Nhập siêu vì sao?
Các Website khác - 13/09/2005

Tình trạng nhập siêu lên đến 3,8 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2005 khiến nhiều người lo ngại. Càng đáng lo ngại hơn nếu kim ngạch xuất khẩu những tháng cuối năm lại giảm...

Nhập siêu nhưng chưa đáng lo

Soạn: AM 545817 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Dây chuyền đóng mới, lắp ráp xe tải nhẹ ở Công ty Tracomeco

Đánh giá tổng quát, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công nghiệp Bùi Xuân Khu cho rằng, các mặt hàng nhập khẩu tăng mạnh trong những tháng qua là linh kiện ô tô, thép xây dựng, hóa chất, gỗ nguyên liệu, sản phẩm và linh kiện điện tử, giấy, clinke, lúa mì, sữa, thức ăn gia súc…

Mặt hàng làm thay đổi cán cân kim ngạch nhập khẩu cao nhất chính là mặt hàng xăng dầu. Do giá xăng tăng liên tục trong những tháng đầu năm trong khi lượng xăng dầu xuất khẩu không cao (tăng có 6%) nên kim ngạch nhập khẩu tăng gần 44% (hơn 3,2 tỷ USD). Linh kiện, phụ tùng ô tô và ô tô nguyên chiếc nhập khẩu cũng tăng mạnh.

Nguyên nhân là nhiều dự án sản xuất ô tô đã đi vào hoạt động nhưng ngành công nghiệp phụ trợ cho sản xuất ô tô chưa phát triển. Muốn sản xuất ô tô, chỉ còn cách phải nhập khẩu linh kiện, phụ tùng.

Chưa kể, để ứng phó với việc chuẩn bị kiểm tra các điều kiện sản xuất xe nên các doanh nghiệp đã tăng nhập khẩu dự phòng. Số lượng linh kiện phụ tùng ô tô phải nhập khẩu tăng tới 70% và kim ngạch nhập khẩu tăng 68%.

Nhiều chuyên gia nhận định điều này phù hợp với xu thế chung, không đáng lo ngại. ông Bùi Xuân Khu cho biết thêm là nhóm máy móc thiết bị của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng chiếm kim ngạch nhập khẩu khá lớn. Đây là một dấu hiệu đáng mừng.

Kim ngạch nhập khẩu máy móc thiết bị phụ tùng đạt trên 3,3 tỷ USD chứng tỏ các doanh nghiệp vẫn tiếp tục tin tưởng vào đường lối chủ trương, chính sách của Đảng và yên tâm triển khai sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển công nghệ sản xuất.

Giá trị nhập khẩu này tương ứng với số lượng dự án đầu tư nước ngoài tăng khá cao trong thời gian qua (ước tính cả năm có thể thu hút khoảng 5 tỷ USD, trong đó vốn triển khai thực hiện trên 3,2 tỷ USD). Sự kiện này được đánh giá là tạo làn sóng đầu tư FDI (đầu tư trực tiếp của nước ngoài) mới tại Việt Nam. Thực tế, đã có nhiều dự án đầu tư mới vào Việt Nam có qui mô lớn với công nghệ sản xuất hiện đại.

Một trong những mặt hàng trước đây thường nhập khẩu nhiều là nguyên phụ liệu dệt may và da giày thì từ đầu năm đến nay tăng không đáng kể do tốc độ xuất khẩu giảm so với năm ngoái. Điều tương tự cũng diễn ra đối với việc nhập khẩu nguyên liệu dầu thực vật.

Trước đây, giá nhập khẩu nguyên liệu thấp nên nhiều doanh nghiệp xuất khẩu các loại hạt và dầu thô nguyên liệu thường mua dầu cọ về tinh luyện. Tuy nhiên, năm nay giá dầu tăng, kể cả dầu cọ (tăng khoảng 5%-8%), chưa kể chi phí vận chuyển cũng tăng mạnh khiến các nhà sản xuất buộc phải tính đến việc dùng nguyên liệu trong nước – mà theo tính toán – sẽ hiệu quả hơn và giá trị dinh dưỡng cao hơn.

Lệ thuộc nguyên liệu và tâm lý chuộng ngoại

Soạn: AM 545819 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Công ty Liên doanh Coats Phong Phú sản xuất bình quân mỗi năm 3.000 tấn chỉ phục vụ ngành may.

Đến thời điểm này, các chuyên gia kinh tế vẫn đánh giá tình trạng nhập siêu ở mức 3,8 tỷ USD (bằng 18,9% tổng kim ngạch xuất khẩu) là chưa đến mức báo động. Tuy nhiên, nếu những tháng tới tình hình xuất khẩu giảm, tỷ lệ nhập siêu lại tiếp tục tăng, mới đáng lo ngại.

Càng đáng lo hơn khi cho đến nay, như đã trình bày ở trên, hầu hết các mặt hàng nguyên liệu thiết yếu cho nền kinh tế của ta đều phải nhập khẩu như nguyên liệu sắt thép, xi măng, ô tô, thiết bị điện tử, tân dược, phân bón các loại, bông-xơ-sợi, hóa chất, thuốc trừ sâu, bột giấy, lúa mì, cao su…

Mặt khác, qua kiểm tra thực tế, chúng tôi cho rằng số ngoại tệ phải trả để nhập khẩu hàng tiêu dùng là khá lớn nhưng chưa được thể hiện rõ ràng trên bảng thống kê. Vào nhiều siêu thị, hàng hóa nước ngoài từ hũ dưa mắm-dưa cà đến hũ tăm cũng được nhập khẩu.

Riêng hàng dệt may Trung Quốc chiếm ít nhất 10% trên thị trường. Các sản phẩm mỹ phẩm và thời trang cao cấp của các nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới hầu hết đều có mặt tại Việt Nam như Shiseido, Debon, Revlon, Christan Dior, CK, Armani, Bossini, Mango…

Loại bỏ tâm lý “chuộng ngoại” của người tiêu dùng, cũng phải thừa nhận rằng các sản phẩm của Việt Nam trong lĩnh vực này chưa đáp ứng tốt nhu cầu xã hội. Sự bất cập này của ngành mỹ phẩm Việt Nam càng làm cho tâm lý chuộng ngoại của người tiêu dùng tăng lên.

Tâm lý chuộng ngoại của người tiêu dùng còn thể hiện rất rõ qua việc các loại hàng điện tử (tivi, đầu máy, máy tính, điện thoại di động…), điện lạnh, thuốc lá ngày ngày nhập lậu với số lượng lớn qua các cửa khẩu biên giới, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất trong nước và hao phí một lượng ngoại tệ rất lớn trong khi nhiều mặt hàng này đều đã được sản xuất trong nước với chất lượng tốt.

(Theo SGGP)