EVN: Huy động 40 tỷ USD không khó, nhưng…
Các Website khác - 15/10/2007

Như VTC News đã thông tin, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần tới 40 tỷ USD để phát triển nguồn điện trong giai đoạn 2006-2015. EVN sẽ huy động số vốn khổng lồ này như thế nào - ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc EVN cho biết thêm chi tiết.

 

Ông Thanh cho biết, EVN đang xem xét các nguồn vốn để có thể huy động 40 tỷ USD trong vòng 8 năm tới. EVN đề nghị là cho phép mời các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài  tham gia cổ phần với EVN để thành lập các công ty cổ phần đầu tư các cụm điện.

 

 
 Ông Phạm Lê Thanh.

- Đã có bao nhiêu nhà đầu tư nước ngoài gửi đơn đến bày tỏ muốn tham gia các dự án điện với EVN rồi, thưa ông?

 

- Có khoảng 10 nhà đầu tư là các tập đoàn lớn của các nước xin đăng ký làm cùng EVN, còn các nhà đầu tư muốn tự làm nhà máy điện độc lập thì gửi thư tới Bộ Công Thương.

 

- Việc mời các nhà đầu tư tham gia cổ phần với EVN có gặp khó khăn gì không?

 

- Chúng tôi rất khó thu hút các nhà đầu tư tham gia các dự án đầu tư với giá như thế này.

 

Theo tôi, cách gỡ tốt nhất là sớm thành lập thị trường điện và thả giá điện theo hướng thị trường. Chính phủ đã có lộ trình theo quyết định 276, từ 1/1/2008 giá điện sẽ tăng lên một mức mới ở giá 890 đồng/kWh và cố gắng tới năm 2010 thì thả theo giá thị trường, lúc đó mới thực sự thu hút được các nhà đầu tư chứ còn giá như hiện nay thì khó thu hút.

 

- Nhưng giá điện thấp thế này thì họ hy vọng gì?

 

- Họ vẫn hy vọng giá điện theo thị trường và sẽ thực hiện từ sau năm 2010.

 

- Một nhà máy cũng cần vài ba năm xây dựng và nếu bây giờ bắt đầu thì tới 2010 sẽ tới thời điểm giá điện theo thị trường. Như vậy, nếu có triển khai từ bây giờ thì tới năm 2010 xây dựng xong thì vận hành theo thị trường cũng là vừa kịp, thưa ông?

 

Với giá như hiện nay EVN rất khó đàm phán với các nhà đầu tư muốn vào ngành điện

- Lộ trình thì là như vậy nhưng đến lúc đấy có tăng không thì chưa biết. Các nhà đầu tư trước khi bắt đầu xây dựng nhà máy điện phải có hợp đồng mua bán điện nhưng bây giờ EVN không thể ký với nhà đầu tư ngay. Phải có hợp đồng mua bán điện và cung cấp nhiên liệu đầu vào thì mới ký được hợp đồng BOT và từ đó mới đi vay vốn, thu xếp tiền được. Với giá như hiện nay EVN rất khó đàm phán với các nhà đầu tư muốn vào ngành điện.

 

- Vậy nếu giá điện có thể ở mức mà các nhà đầu tư chấp nhận để bỏ tiền vào thì EVN sẽ chiếm cổ phần như thế nào trong các dự án điện có nhà đầu tư nước ngoài này thưa ông?

 

- Theo Quyết định 38/2007/QĐ-TTg, dự án trên 100 MW thì cổ phần nhà nước phải chiếm trên 51%. Mình phải giữ vì đó là an ninh năng lượng quốc gia.

 

- Vậy EVN có đủ khả năng tài chính để đáp ứng được quy định này không, thưa ông?

 

- Phải có chứ. Nói 40 tỷ USD nghe thì đó là rất lớn. Nhưng một dự án 100 triệu USD thì chỉ cần vốn pháp định 30 triệu USD và EVN giữ 51% thì phần góp là 16 triệu USD. Như vậy trong số 40 tỷ USD thì chỉ cần có 16% trong đó, còn lại mình đi huy động phần còn lại.

 

Năm nay EVN đi mua điện ngoài về bán lại cho nền kinh tế thì lỗ 4.000 tỷ đồng.

- Ngay cả khi chỉ cần đối ứng 16% thì EVN có gặp khó khăn trong cân đối tài chính không thưa ông?

 

- Nếu là 40 tỷ USD thì 16% chiếm khoảng 6,5 tỷ USD, con số này cũng trải dài trong 7-8 năm nên không lớn và tôi nghĩ là không quá khó. Nhưng vấn đề là làm sao tạo được niềm tin để đi người vay cho mình vay.

 

- Vậy đâu là mức giá điện mà EVN hy vọng là sẽ kêu gọi được đầu tư?

 

- Cũng khó nói. Giá than bây giờ là 40-50 USD/tấn nhưng sắp tới sẽ lên 70 USD/tấn và thậm chí hơn. Giá dầu thế giới từ 22 USD/thùng nay là 70 USD/thùng. Giá thiết bị lên gấp rưỡi đến gấp đôi. Trong khi đó thì giá điện rất ổn định. Bộ Công Nghiệp trước đây tính là đầu vào cho sản xuất điện tăng 69% trong khi giá điện mới tăng 7,6%. Bây giờ Thái Lan đã mua điện của Lào với giá 6 cents/kWh rồi.

 

Năm nay EVN đi mua điện ngoài về bán lại cho nền kinh tế thì lỗ 4.000 tỷ đồng với giá bán bình quân là 842 đồng/kWh.

 

- Xin cám ơn ông

 

Trúc Nga (thực hiện)