Khai thác vô tội vạ nguồn lợi thuỷ sản
Các Website khác - 09/12/2005
Nguồn lợi thuỷ sản trong đầm, vịnh ở Phú Yên:
Khai thác vô tội vạ
Lưu Phong

Thiên nhiên phóng khoáng ban tặng cho đầm Ô Loan (Tuy An), Cù Mông, vịnh Xuân Đài (Sông Cầu) rất nhiều loài thuỷ sản có giá trị. Trước sự khai thác quá mức của con người, môi trường ở đây bị suy thoái, nguồn lợi thuỷ sản (NLTS) ngày càng cạn kiệt.

Thanh tra Chi cục BVNL thuỷ sản
tỉnh đang tiêu huỷ hàng loạt phương
tiện khai thác giã cào trong vịnh
Xuân Đài.

"Vét" cạn hải sản

Năm, mười năm trước, sản lượng khai thác hàng năm trong đầm Cù Mông và vịnh Xuân Đài lên đến cả ngàn tấn. Riêng đầm Ô Loan có thể đạt từ 150 - 200 tấn tôm, 5 - 10 tấn rau câu, 10 - 20 tấn cua và các loại nhuyễn thể.

Tuy nhiên, sản lượng này giảm dần qua các năm và hiện nay chỉ còn phân nửa. Và các loài thuỷ đặc sản, nhất là sò huyết thơm ngon nổi tiếng ở đây cũng cạn kiệt. Nguyên nhân của sự giảm sút này - ngoài yếu tố tự nhiên đầm bị cạn dần do bồi lắng - thì do con người.

Trong suốt thời gian dài, toàn tuyến biển huyện Tuy An, Sông Cầu với trên 3.000 phương tiện tàu thuyền có công suất nhỏ từ 10-30CV, trang bị thô sơ, đánh bắt theo lối truyền thống thủ công như
nghề câu, giã cào, giã lưới cản, mành đèn, rút chì.

Mỗi khi vào mùa đông, biển động sóng to gió lớn, nhiều loài thuỷ sản lại quần tụ và sinh sản nhiều trong các đầm, vịnh. Đây cũng chính là mùa mà ngư dân "ăn nên làm ra" từ việc huy động các tàu thuyền tập trung khai thác NLTS trong đầm, vịnh.

Đặc biệt, ngư dân dùng lưới giã cào "vét" sạch các loài hải sản, kể cả trứng cá và một số phiêu sinh vật khác trong đầm. Rồi các nghề trễ, xiếc, câu kiều, lưới rùng, soi điện khai thác gây xáo trộn tầng đáy, huỷ diệt cả tôm, cá có kích thước nhỏ.

Nghề lưới điện dùng để thu hoạch tôm nuôi, nhưng lại đem ra đầm để kéo hải sản. Nhiều đối tượng ngang nhiên dùng xung điện khai thác cả đêm lẫn ban ngày. Nghề lưới kéo: Thay vì kéo lưới, đối tượng dùng rọ sắt có răng lược, cày sâu vào đáy từ 10 - 15cm bắt sò, điệp.

Lực lượng quản lý quá mỏng

Trước những thực trạng trên, lực lượng thanh tra Chi cục BVNL thuỷ sản, biên phòng được tăng cường thường xuyên phối hợp tuần tra, xử lý các vi phạm về khai thác huỷ diệt NLTS. Tuy nhiên theo Chánh Thanh tra Chi cục Bảo vệ NLTS Trần Ngọc Nhạn: Số phương tiện được phát hiện và tịch thu là quá ít so với thực tế về tình trạng khai thác huỷ diệt NLTS trong các đầm, vịnh.

Mặc dù từ năm 2004 đến nay, ngành thuỷ sản Phú Yên đã xây dựng và đưa vào sử dụng 2 trạm bảo vệ NLTS ở xã An Hải (Tuy An) và Phước Lý (Sông Cầu), nhằm tăng năng lực quản lý, xử lý các trường hợp vi phạm BVNL thuỷ sản, nhưng lực lượng cán bộ quá mỏng (8 người) và thiếu phương tiện kiểm ngư, nên không đảm đương nổi công tác bảo vệ.

Thực tế có thể thấy rằng, việc phối hợp lực lượng thanh tra, các đồn biên phòng và chính quyền các địa phương ven biển là hết sức cần thiết trong công tác triển khai bảo vệ NLTS. Tuy nhiên, lâu nay nhiều xã ven các đầm, vịnh Tuy An, Sông Cầu chưa thật sự quan tâm đúng mức công tác bảo vệ NLTS, cứ bỏ mặc cho ngư dân khai thác trắng, làm cho tài nguyên cạn kiệt.