến VN đã cộng tiền cước, bảo hiểm, thuế... đội lên khoảng 4.500- 4.600 đồng/kg. "Như vậy, so với giá urê trong nước thì urê nhập khẩu cao hơn gần 700 đồng/kg. Điều này khiến các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón thua lỗ", ông Thúy nói.
Ông cho rằng, giá urê sản xuất trong nước luôn đơn phương thay đổi khiến các nhà nhập khẩu không thể trở tay kịp để điều tiết việc nhập hàng. Mặt khác, tuy giá urê sản xuất trong nước giảm nhưng nông dân vẫn phải mua hàng với giá cao như sản phẩm nhập khẩu chính ngạch. Lý do, tất cả hàng hóa sản xuất trong nước và nhập khẩu đều được bán tại kho của nhà sản xuất và doanh nghiệp nhập khẩu. Trước khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng phải qua các trung gian, đại lý nên giá urê ngang nhau. Lúc này, các nhà nhập khẩu gần như phải đứng ngoài thị trường, vì không dám bán quá giá thấp.
Theo Hiệp hội phân bón VN, vụ hè thu đang gần kề, lượng urê cần để đáp ứng cho các tỉnh phía Nam phải gần 350.000 tấn và miền Trung, Bắc là 220.000 tấn. Nhưng theo báo cáo của các nhà sản xuất trong nước và nhập khẩu, đến 30/3 chỉ còn 200.000 tấn. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có nhà nhập khẩu nào dám mở L/C, do giá urê trong nước luôn thấp hơn giá thế giới từ 300-400 đồng/kg. Nguy cơ thiếu urê cho vụ hè thu là có thể xảy ra.
Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Lê - Nguyễn Thị Ngọ tỏ ra bức xúc: "Phú Mỹ luôn giảm giá bất ngờ nên doanh nghiệp nhập khẩu rất khó khăn. Để cải thiện thị trường, đủ phân bón cho vụ hè thu năm nay, Phú Mỹ cần có chính sách ổn định giá đối với mạng lưới kinh doanh của mình". Theo bà, ttrước khi thay đổi giá Phú Mỹ phải xem xét và dựa vào giá phân bón trên thị trường quốc tế. Phú Mỹ và các doanh nghiệp nhập khẩu nên có sự bàn bạc để thống nhất giá bán. Đồng thời, nhà nhập khẩu cần có thời gian chuẩn bị khoảng 20-30 ngày trước khi thay đổi giá để tự điều chỉnh việc nhập hàng.
Tuy nhiên, ông Đinh Hữu Lộc, Giám đốc Đạm Phú Mỹ cho biết, chưa bao giờ công ty nghĩ tới việc bán phá giá urê để nhà nhập khẩu phải lao đao. Trước khi quyết định đưa giá ra thị trường, Phú Mỹ luôn có sự bàn bạc để có mức giá phù hợp nhất. Tất cả sản phẩm đều do đại lý chọn nên giá urê càng rẻ đại lý càng có lợi.
Cũng theo ông Lộc, hiện công ty hoạt động với năng suất trên 2.000 tấn/ngày. Các nhà nhập khẩu cần xem xét và cân đối nguồn cung để tránh thiệt hại. Dự kiến trong qúy 1 và 2 năm nay, Phú Mỹ sẽ sản xuất lượng hàng gần 380.000 tấn. Như vậy, công ty sẽ cung ứng được 2/3 urê cho thị trường trong vụ hè thu tới. Mặt khác, xu hướng của người dân ngày càng giảm dần việc sử dụng urê trong trồng trọt. Nếu doanh nghiệp tiếp tục nhập hàng chắc chắn sẽ bị dư. "Trước đây mua urê khó nhưng bán dễ, còn nay tình thế đã ngược lại. Doanh nghiệp cần nghĩ đến quyền lợi của người nông dân", ông Lộc nói.
Nguyễn Thùy
▪ Không áp đặt quota đối với ôtô cũ nhập khẩu (28/02/2006)
▪ Linh kiện điện tử nhập khẩu sẽ được giảm thuế (28/02/2006)
▪ Đầu tư mở rộng cảng cá Quy Nhơn (28/02/2006)
▪ Tin kinh tế ngày 28.2 (28/02/2006)
▪ Đà Nẵng: Gần 100 hộ tiểu thương phản đối mở chợ đêm Hoà Khánh (28/02/2006)
▪ 2 tháng đầu năm: Tổng vốn đầu tư nước ngoài vượt 1,3 tỉ USD (28/02/2006)
▪ Cổ phiếu ngân hàng giảm giá (28/02/2006)
▪ "Rùa bò" do thiếu nhà thầu có năng lực (28/02/2006)
▪ Có quan chức nhận tiền (28/02/2006)
▪ TP HCM cấp đất cho doanh nghiệp nước chấm (28/02/2006)