Giá định hướng xăng dầu theo tháng: Không khả thi?
Các Website khác - 11/02/2006
Giá định hướng xăng dầu theo tháng: Không khả thi?
Bắc Lập

Gần đây, một số phương tiện thông tin đại chúng loan tin: Bộ Tài chính đang hoàn thiện phương án điều chỉnh giá xăng dầu (XD) trình Chính phủ, theo đó sẽ giao quyền chủ động cho DN được điều chỉnh giá theo giá định hướng hàng tháng. Phương án này xem ra sẽ "làm khó" cả những DN kinh doanh lẫn các DN sử dụng nhiều XD (chí ít là ở thời điểm trước mắt)...

Tại trạm xăng đường
Trần Quang Khải, Hà Nội.
Khó cả người bán lẫn người mua!

Phó TGĐ TCty Xăng dầu VN Bùi Ngọc Bảo tỏ ra thận trọng khi nhận xét về đề án này. Theo ông, ý tưởng của đề án là tốt vì nó ngày càng tiệm cận với cơ chế thị trường. Tuy nhiên ở đây dường như có sự nhầm lẫn giữa kỹ thuật điều hành về các phương án xây dựng giá.

Ông Bảo đặt câu hỏi: Tại sao lại là 1 tháng, thậm chí 1 tuần? Đã gọi là giá định hướng ít nhất phải định hướng trong 5 năm, 1 năm hoặc có biến động mạnh thì cũng là nửa năm.

Theo ông Bảo, giả sử như giá dầu thế giới tương đối ổn định như những tháng vừa qua thì việc quy định hàng tháng phải xây dựng giá định hướng là không cần thiết.

Hơn thế, giá định hướng là giá do liên bộ Thương mại - Tài chính xây dựng. Việc hàng tháng các cơ quan quản lý nhà nước phải ngồi lại để định ra giá định hướng cũng khó khả thi, trong khi giá cả thế giới biến động hàng ngày, thậm chí hàng giờ. Chỉ riêng năm 2005, mới có 3 lần điều chỉnh giá mà đã khá lúng túng, nay theo từng tháng không biết sự thể ra sao?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô VN phản ứng: Chúng tôi sẽ gặp khó khăn cả vận chuyển hành khách lẫn vận tải hàng hoá. Với giá vé hành khách, hiện vẫn do các địa phương quy định, thủ tục thay đổi giá cước khó lắm. Nay cứ thay hàng tháng không biết sẽ gây phiền toái thế nào cho DN.

Chưa hết, việc in giá trên vé cũng rắc rối. Chả lẽ mỗi tháng in lại vé một lần? Còn vận tải hàng hoá, thông thường các DN phải ký hợp đồng từ đầu năm cho cả năm hoặc ít cũng nửa năm. Nay mỗi tháng thay đổi hợp đồng xoành xoạch thử hỏi đối tác nào chịu nổi?

Cùng suy nghĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải đường bộ Hải Phòng Nguyễn Đình Chung bức xúc: Giá dầu chiếm tới 60% giá cước nếu thay đổi theo tháng sẽ kéo theo phản ứng dây chuyền, rất khó ổn định cho các DN có nhu cầu chuyên chở hàng hoá.

Cách nào?
Theo ông Bùi Ngọc Bảo, hơn ai hết, chính các nhà kinh doanh nhập khẩu XD là người đối mặt trực tiếp với giá thế giới hàng ngày và chính họ mới có thể quyết định giá định hướng một cách chuẩn xác và kịp thời nhất.

Với mặt hàng xăng đã qua 1-2 năm tập dượt tiệm cận với giá thị trường thì thời điểm này chính là lúc nên thực hiện triệt để Quyết định 187 (DN được quyền cộng, trừ 10% theo giá định hướng). Giá định hướng nên được xây dựng ổn định (1 năm hoặc ít nhất cũng 6 tháng), từ đó các DN nhập khẩu và kinh doanh XD sẽ chủ động lên phương án cả năm, tính toán bù trừ lỗ lãi làm sao ổn định giá được một thời gian dài.

Ông Nguyễn Đình Chung cũng cho rằng, các DN kinh doanh XD cần có phương án làm sao ổn định giá bán trong một thời gian khá dài để các DN tiêu dùng XD có kế hoạch dài hơi.

Còn ông Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất: Các DN kinh doanh XD nên định hướng giá trong nửa hoặc 1 năm để các DN vận tải chủ động lên phương án kinh doanh. Theo ông, với một ngành kinh doanh mặt hàng trọng yếu của nền kinh tế mà "ăn đong" giá từng tháng chắc chết!

Dưới con mắt các nhà kinh tế, muốn giá XD trong nước tiến tới hoạt động theo cơ chế thị trường, không còn con đường nào khác người sử dụng phải làm quen với cơ chế giá lên xuống hàng ngày, thậm chí hàng giờ như nhiều nước vẫn làm. Bởi vậy, cơ chế giá theo tháng trước mắt có thể gây sốc với các DN sử dụng nhiều XD, nhưng về lâu dài các DN phải có thói quen tính toán phương án yếu tố đầu vào theo tháng, thậm chí theo tuần, theo ngày. Muốn vậy khi xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh hàng năm, các DN phải có thói quen dự kiến cả những cú sốc ngoài quy luật, chứ không nên cứng nhắc như thời bao cấp.