Sản phẩm không nhãn mác, không tem phụ, kém chất lượng đang xuất hiện tràn lan trên thị trường mua sắm cuối năm. Dù đã được chỉ đạo phải xử lý thật mạnh tay nhưng lượng hàng hóa quá lớn, còn lực lượng quản lý mỏng nên lực bất tòng tâm.
Qua khảo sát của VnExpress, tại các chợ sỉ Bình Tây, An Đông, Soái Kình Lâm... trên địa bàn TP HCM, hàng hóa về chợ trong những ngày gần Tết Dương Lịch và cổ truyền sẽ tăng gấp đôi so với ngày thường. Hàng nội, hàng ngoại được trà trộn vào nhau. Các tiểu thương luôn miệng chào mời khách bằng câu nói "hàng Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan... mới về đó em, đẹp lắm mua đi không kẻo hết". Nhưng nếu nhìn kỹ nhãn mác trên sản phẩm, người mua sẽ nhận thấy đó không phải là hàng ngoại.
![]() |
Nên cẩn trọng khi chọn mua vải, quần áo, nhất là những sản phẩm giảm giá. Ảnh: T.V. |
Một số mặt hàng thật sự là nhập khẩu từ Trung Quốc, Singapore nhưng lại chính là hàng "xôn" giá rẻ. Khi về VN nó được chuyển thành hàng ngoại giá cao. Điển hình là ở chợ vải Soái Kình Lâm, Bình Tây, nơi được xem là đầu mối về mặt hàng vải, quần áo, bánh kẹo tiêu thụ nhiều nhất ở thành phố và chuyển về các tỉnh. Người có kinh nghiệm lâu năm trong việc mua bán cũng khó phân biệt được hàng nội, ngoại. Chị Châu, chủ một tiệm may ở chợ Hòa Bình, quận 5 cho biết chị vẫn mua vải ở chợ Soái Kình Lâm để bán cho khách hàng khi đến may quần áo. Tuy nhiên, vào thời điểm cận Tết chị không dám mua ở đây, vì sợ bị lầm. "Chủ sạp nào cũng nói hàng mới về, rẻ đẹp và chỉ có dịp Tết mới bán giá ưu đãi. Nhưng thực chất lại là hàng tồn kho ở nhiều nhà máy được các tay buôn mua thu gom rồi tung ra thị trường, hoặc là hàng nhập chất lượng kém", chị Châu tâm sự.
Theo ông Nguyễn Gia Hòa, Trưởng Ban quản lý chợ Soái Kình Lâm, Ban quản lý chỉ phổ biến cho tiểu thương không buôn bán trao đổi các mặt hàng này. Theo thẩm quyền, Ban chỉ xử lý những trường hợp đã vi phạm, nhưng khó có thể xác định được đâu là hàng gian, đâu là hàng giả, vì đó là vấn đề thuộc về các cơ quan quản lý chuyên ngành.
![]() |
Mua bánh, mứt nên xem kỹ nhãn mác, hạn sử dụng. Ảnh: D.K. |
Tại chợ đầu mối Đồng Xuân, Hà Nội, lượng hàng hóa đổ về rất lớn. Xe tải đổ hàng cho tiểu thương ngày một nhiều hơn. Bánh kẹo, mứt, rượu... là những sản phẩm được nhiều người chọn mua sử dụng ngày Tết và làm quà biếu cuối năm. Nếu không cẩn thận người tiêu dùng dễ bị lầm khi mua hàng, nhất là các loại quà biếu. Mặt hàng này đã được tiểu thương phù phép bằng cách dùng màu sắc của các loại giấy kính gói quà để che mắt. Người mua không thể mở ra xem khi mua sản phẩm, vì đây là hàng đã gói sẵn.
Chánh văn phòng Hiệp hội chống hàng giả tại TP HCM Nguyễn Xuân Trinh cho biết, hàng giả, hàng nhái thường xâm nhập mạnh vào thị trường vào thời điểm cuối năm. Trong đó, đáng chú ý nhất là những mặt hàng phục vụ Tết. Kiểu dáng hàng nhái, hàng giả được cải tiến ngày càng tinh vi mà mắt thường khó có thể phát hiện khi được trà trộn với hàng thật. Vì thế, theo ông Trinh, khi mua sản phẩm có giá trị lớn, người tiêu dùng nên tìm đến những cửa hàng có uy tín, tránh mua hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Đối với thực phẩm, trước khi chọn mua khách hàng phải kiểm tra bao bì, nhãn mác, thời hạn sử dụng và ngày sản xuất. Tất cả những thứ này phải nguyên vẹn, rõ ràng. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, trước tình hình hàng giả, hàng nhái ngày càng phổ biến và tinh vi, cơ quan chức năng không tránh được khó khăn trong kiểm tra, ngăn ngừa. Do đó, cách tốt nhất là người tiêu dùng và doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ nhằm phát hiện kịp thời, tố giác hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái để tránh thiệt thòi.
Chi cục trưởng Quản lý thị trường Huỳnh Tấn Phong cho biết, ngày 20/12 đã triển khai kế hoạch công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trước tết Nguyên Đán và đầu năm 2006. Trong đó, đáng quan tâm nhất là việc đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, nhập lậu và gian lận thương mại.
Tại khu vực Hà Nội, hoạt động kiểm tra chống hàng giả, hàng lậu cũng đã được triển khai. Phó cục trưởng Quản lý thị trường Phạm Quang Viễn cho biết, theo chỉ đạo của Bộ Thương mại ngày 13/12, các đội quản lý thị trường phải tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát từ nay đến hết Tết Bính Tuất, kể cả làm thêm giờ vào các thời điểm nhạy cảm. Ngoài việc chú ý kiểm tra 17 mặt hàng nhập khẩu phải dán tem, các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết như quần áo may sẵn, giày dép, đồ điện tử, rượu, nước giải khát, thực phẩm qua chế biến, bánh kẹo, hoa quả...cũng phải được kiểm tra cẩn thận. Các cán bộ kiểm tra sẽ xử lý nghiêm việc vận chuyển, buôn bán các mặt hàng cấm như pháo nổ, buôn bán các động vật hoang dã, vũ khí, thuốc nổ...
Đối với địa bàn TP HCM, mỗi quận huyện có một đội quản lý thị trường chuyên trách kiểm tra. Tuy nhiên, ông Phong cho rằng, trong thời gian này, cúm gia cầm đang diễn biến khá phức tạp. Toàn bộ lực lượng đổ đồn vào việc chống vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm chưa qua kiểm dịch. Trong khi, tình trạng buôn bán hàng giả, hàng lậu luôn diễn biến phức tạp tại thành phố. Từ đầu năm đến nay, Chi cục quản lý thị trường phát hiện, bắt quả tang hơn 300 vụ hàng giả vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng. Nổi cộm nhất là vụ thu gần 3.000 kg bánh kẹo có nguồn gốc từ Trung Quốc quá hạn sử dụng, 13.000 chai rượu không nhãn mác. "Thị trường mua sắm vào dịp cuối năm còn phức tạp hơn. Đây là vấn đề đau đầu mà chúng tôi đang cố gắng tập trung nguồn lực để giải quyết, song lực lượng quản lý thị trường lại có hạn nên vẫn lực bất tòng tâm trước tình trạng hàng giả tràn lan thị trường", ông Phong nói.
Nguyễn Thùy - Hà Vy
▪ Hàng Việt Nam hấp dẫn người Cam-pu-chia (27/12/2005)
▪ 10 sự kiện kinh tế - xã hội nổi bật năm 2005 (27/12/2005)
▪ Xuất khẩu linh kiện đóng tàu thuỷ sang Nhật (27/12/2005)
▪ 68.800 cơ sở kinh doanh thực phẩm vi phạm quy chế (27/12/2005)
▪ Đề nghị cấm hàng không giá rẻ quảng cáo mập mờ (27/12/2005)
▪ Gia cầm trong tỉnh có dịch được vận chuyển tiêu thụ (27/12/2005)
▪ Mỹ thông qua việc xoá bỏ Luật Chống bán phá giá (27/12/2005)
▪ TP HCM tổ chức tháng bán hàng khuyến mãi lần 2 (27/12/2005)
▪ Chính thức giảm thuế nhập khẩu ôtô (27/12/2005)
▪ Vụ gian lận thẻ: Ngân hàng trong nước thoát hiểm (27/12/2005)