Giấy hồng sẽ hâm nóng thị trường địa ốc
Các Website khác - 31/08/2005
Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Minh Dũng.

"Giấy hồng được cấp mới lần này sẽ có tác động kích thích thị trường bất động sản, khơi dậy đồng vốn trong xã hội và làm tan chảy tảng băng nhà đất tại TP HCM", Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Nguyễn Minh Dũng giải thích về những động tác của TP HCM nhằm nhanh chóng đưa Nghị định 95 vào cuộc sống.

- Dựa trên cơ sở nào để ông khẳng định giấy hồng mới sẽ phá tan tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản tại TP HCM hiện nay?

- Cuối năm 2004 khi ngưng cấp giấy hồng theo Nghị định 60/CP, Sở Xây dựng đã thực hiện một cuộc khảo sát về tác động của việc cấp chủ quyền nhà đối với sự phát triển của thị trường bất động sản thành phố. Kết quả cho thấy, có đến 98% nhà đất ở thành phố đã được cấp giấy hồng. Chủ quyền nhà đất được xác lập đã giúp cho người dân thuận tiện hơn trong việc mua bán, thừa kế, vay ngân hàng... Mua bán chuyển nhượng nhà đất được đã giúp khơi dậy và quay vòng nguồn vốn trong dân, kích thích thị trường bất động sản phát triển.

Thực tế cũng cho thấy rõ, sau Luật Đất đai 2003 và Nghị định 181, thị trường bất động sản đã bất động do ảnh hưởng của các quy định trong những văn bản pháp luật này: cấm phân lô bán nền, ngưng cấp giấy hồng ảnh hưởng đến việc xác lập quyền sở hữu tài sản công dân, các cơ quan quản lý Nhà nước không thống nhất với nhau về 1 hay 2 giấy, khung giá đất mới quy định giá đất tăng cao...

Nghị định 95/CP là sự kế thừa của Nghị định 60/CP, mẫu giấy hồng mới cũng giống mẫu giấy cũ, chỉ khác ở chỗ là không bàn đến phần đất gắn liền với tài sản (do sổ đỏ thể hiện), nên theo tôi, hiệu quả của giấy hồng mới cũng sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản.

- Đến thời điểm này, Nghị định 95/CP đã được triển khai đến đâu tại TP HCM?

- Cuối tuần qua, Sở Xây dựng đã trình UBND thành phố dự thảo Quyết định hướng dẫn triển khai Nghị định 95/CP; đồng thời xúc tiến công tác chuẩn bị cấp giấy hồng tại UBND các cấp phường xã - quận huyện. Thành phố cố gắng để triển khai việc cấp giấy hồng ngay trong tháng 9 - ngay hôm nay thì chưa thể xác định ngày cụ thể - nhằm tháo gỡ nhanh những vướng mắc trong nhân dân bởi lâu nay không được cấp chủ quyền nhà.

- So với các tỉnh thành khác, TP HCM "đi" tương đối nhanh trong việc triển khai thực hiện Nghị định 95/CP. Quan điểm của TP HCM như thế nào khi xúc tiến nhanh việc cấp giấy hồng mới?

- Cách nay 2 tuần khi Bộ Xây dựng triển khai Nghị định 95/CP tại TP HCM, Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Đua đã cho biết quan điểm rằng Nghị định 95 là sự tháo gỡ, kết nối giữa giấy đỏ và giấy hồng. TP HCM phải triển khai tốt việc cấp giấy hồng bởi đây là nhu cầu chính đáng của người dân được công nhận quyền sở hữu tài sản trên đất, công trình xây dựng của mình.

Hơn nữa, xuất phát từ nhu cầu thực tế của thành phố, rất nhiều nhà dân đã xây dựng xong nhưng đến nay vẫn chưa được cấp giấy hồng. Tình trạng này phổ biến ở các khu đô thị mới phát triển như quận 7, quận 12, Gò Vấp... Đặc thù của TP HCM luôn gắn kết với cơ chế thị trường nên giấy chủ quyền nhà không chỉ là công nhận tài sản mà còn chính là tiền của người dân và tiền này phải có sự luân chuyển. Nếu không có giấy hồng thì tài sản không thể chuyển nhượng, thế chấp ngân hàng, vay mượn... được. Cho nên như tôi đã phân tích, giấy hồng mới sẽ góp phần khơi thông thị trường bất động sản là cũng vì lý do này.

- Nhiều chính quyền địa phương cấp cơ sở ở các tỉnh thành khác đang lo ngại sự quá tải sẽ diễn ra khi tiến hành cấp giấy hồng mới. Theo ông, TP HCM có thể gặp tình trạng này không?

- Sự quá tải ở cấp cơ sở chắc chắn là sẽ có và không chỉ riêng việc cấp giấy hồng mà tất cả các thủ tục hành chính khác. Quá tải do nhu cầu đăng ký cấp giấy hồng của người dân là một chuyện, nhưng cơ bản là do chính quyền cơ sở không đủ nhân lực có chuyên môn để thực hiện quy trình thủ tục cấp giấy hồng. Đây là hệ quả của việc trước đây chúng ta không xem cấp phường xã là một bộ máy hành chính đầy đủ. Vấn đề đặt ra là phải nâng cao tay nghề của cán bộ cấp cơ sở.

Để tiến hành triển khai Nghị định 95/CP, và nhiều quy định phân cấp hành chính về cơ sở khác, Sở Xây dựng đã phải tổ chức hơn 15 lớp tập huấn tại chỗ cho 3.000 cán bộ địa phương theo kiểu cầm tay chỉ việc để có lực lượng giải quyết việc cấp giấy hồng ngay. Biết là năng lực cán bộ còn yếu nhưng Sở xác định sẽ phải bổ sung nghiệp vụ chuyên môn dần để hoàn thiện hơn. Mặc khác Sở Xây dựng cũng đang mở lớp trung cấp xây dựng dành cho 200 học viên là cán bộ phường xã để đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cho cấp này.

- Theo ông, có khoảng bao nhiêu giấy hồng mới sẽ được cấp cho người dân thành phố?

- Thành phố hiện chỉ có thể ước tính là khoảng 300.000-400.000 hồ sơ chứ không thể đưa ra con số chính xác vì có liên quan đến công tác kê khai đất đai 5 năm một lần. Lần kê khai đất đai cuối cùng tại TP HCM là 31/12/1999 và đã có 98% nhà đất trong đợt này được cấp giấy hồng. Như vậy giấy hồng mới sẽ cấp cho các tài sản, công trình trên đất được xây dựng từ năm 2000 đến nay nhưng hiện giai đoạn này chưa được đăng ký kê khai nên chúng tôi chưa có số liệu chính xác.

Do Nghị định 95/CP không bắt buộc chủ sở hữu đăng ký kê khai nên trong số lượng ước tính gần 400.000 hồ sơ cần cấp giấy hồng thì có thể một số chủ sở hữu không có nhu cầu xin cấp.

Phan Anh