Một hộp bánh bằng… 1,5 tấn thóc
Do đời sống kinh tế đã được nâng cao nên nhu cầu của thị trường bánh trung thu hiện nay, nhất là ở thành phố có xu hướng "thưởng thức bánh" hơn là ăn bánh như trước. Hơn nữa, trung thu bây giờ còn là "cớ” để người lớn dùng bánh để... "ngoại giao". Nắm bắt xu hướng này, các “đại gia" trong làng bánh liên tục tung ra thị trường nhiều sản phẩm mới, thuộc hàng cao cấp và tất nhiên, giá cả cũng không rẻ chút nào...
Công ty La Cao (nhãn hiệu Bakery Maxim's) dự kiến hơn 50% sản phẩm của công ty là hàng cao cấp (giá 220 nghìn-380 nghìn đồng/hộp). Không chỉ được trang trí đẹp mắt mà tên gọi nghe cũng rất cầu kỳ: "Cấm Thu Phú Quý", "Hóa hạ cao thượng lễ", "Hội tiên nguyệt yến"... Sản phẩm "độc" của La Cao là "Macxim's Hoàng Gia" có giá bán kỷ lục... 3,8 triệu đồng/hộp (bằng... 1,5 tấn thóc). Hộp này được làm bằng gỗ, nặng tới 20kg, có phần đựng tám bánh trong hộp bạc, nắp hộp là bàn cờ tướng và hộp đựng cờ ấn hai bên.
Nhà hàng Đồng Khánh đưa ra thị trường 3.030 hộp bánh trung thu đặc biệt, mỗi hộp gồm hai bánh Phụng nhập hỏa lâm và hai bánh Phụng hoàng trà xanh, kèm theo mỗi hộp là một gói sâm cao ly. "Đại gia" Kinh Đô giới thiệu bộ sưu tập bánh cao cấp: "Trăng vàng tinh tế”, "Trăng vàng tao nhã", "Trăng vàng Thượng Hải"... Bibica thì đầu tư vào dòng sản phẩm không ngọt dành cho người ăn kiêng, tiểu đường...
Bánh trung thu ở thành phố đa sắc mầu như vậy còn ở nông thôn, miền núi thì sao? Có khá nhiều bánh "siêu” rẻ, chỉ khoảng 2.000-3.000 đồng/chiếc. Ngoài ra, loại bánh 170-200 gr có hộp đựng, khoảng 5-10 nghìn/chiếc. Đối với bánh có trọng lượng 100 gr, giá chỉ khoảng 11 nghìn đồng/chục chiếc. Ngoài ra, các loại bánh dẻo không có tên, mầu sắc sặc sỡ cũng được bày bán khá nhiều. Chị Mến bán hàng ở chợ Chi Phong (Vũ Thư-Thái Bình) thật thà nói: "Dịp này bọn em cũng bán kèm một số bánh kẹo trung thu nhưng tiêu thụ chậm lắm. Hộp loại 20-30 nghìn đồng cũng là sang rồi đấy. Phổ biến chỉ 5-7 nghìn đồng thôi...". Ông Hà Văn Tĩnh-Bí thư chi bộ ở đây tâm sự: "200-300 nghìn đồng một hộp bánh, tương đương một tạ thóc thì nông dân nghèo như chúng tôi không dám mua. Hàng năm, chúng tôi vẫn phải đi quyên góp kết hợp một phần kinh phí của địa phương để có chút quà trung thu cho các cháu. Dự định năm nay, mỗi suất quà sẽ là một chiếc bánh nướng hoặc bánh dẻo và dăm chiếc kẹo; trị giá... 2.000 đồng". Chị Trần Thị Ngọc-giáo viên trường THCS Tà Hộc (huyện Mai Sơn-Sơn La) thì ao ước: "Mong một lần các em học sinh người dân tộc thiểu số ở đây được nhìn thấy (thưởng thức thì càng tốt) loại bánh "đặc biệt" ở thành phố!".
Vệ sinh, an toàn-mối quan tâm hàng đầu
Theo ông Trần Đáng-Cục trưởng Cục an toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), trên thị trường hiện nay có khoảng 40-60 loại bánh trung thu. Tuy nhiên, các nguy cơ bị ô nhiễm hóa chất, vi sinh vật, các yếu tố vật lý... cũng rất cao và hiện chưa có tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cho bánh dẻo, bánh nướng.
Theo quy định, bánh dẻo có hạn dùng trung bình 8-10 ngày, bánh nướng có thể tới 20-30 ngày. Mặc dù vậy, nhiều cơ sở sản xuất chỉ ghi hạn dùng mà không ghi ngày sản xuất. Chúng tôi có mặt tại phố Bà Triệu, nơi có rất nhiều cửa hàng bánh trung thu đang bày bán và phát hiện hầu hết các mẫu bánh đều không ghi ngày sản xuất. Khi được hỏi, một chủ hàng còn cáu gắt với chúng tôi: "Các chú buồn cười nhỉ, hạn sử dụng ghi rõ thế này còn gì nữa?". Khi nghe nói về quy định, chủ hàng này nói lảng: "Thì công ty ghi thế, chúng tôi biết làm sao được...".
Ngoài ra, một số cơ sở sản xuất nhỏ hiện nay làm thủ công đã cố ý sử dụng các phẩm mầu, nguyên liệu không bảo đảm, nặn bánh bằng tay chưa rửa sạch... Có nơi, mặt bằng sản xuất quá chật, bẩn, dụng cụ chế biến không bảo đảm vệ sinh, nhân viên chế biến không có kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm. Thậm chí có cơ sở tên tuổi vẫn vi phạm về quy định nhãn mác. Sản phẩm của cơ sở Thủy Tạ bán ngay trong siêu thị Intimex mà báo chí gần đây cũng đã nêu, cũng không ghi ngày sản xuất và hạn dùng...
Thị trường bánh ngày càng sôi động khi trung thu đang đến gần. Dọc các đường Bà Triệu, Cầu Giấy, phố Huế… (Hà Nội); Trương Định, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo… (TP Hồ Chí Minh) đỏ rực băng rôn bánh trung thu và nhộn nhịp cảnh mua, bán. So với năm 2004, các doanh nghiệp dự kiến sản lượng tăng khoảng 20-100%. Hàng trăm mẫu mã đẹp và bắt mắt cũng đã được tung ra thị trường… | Để bảo đảm thị trường bánh trung thu 2005 an toàn, Cục an toàn vệ sinh thực phẩm đã ban hành văn bản 544/QLTP-CĐT về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo đó, yêu cầu các cơ sở sản xuất bánh trung thu bảo đảm đầy đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định; cấm sử dụng chất bảo quản, chất chống mốc và phẩm mầu độc hại; không được bán bánh quá hạn, bánh mốc. Người tiêu dùng cũng phải biết cách chọn mua và sử dụng bánh vệ sinh, an toàn.
Theo các nhà sản xuất, để chọn được bánh ngon, đẹp mắt và an toàn, người tiêu dùng nên chú ý đến các yếu tố bao bì, nguyên liệu và mầu sắc. Bao bì phải còn nguyên vẹn, lớp vỏ kính không bị hỏng hoặc bị xì hơi. Hình ảnh, logo nhà sản xuất trên bao bì phải sắc nét, không bị nhòa, chú ý tới ngày sản xuất và hạn dùng ghi trên đó. Không nên mua các loại bánh bao bì đã rách hay có những vết đốm, vết lạ như: đốm trắng, xanh vàng; đây là những dấu hiệu cho biết bánh bị mốc, hư, khi sử dụng sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe.
|