Khó quản bán hàng đa cấp bất chính
Các Website khác - 13/09/2005
Bán hàng đa cấp bất chính thường lợi dụng sự nhẹ dạ của một số người để kiếm lời.

Chị Hương, nhà ở đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội kể, cách đây ít lâu chị có lên mạng Internet trò chuyện với một người bạn. Người này kể rằng ngoài làm chính ở một công ty, anh ta còn làm part time (làm bán thời gian) cho một công ty khác.

"Anh ta bảo chỉ làm bán thời gian thôi, công việc nhẹ nhàng mà lương thì rất cao. Tôi nghe thấy hay quá bèn quyết định tìm hiểu xem sao", chị Hương kể.

Ngày hôm sau, chị Hương cùng bạn đến một khán phòng mà theo như anh này nói là tới đó sẽ được đào tạo về nghiệp vụ và tiếp xúc với những điển hình thành công của kiểu bán hàng đa cấp. Tới đó, chị Hương thấy có tới hàng trăm người, cả tri thức lẫn những người dáng vẻ chất phác, nông dân đang chăm chú lắng nghe. Đứng trên bục là một cô gái trông cũng rất trí thức, đang thao thao bất tuyệt giới thiệu về công dụng của máy lọc ôxy mà họ đang bán. Sau đó, cô gái này tiếp tục giới thiệu về mô hình bán hàng đa cấp với những khoản lợi nhuận kếch xù có thể đạt được nếu tham gia. "Đa số những người ngồi dưới đều tới đây lần đầu. Họ lắng nghe rất chăm chú và nhiều lúc còn trầm trồ khi được giới thiệu về những khoản lợi nhuận có được từ việc bán hàng. Một số người - theo tôi đoán là đã tham gia vào mô hình này trước rồi - ra sức cổ vũ và tán thưởng những gì cô gái trên bục đang nói", chị Hương kể.

Sau buổi "làm quen" đó, chị Hương nhận thấy có nhiều điểm bất thường nên đã không đồng ý tham gia vào mạng lưới này. Tuy nhiên, sau đó, chị liên tục nhận được email mời chào với những lời đường mật dụ dỗ. Chị Hương kể, nhiều người bạn khác của chị cũng nói từng gặp tình huống tương tự.

Theo ông Trần Anh Sơn, Phó cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh, Bộ Thương mại, bán hàng đa cấp là một hình thức kinh doanh đã xuất hiện từ lâu trên thế giới. Với mô thức này, công ty tiêu thụ sẽ thiết lập một mạng lưới thành viên tham gia và các thành viên hoạt động dựa trên phần thù lao (hoa hồng) mà công ty trả cho họ nếu giới thiệu thêm được thành viên mới, hoặc bán được hàng. Chẳng hạn, nếu một người nào đó là thành viên (tầng 1) của công ty, và bán được sản phẩm thì sẽ được hưởng thù lao trực tiếp, còn nếu không bán được hàng thì có thể giới thiệu thêm người thứ 2 tham gia vào mạng lưới (tầng 2) và hưởng thù lao gián tiếp. Và cứ thế, nếu giới thiệu được càng nhiều người tham gia thì mức thù lao tích lũy càng lớn. Tuy nhiên, theo ông Sơn trên thực tế, có một số công ty đang biến tướng hình thức này để thu lợi bất chính.

Để được là thành viên của công ty, người muốn gia nhập phải được một người tham gia trước đó giới thiệu và phải mua một sản phẩm của công ty bằng tiền với giá thường gấp 2-3 lần giá thực tế. Khi đó, người tham gia được chứng nhận là đã có một lượng vốn tích lũy cá nhân (thường nhỏ hơn khoản tiền họ đã bỏ ra), và nó được dùng để tính toán khoản thù lao sau này. Sau đó, nếu giới thiệu được người mới, sẽ được hưởng thù lao 20-40% trên vốn tích lũy cá nhân. Tiếp đến nếu người được giới thiệu lại mời được một người mới thì họ sẽ được hưởng thù lao gián tiếp 1-20% vốn tích lũy cá nhân.

Như vậy, không cần phải bán hàng mà chỉ cần giới thiệu người tham gia bạn sẽ được hưởng một khoản tiền hoa hồng khá “béo bở”. Đây chính là động lực thôi thúc nhiều người tham gia, nhất là những người đang gặp khó khăn về tài chính. Đối tượng tham gia nhiều nhất là sinh viên, học sinh hoặc những người vừa ra trường đang tìm việc.

Tuy nhiên ông Sơn cho biết, thực chất, số tiền đó không phải do công ty tiêu thụ hàng hóa trả cho người tham gia mà là của các thành viên đến sau đã bỏ ra để mua sản phẩm. "Người tham gia cứ nghĩ là đã được trả rất nhiều, nhưng thực chất là đang làm giàu cho công ty tiêu thụ hàng hóa kia mà thôi", ông Sơn nói thêm.

Ông Sơn gọi bán hàng đa cấp bất chính là bán hàng theo kiểu "rỉ tai" bởi phần lớn người tham gia thường lôi kéo chính những người thân thích, gần gũi nhau như bà con họ hàng, hàng xóm hay bạn bè vào mạng lưới này. "Đa số những người đi dụ dỗ, chèo kéo khách mua hàng, người tham gia vào hệ thống bán hàng đa cấp đều có trình độ và có tri thức. Một số sinh viên nhà rất nghèo, thấy hình thức này dễ kiếm nhiều tiền nên đã nghe theo lời dụ dỗ của các công ty. Không ít người đã bỏ ra một khoản tiền khá lớn để trở thành thành viên mạng lưới. Và cũng vì một khoản lợi trước mắt mà chính các sinh viên này đã tự làm hại lẫn nhau. Rồi một ngày nào đó công ty này giải thể, và họ sẽ là nạn nhân của trò lừa bịp này", ông Sơn nói thêm .

Hiện nay, ở VN có khoảng 30 công ty tổ chức bán hàng theo mô hình đa cấp. Tuy nhiên, con số thực tế có thể còn lớn hơn. Việc quản lý hoạt động của những công ty này hiện vẫn rất khó bởi nghị định về bán hàng đa cấp vẫn chưa chính thức có hiệu lực. Do đó, theo ông Sơn, điều quan trọng hiện nay là tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là những sinh viên, hay những người đang chờ việc làm hiểu được bản chất thực sự của bán hàng đa cấp. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng phải luôn tỉnh táo để tránh mua phải những mặt hàng mà giá trị thực tế thấp hơn rất nhiều so với giá chào bán.

Ông Sơn cho biết, ngay khi nghị định quản lý bán hàng đa cấp được ký kết, Cục Quản lý cạnh tranh đã gửi văn bản cho cả 65 tỉnh trong cả nước về vấn đề này. Tới đây, Cục quản lý cạnh tranh sẽ ban hành thông tư hướng dẫn việc thực hiện nghị định. Trong thông tư, Cục sẽ đưa ra một mẫu thẻ để những người tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp đeo trong quá trình đi bán hàng. "Thẻ này sẽ phải được thiết kế sao cho đủ lớn để những người mua hàng có thể biết được mình đang tiếp xúc với ai để có thể biết cách liên lạc nếu thấy có yếu tố bất thường".

Hà Vy

Ý kiến của bạn: