Việt Nam cần sớm chuyển từ xuất khẩu áo phông sang vi mạch
Các Website khác - 13/09/2005
UNDP công bố Báo cáo phát triển con người 2005:
Việt Nam cần sớm chuyển từ xuất khẩu áo phông sang vi mạch

Công ty XNK luôn tạo nhiều mẫu mã
mới và chất lượng cho hàng xuất khẩu.

Nhờ duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế, vị trí xếp hạng về Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đã được nâng lên, từ vị trí 112 năm 2004 lên vị trí 108 trong tổng số 177 nước được xếp hạng trong năm 2005 - Báo cáo phát triển con người năm 2005 của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) được công bố ngày 12.9 tại Việt Nam cho biết.


Tăng trưởng công bằng
HDI là chỉ số tổng hợp của các chỉ tiêu về kết quả tăng trưởng kinh tế, giáo dục và y tế, nhằm đo tiến bộ trong lĩnh vực phát triển con người về dài hạn. Báo cáo 2005 hoan nghênh Việt Nam về thành tích giảm một nửa tỉ lệ nghèo so với năm 1990, giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ em và trẻ sơ sinh, cũng như tăng cường sự gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế và xoá đói, giảm nghèo.

Báo cáo ca ngợi Việt Nam đã đạt được tăng trưởng và vẫn đảm bảo sự công bằng. Ông Kevin Watkins - tác giả chính của báo cáo - nói: "Bất cứ ai băn khoăn liệu việc phân phối thu nhập có quan trọng không, đều cần biết một thực tế là 10% số dân nghèo nhất ở Brazil còn nghèo hơn cả những người nghèo nhất ở Việt Nam, mặc dù Việt Nam có mức thu nhập trung bình thấp hơn nhiều".

Tuy nhiên, ông Pincus cũng lưu ý, cải thiện không có nghĩa là bất bình đẳng đã được xoá bỏ, vẫn còn những trường hợp bất bình đẳng nghiêm trọng ở Việt Nam: Mỗi lần đi bệnh viện tiêu tốn 40% thu nhập hàng tháng của người dân, trong số 20% người nghèo nhất ở Việt Nam. Mức chi của hộ gia đình cho việc khám chữa bệnh cao như vậy đã đẩy 3 triệu người dân lâm vào cảnh nghèo túng. Ông Pincus khuyến cáo, các biện pháp để cải thiện tăng trưởng vì người nghèo bao gồm: Tăng cường tiếp cận giáo dục, y tế, tăng thu nhập, tạo việc làm và trợ cấp từ ngân sách khi cần thiết, tiếp cận đất đai phải bình đẳng và tăng cường cơ sở hạ tầng ở nông thôn...

Các con số thống kê cho thấy, 10% số người nghèo nhất ở Brazil chỉ nhận được 0,72% GDP, trong khi con số này ở Việt Nam là 3,2%. Ơ Brazil, 10% số người giàu nhất nhận 40% GDP, còn ở Việt Nam là 30%. Như vậy, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa Việt Nam nhỏ hơn so với Brazil, hay như lời ông Jonathan Pincus - chuyên gia kinh tế trưởng UNDP: "Việt Nam làm tốt trong phát triển toàn cầu và cải thiện bất bình đẳng".

Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam Jordan Ryan nhận xét: "Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới đã đi đúng hướng và đúng tiến độ trong việc đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ về xoá đói, giảm nghèo, có chính sách định hướng tốt về phát triển và xoá đói, giảm nghèo... Việt Nam cũng đưa ra nhiều bài học cho các nước khác về việc sử dụng tài trợ cho tăng trưởng và xoá đói, giảm nghèo".

Thương mại quốc tế: Nhiều bất hợp lý với các nước như VN
Với tiêu đề "Hợp tác quốc tế vào thời điểm quyết định: Viện trợ, thương mại và an ninh trong một thế giới bất bình đẳng", báo cáo của UNDP năm nay kêu gọi cần nhanh chóng thay đổi mạnh mẽ các chính sách về viện trợ, thương mại và an ninh toàn cầu. Các nước đang phát triển - trong đó có Việt Nam - gặp nhiều thách thức trong thương mại quốc tế, nhất là việc đánh thuế bất hợp lý đối với các nước nghèo nhất thế giới. Chẳng hạn, thuế nhập khẩu của Mỹ áp dụng cho những nước như Việt Nam và Bangladesh cao hơn khoảng 10 lần so với hầu hết các nước trong Liên minh Châu Âu. Chuyên gia kinh tế UNDP Pincus đã dùng từ "leo thang về thuế suất" để chỉ một hiện tượng bất hợp lý trong thương mại quốc tế: Các nước nghèo khi xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp thô sang nước giàu phải chịu thuế suất thấp, nhưng nếu xuất khẩu sản phẩm tinh, họ sẽ phải chịu thuế cao hơn.

Ông Pincus cho rằng, Việt Nam cần nhiều nỗ lực hơn trong việc chuyển đổi từ xuất khẩu gạo và áo phông sang những sản phẩm công nghệ cao như vi mạch. Trao đổi với Lao Động, ông nói, các chính sách leo thang thuế suất có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự chuyển đổi này đối với Việt Nam. Hiện nay, cho dù có Hiệp định Thương mại song phương Việt - Mỹ, song thuế của Mỹ đối với các sản phẩm công nghệ cao của Việt Nam còn rất cao. Đó là lý do để Việt Nam cố gắng gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhằm hưởng mức thuế suất thấp hơn nhiều trong các lĩnh vực.

Tuy nhiên, ông Pincus cũng nhấn mạnh: Gia nhập WTO là một phần của giải pháp, chứ không phải là giải pháp toàn bộ cho việc gắn kết thương mại với phát triển con người. So sánh giữa Việt Nam và Mexico - hai quốc gia đang có những chính sách tương đương trong hội nhập toàn cầu cho thấy, tự do hoá thương mại đã giúp cải thiện các chỉ số phát triển con người: Thu nhập tăng, tuổi thọ tăng thêm 6 năm và tỉ lệ trẻ em tử vong giảm một nửa. Ngược lại, Mexico trong thập niên qua, tiền lương thực tế không tăng, nạn thất nghiệp cao hơn, đói nghèo cùng cực giảm rất ít và bất bình đẳng tăng lên. Mỹ Hằng