Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13.10): Nền kinh tế đang cần những "đại gia"
Các Website khác - 13/10/2007

Trong khoảng 1 năm qua, sau sự kiện Việt Nam gia nhập WTO, môi trường, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trong nước đã có nhiều thay đổi khác hẳn các năm trước. Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13.10), Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc (ảnh), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên về tình hình phát triển DN. 

* Trong bối cảnh các DN Việt Nam gặp phải sự cạnh tranh gay gắt với các DN mạnh của nước ngoài sau khi gia nhập WTO, ông thấy các DN trong nước có những biến chuyển gì lớn?

- TS Vũ Tiến Lộc: DN Việt Nam đã thể hiện khả năng hội nhập rất nhanh, vượt qua các thử thách và phát triển được. 

Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là đã xuất hiện một xu hướng mới, đó là xu hướng liên kết lại, tự nguyện - điều mà trước đây, người ta hay nói, các DN Việt Nam rất yếu. Xu hướng này bắt đầu đồng thời với sự phát triển của thị trường tài chính, thị trường chứng khoán. Dường như có một sự thức tỉnh. Hiện tượng mua bán, sáp nhập, hợp nhất DN cũng đang diễn ra rất nhanh; bằng cách đóá, nhiều DN đã "lớn" lên rất nhanh. Đây là kết quả của sức ép liên kết để tăng quy mô hoạt động, tăng cường sức mạnh để cạnh tranh và hợp tác với các đối tác của nước ngoài.

Hiện nay, chúng ta đã có hơn 300.000 DN. Mặc dù số lượng đó tuy còn ít nhưng cũng không phải là quá ít so với yêu cầu của nền kinh tế. Nhưng điều tôi muốn nói là: chúng ta thực sự còn rất thiếu những tập đoàn kinh doanh, những DN lớn, những "đại gia" có tầm cỡ khu vực và thế giới. Chúng ta thiếu những "đại gia" để có thể làm trung gian thương mại giữa nền kinh tế Việt Nam với kinh tế thế giới. 

* Có ý kiến cho rằng, các DN đã bắt đầu thể hiện được trách nhiệm của mình về bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo... nhưng trong lĩnh vực kinh tế, khi thị trường "sốt" giá, người ta thấy vai trò, trách nhiệm xã hội của các DN, đặc biệt là các DN lớn của Nhà nước còn ít? 

- TS Vũ Tiến Lộc: Thực hiện trách nhiệm xã hội đối với các DN là vấn đề rất quan trọng, đó là cũng một yếu tố của đạo đức kinh doanh. Việc đảm bảo một môi trường chung lành mạnh, giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội cũng sẽ tạo điều kiện cho các DN phát triển dài hạn. Trong vấn đề về giá cả, tôi thấy rằng, quá trình liên doanh liên kết cũng dẫn đến tình trạng độc quyền, lũng đoạn về giá, chi phối thị trường theo hướng không tích cực và đó thực sự là một mặt trái của quá trình liên kết, hình thành các "đại gia" của nền kinh tế. Do đó, cũng phải có quy định, cách thức nào đó để ràng buộc về trách nhiệm của DN bằng chính sách hoặc qua các Hiệp hội DN.

Mạnh Quân (thực hiện)