Ngân hàng áp dụng trần lãi suất mới từ 15/9
Các Website khác - 13/09/2005

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam vừa thông báo chính thức áp dụng thỏa thuận trần lãi suất tiền gửi tiết kiệm mới đạt được hồi giữa tháng 8. Giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP HCM Trần Ngọc Minh đã trao đổi thêm về lần tăng lãi suất thứ ba trong 10 tháng qua của các ngân hàng thương mại.

Ông Trần Ngọc Minh.
Ông Trần Ngọc Minh.
- Ông nghĩ sao khi nhiều người cho rằng đã đến thời điểm “bùng nổ” lãi suất?

- Tháng 8, lãi suất có tăng cao hơn các tháng trước, nhưng sự gia tăng này phù hợp với diễn biến của thị trường và hoạt động của các ngân hàng thương mại. Có ba nguyên nhân.

Thứ nhất, nhu cầu vay vốn của nền kinh tế đang gia tăng mạnh mẽ với hàng loạt dự án được triển khai, cộng vào đó là các doanh nghiệp đang chuẩn bị mùa sản xuất kinh doanh cuối năm, đẩy dư nợ cho vay tăng liên tục, hiện đã đạt xấp xỉ 160.000 tỷ đồng. Tính chung trong tám tháng đầu năm, huy động vốn chỉ tăng 12,4% trong khi cho vay tăng đến 19%, cung thấp hơn cầu thì lãi suất phải nhích lên.

Thứ hai, lãi suất đang bị sức ép từ yếu tố giá, thông qua mối quan hệ giữa lãi suất và lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng trong tám tháng đầu năm đã lên đến 6%, trong khi cùng thời gian này lãi suất mà các ngân hàng trả cho người gửi tiền chỉ 5,5% cũng là bài tính mà các ngân hàng phải cân nhắc.

Thứ ba, trong tháng 8 lãi suất USD tiếp tục tăng thêm, lên đến gần 4%/năm, vì vậy lãi suất VND cũng phải nhích lên để hạn chế dịch chuyển tiền gửi từ VND sang USD. Lãi suất tăng không có yếu tố đột biến, phản ánh đúng diễn biến của thị trường và các yếu tố này sẽ tiếp tục tác động đến lãi suất trong những tháng tới.

- Phản ứng của khách vay trước mặt bằng lãi suất mới ra sao?

- Lãi suất cho vay có tăng lên, với VND ở mức 9,72-13,2%/năm, còn USD là 5,3-5,5%/năm. Qua thăm dò, hầu hết khách vay đều chấp nhận mức lãi suất này. Đa số doanh nghiệp đã xem lãi suất là một loại “giá” do ngân hàng đưa ra, cung ít, cầu nhiều thì giá phải tăng. Do nhu cầu vốn quá lớn nên tình hình chung là doanh nghiệp mong muốn vay được vốn hơn là kêu ca về lãi suất.

Tuy nhiên, lãi suất tăng cũng gây khó cho cả doanh nghiệp và ngân hàng. Với doanh nghiệp, họ đang phải chịu nhiều sức ép: giá xăng dầu, nguyên vật liệu tăng, nay lại thêm lãi suất tăng. Về phía ngân hàng cũng gặp khó khăn, không thể đẩy lãi suất cho vay tăng theo lãi suất huy động nên kết quả kinh doanh cũng bị ảnh hưởng.

- Theo ông, giải pháp nào có thể kiềm chế lãi suất?

- Lãi suất vẫn phải theo diễn biến của thị trường, nhưng về phía các ngân hàng cũng cần thực hiện những biện pháp nhằm hạn chế sự gia tăng quá mức của lãi suất.

Trước hết là phải loại trừ các hoạt động cạnh tranh lãi suất không lành mạnh. Do vậy Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo các ngân hàng thương mại chỉ tăng lãi suất khi có nhu cầu về vốn, có kế hoạch sử dụng vốn hợp lý và hiệu quả.

Giữa các ngân hàng, thông qua Hiệp hội Ngân hàng, cũng nên thỏa thuận có thêm mức khống chế lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn 24 tháng (hiện chỉ khống chế đối với kỳ hạn 6 và 12 tháng) nhằm tránh sự vận dụng quá mức để đẩy lãi suất lên cao.

Một giải pháp nữa cũng đã được Ngân hàng Nhà nước triển khai cho các ngân hàng thương mại là phải tập trung vốn cho các dự án vừa và nhỏ, hộ nông dân, các dự án trọng điểm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao. Sử dụng đồng vốn một cách hiệu quả cũng giúp cân bằng cung - cầu vốn, giảm bớt áp lực phải gia tăng lãi suất.

(Theo Tuổi Trẻ)